Không nên 'chọn ngẫu hứng' khi đăng ký tổ hợp môn học ở lớp 10

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, học sinh không nên chọn ngẫu hứng mà cần dựa trên cơ sở ngành nghề mình yêu thích khi đăng ký tổ hợp môn học ở lớp 10.

Việc lựa chọn đúng tổ hợp môn dành cho học sinh khối 10 là vô cùng quan trọng. Ảnh: Đình Tuệ.
Việc lựa chọn đúng tổ hợp môn dành cho học sinh khối 10 là vô cùng quan trọng. Ảnh: Đình Tuệ.

Xây dựng tổ hợp môn thật khoa học

Nhằm cung cấp những thông tin quan trọng trong hành trình sắp tới của các em học sinh, Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) đã tổ chức giới thiệu mô hình giảng dạy và tư vấn định hướng học tập cho học sinh tới các bậc phụ huynh học sinh khối 10 năm học 2025 - 2026.

Ngoài các thông tin cơ bản về nhà trường, mô hình giảng dạy, điều kiện học tập của học sinh, nhà trường hướng dẫn cho phụ huynh và các em về cách thức nhập học, tư vấn cách lựa chọn tổ hợp phù hợp với các em nhằm tạo sự yên tâm và lựa chọn đúng đắn trong hành trình suốt 3 năm học cấp THPT.

dong-da-2.jpg
Phụ huynh và học sinh lớp 10 Trường THPT Đống Đa lắng nghe tư vấn từ giáo viên về thủ tục nhập học cũng như định hướng chọn môn. Ảnh: NTCC.

Dựa trên kinh nghiệm các năm, về định hướng lựa chọn môn thi tốt nghiệp, về đăng ký tổ hợp các môn tuyển sinh đại học và tình hình đội ngũ của nhà trường, Ban tuyển sinh của Trường THPT Đống Đa đã xây dựng 5 tổ hợp để phụ huynh và học sinh lựa chọn.

Các tổ hợp đều có các môn tự nhiên, xã hội nhằm giúp các em có sự hiểu biết và phát triển toàn diện. Trong đó, nhà trường cũng xây dựng các tổ hợp dành cho các học sinh yêu thích và có thế mạnh các môn tự nhiên/hoặc xã hội sẽ được học nhiều các môn tương ứng nhằm phát huy sở trường, cũng là để định hướng thi tốt nghiệp THPT và phát triển nghề nghiệp sau này.

"Nhờ sự tư vấn và định hướng đúng và trúng cho phụ huynh, học sinh ngay từ ngày đầu tiên nhập học, nhà trường đã giúp cho các em bớt đi sự bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa trường THPT, phụ huynh thêm yên tâm. Vì vậy, trong những năm qua, tỷ lệ học sinh xin đổi tổ hợp sau một năm học tại nhà trường là rất ít, chỉ 1-2 em/năm học" - nhà giáo Trần Thị Bích Hợp thông tin.

1.jpg
Thí sinh tới làm thủ tục nhập học vào lớp 10 Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) năm 2025. Ảnh: Đình Tuệ.

Còn theo nhà giáo Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội), với 765 chỉ tiêu vào 17 lớp 10 năm nay, nhà trường đã tiếp nhận hồ sơ nhập học của các thí sinh trúng tuyển từ ngày 10/7 đến 17h ngày 12/7. Học sinh cùng phụ huynh đến trường được cán bộ, giáo viên tư vấn chọn đồng phục, sách giáo khoa và tự chọn theo nhu cầu.

Đồng thời, nhà trường đã xây dựng 5 tổ hợp môn học phân theo các lớp cụ thể gồm:

Nhóm 1: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học với 5 lớp; 3 môn chuyên đề là Toán, Vật lí, Hóa học.

Nhóm 2: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ (công nghiệp) với 3 lớp; 3 môn chuyên đề là Toán, Vật lí, Hóa học.

Nhóm 3: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí với 3 lớp; 3 môn chuyên đề gồm Toán, Ngữ văn, Địa lí.

Nhóm 4: Vật lí, Địa lí, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học với 3 lớp; 3 môn chuyên đề là Ngữ văn, Toán, Vật lí.

Nhóm 5: Địa lí, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật với 3 lớp; 3 môn chuyên đề là Ngữ văn, Toán, Địa lí.

Lựa chọn đúng các môn sở trường

4.jpg
Hội đồng tư vấn của Trường Huỳnh Thúc Kháng trao đổi, giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh. Ảnh: Đình Tuệ.

Sáng 12/7, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (phường Khương Đình, Hà Nội) cũng tổ chức chương trình gặp mặt phụ huynh, học sinh khối 10 năm học 2025-2026 để tư vấn, lựa chọn tổ hợp môn học theo Chương trình GDPT 2018.

Ông Nguyễn Văn Công - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã chia sẻ các thông tin về cơ cấu tổ chức và hoạt động các tổ chuyên môn trong trường cũng như một số định hướng chính trong việc chọn tổ hợp nhóm môn đối với học sinh lớp 10 năm nay.

Đây là chủ đề luôn thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh và phụ huynh. Từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 trở đi, thí sinh sẽ phải làm 4 bài thi bao gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn cùng hai môn tự chọn. Việc tư vấn các môn ngay từ khi vào lớp 10 đóng vai trò vô cùng quan trọng để học sinh định hướng nghề nghiệp sau này.

3.jpg
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng đưa ra một số lưu ý khi học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn học theo Chương trình GDPT 2018. Ảnh: Đình Tuệ.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng - Giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cố vấn BGH Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thí sinh nên chọn ngành nghề trước khi chọn trường đào tạo; tiếp đó phải chọn được tổ hợp môn học đúng mới có hướng đi đúng. Học sinh tuyệt đối không được chọn môn theo đám đông hay ngẫu hứng chọn bừa.

Vị chuyên gia lưu ý, học sinh cần xác định được môn học sở trường của mình. Điều này không chỉ thể hiện về mặt điểm số mà còn dựa trên sự hứng thú khi học môn đó, các em chủ động học tập mà không cần ai nhắc nhở. Việc học các môn mình yêu thích sẽ giúp học sinh có động lực, tiếp thu tốt và đạt kết quả cao.

bat-bat-1.jpg
Các thí sinh của Hà Nội tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2025. Ảnh: Đình Tuệ.

Các môn tự nhiên như Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học... giúp các em phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề. Những môn xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí... rèn cho học sinh khả năng phân tích, lập luận, kỹ năng giao tiếp.

Nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ, Y dược thường yêu cầu các môn như Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ. Nhóm ngành về Kinh tế, Quản trị, Luật thường yêu cầu các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Với nhóm ngành Khoa học xã hội, Ngôn ngữ, Báo chí, Truyền thông thường đòi hỏi các môn về Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh. Nhóm ngành Kiến trúc, Thiết kế thường nghiêng về các môn như: Toán, Mỹ thuật, Tin học, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Công nghệ.

"Việc chọn đúng tổ hợp sẽ giúp các em có lộ trình học tập rõ ràng hơn, bám sát định hướng nghề nghiệp trong tương lai và tăng cơ hội trúng tuyển đại học theo đúng nguyện vọng. Dù chọn tổ hợp môn nào, các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ vẫn rất quan trọng, là nền tảng cho nhiều ngành nghề và cần học tập nghiêm túc", PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ