Cô giáo vui mừng, hiệu trưởng lo lắng, cô nuôi thất vọng

Cô giáo vui mừng, hiệu trưởng lo lắng, cô nuôi thất vọng

(GD&TĐ) - Năm học 2010-2011, huyện Diễn Châu (Nghệ An) có 40 trường mầm non, bao gồm 01 trường công lập (MN thị trấn Diễn Châu) và 39 trường bán công. Từ năm học 2011-2012, thực hiện chủ trương chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập, cả 40 trường đều là trường công lập, trong đó 03 trường (MN Diễn Vạn, MN Diến Bích, MN Diễn Trung) thuộc các xã đặc biệt khó khăn là trường công lập hưởng ngân sách nhà nước, còn 37 trường khác là trường công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động.

Cô giáo vui mừng, hiệu trưởng lo lắng, cô nuôi thất vọng ảnh 1
Trường MN Diễn Kỷ - nơi trả lương cho cô nuôi ở mức 1,3 đến 1,5 triệu đồng/tháng

Theo thống kê tại thời điểm tháng 10 năm 2011, ngành học mầm non Diễn Châu chỉ có 36 người trong biên chế (29 cán bộ quản lý, 6 giáo viên và 01 nhân viên phục vụ), còn 954 người khác và trên 200 cô nuôi (nhân viên nấu ăn) và 40 bảo vệ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Sau khi chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập, tháng 01 năm 2012, hầu hết giáo viên, nhân viên kế toán và y tế học đường đang hợp đồng lao động đều được tuyển dụng vào biên chế nhà nước. Riêng tất cả các cô nuôi – khoảng trên 200 người đều phải tiếp tục làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Và hiện trạng cô giáo vui mừng, Hiệu trưởng lo lắng, cô nuôi thất vọng xuất hiện từ đây.

Từ năm 2011 trở về trước, tuyệt đại bộ phận cô giáo, nhân viên và cô nuôi trong các trường mầm non ở Diễn Châu đều làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, tiền lương và các chế độ khác không chênh lệch nhau là bao nhiêu, vì thế mọi người không thấy có sự bất hợp lý trong hưởng thụ. Nhưng từ tháng 1/2012 thì mọi sự đã khác.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Diễn Châu cho biết: Từ tháng 01/2012, hầu hết các cô giáo, nhân viên kế toán và y tế học đường được tuyển dụng vào biên chế, những người này được hưởng lương theo ngạch, bậc (thường là từ 3.000.000 đồng/người/tháng đến 4.000.000/người/tháng), cao hơn hẳn so với trước, lại còn kèm theo các chế độ bảo hiểm và quyền lợi khác. Trong khi đó, hầu các cô nuôi chỉ được hưởng mức lương hợp đồng từ 1.050.000 đồng/người/tháng đến 1.300.000 đồng/người/tháng, người nhiều nhất cũng chỉ có 1.500.000 đồng/tháng, lại không có bất cứ một quyền lợi nào nữa. Chính vì vậy, đời sống của các cô nuôi không đảm bảo, các cô không thể an tâm công tác.

Xin tìm hiểu cụ thể thêm, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Hương đưa về Trường Mầm non Diễn Kỷ - trường mầm non đầu tiên của cả tỉnh đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (nay có thêm 02 trường nữa). Tại đây, bà Đặng Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo quy định của cấp trên, Trường phải hợp đồng với 7 cô nuôi để nấu ăn cho 480 cháu. Các cô nuôi ở đây được trả lương từ 1.300.000 đồng/người/tháng đến 1.500.000 đồng/người/tháng - cao nhất so với các cô nuôi ở các trường mầm non khác trong huyện.

Hỏi chuyện cô Ngô Thị Thu Hiền, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại Du lịch Nghệ An, hiện đang làm nhiệm vụ cô nuôi tại trường này, cô nói: “Với mức lương như hiện nay, hoàn toàn không đảm bảo được cuộc sống bản thân. Mỗi tháng em nhận 1.300.000 đồng, trừ tiền xăng xe, tiền ăn trưa ở trường, rồi tiền thăm hỏi,…số còn lại chưa đủ chi cho việc ăn sáng. Sắp tới, khi lập gia đình, chắc em phải tìm việc khác để làm thôi”.

Một cô khác (xin không nêu tên): “Bọn em mừng khi nghe tin trường mầm non bán công được chuyển thành trường mầm non công lập. Nhưng mừng hụt và rất thất vọng khi mọi quyền lợi, chế độ của mình lại thấp hơn lúc trường còn là trường bán công”. 

Cô giáo vui mừng, hiệu trưởng lo lắng, cô nuôi thất vọng ảnh 2
Trường MN Nghi Hải - nơi các cô nuôi có mức lương 2 triệu đồng mỗi tháng

“Học phí vẫn thu theo mức thu của trường mầm non bán công trước đây, trong khi phần lớn tiền lương của các cô giáo và nhân viên trong biên chế Nhà nước lại được ngân sách chi trả, tại sao lương của các cô nuôi lại quá thấp như vậy”. Tôi hỏi bà Đặng Thị Hoa. Bà Hiệu trưởng trả lời: “Trường MN Diễn Kỷ cũng như các trường mầm non khác trong huyện, 40% số học phí thu được phải dành để hỗ trợ Nhà nước chi trả phân lương tối thiểu mới được tăng thêm; 90% của 60% số học phí còn lại (tức 54% tổng số học phí) phải dùng để chi trả lương cho người trong biên chế, thực tế nhà trường chỉ còn được chi dùng 06% tổng số học phí thu được. Với 06% tổng số học phí và tiền chi khác do ngân sách cấp, nhà trường phải chi biết bao nhiêu khoản mục, trong đó có tiền lương của 02 giáo viên hợp đồng, 01 bảo vệ và 07 cô nuôi. Lãnh đạo nhà trường không lúc nào không lo – lo tiết kiệm, lo cắt xén các khoản chi khác để có tiền trả lương cho các cô nuôi, dù mức lương của họ được trả quá thấp. Bà Nguyễn Thị Hương đi với chúng tôi đã xác nhận những điều bà Hoa vừa nói là đúng với cả 37 trường mầm non công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động của Diễn Châu.

Thực sự, chúng tôi không thể hiểu vì sao các trường mầm non ở Diễn Châu lại chỉ được quyền sử dụng có 06% tổng số học phí thu được, trong khi số tiền học phí mà cha mẹ các cháu phải nộp đã có phần chi cho các hoạt động bán trú (trong đó có việc chi trả lương cho cô nuôi).

Chúng tôi đã đến một số địa bàn khác trong tỉnh xem sự thể có như ở Diễn Châu hay không. Ở Nam Đàn, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết, các trường mầm non ở Nam Đàn được quyền chi 60% số học phí thu được.

Ở Trường MN Nghi Hải (thị xã Cửa Lò), theo bà Võ Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường: Tổng số học phí thu được, nhà trường được quyền chi 60%, vì thế ở đây đã trả lương cho cô nuôi 2.000.000 đồng/người/tháng. Bà Phương còn cho biết thêm, thực tế nhà trường có đủ tiền để trả lương cho cô nuôi ở mức 2.200.000 đồng/người/tháng, nhưng để đảm bảo mặt bằng chung toàn thị xã, nên Trường chỉ được phép trả 2.000.000 đồng/người/tháng.

Ở Trường MN Vinh Tân (thành phố Vinh), bà Hiệu trưởng Trần Thị Hợi cũng cho biết: Trong tổng số học phí thu được, bà có quyền chi 60%. Hiện nhà trường có 11 người đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, nhưng tất cả đều được trả lương theo bằng cấp, theo ngach bậc, người thấp nhất cũng được 2.000.000 đồng/tháng.

Lương của cô nuôi trong các trường mầm non trên địa bàn Nghệ An đã thấp (xin sẽ bàn vào một dịp khác), nhưng ở Diễn Châu còn thấp hơn nhiều. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do nguồn học phí của các trường mầm non ở Diễn Châu "được" cấp trên (cấp huyện) huy động gần hết vào việc chi trả lương cho người trong biên chế nhà nước, kể cả phần học phí phục vụ cho các hoạt động bán trú.

Thiết nghĩ, để giúp các trường mầm non ở Diễn Châu có kinh phí trả lương cho cô nuôi, để các cô nuôi không phải thất vọng sau chủ trương chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập, UBND huyện Diễn Châu cần nhanh chóng xem xét lại cơ chế sử dụng học phí đã nêu ở trên, sớm chấm dứt tình trạng cùng một tỉnh, nhưng mỗi huyện thực hiện chủ trương của tỉnh một khác.

Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ