Hàng chục năm nay, hình ảnh cô giáo Phạm Thị Hồng lặn lội khắp buôn làng vận động học sinh ra lớp, kêu gọi hỗ trợ cho các em gặp khó khăn đã trở nên quen thuộc với người dân xã vùng sâu Ea R’bin, huyện Lắk (Đắk Lắk).
“Dụ” trò đến lớp
Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, chúng tôi có dịp theo chân cô Phạm Thị Hồng - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Trần Quốc Toản vượt gần 20km từ trung tâm xã Ea R’bin đến buôn Plao Siêng. Khi gặp hai cháu nhỏ đang chạy xe máy trong buôn, cô nhận định đó là những học trò có ý định nghỉ học.
Vừa gặp, cô Hồng dỗ trò: “Mai lên trường, cô chuẩn bị áo trắng, khăn quàng và sách vở nữa. Có nhiều bánh kẹo lắm, các em lên trường nhận sách vở về để đi học nhé”.
Đó là 2 trong vô số học trò mà cô Hồng đã hỗ trợ, giúp đỡ trong hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo ở xã vùng sâu, khó khăn này. Cũng vì thế, hình ảnh cô giáo với dáng người nhỏ bé đi vận động học trò, thuyết phục phụ huynh, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trở nên quen thuộc với người dân ở các buôn làng ở cả huyện Lắk (Đắk Lắk) và huyện Krông Nô (Đắk Nông).
Nói về đồng nghiệp của mình, thầy Trịnh Văn Quyết, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản cho biết, trường nằm ở xã vùng sâu, điều kiện kinh tế của hầu hết phụ huynh còn rất khó khăn. Năm nào cũng phải đi vận động mạnh thường quân để hỗ trợ thêm, giúp các em học sinh không phải nghỉ học.
“Tôi mới về trường được 2 năm, nhưng hoạt động thiện nguyện, kêu gọi để giúp đỡ học trò của nhóm cô Hồng đã diễn ra từ nhiều năm trước. Nhiều em học sinh không chỉ được hỗ trợ quần áo, giày dép, sách vở mà còn được cấp học phí, một ít tiền ăn hàng tháng. Việc làm của cô Hồng đã giúp các em học sinh bớt khổ và tự tin đến trường hơn”, thầy Quyền tâm sự.
Gắn bó với cô Hồng từ ngày đầu mới về trường, thầy Y Thắng Rơ Yam - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản chia sẻ: “Hàng chục năm qua, cô Hồng đã vận động hỗ trợ nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến lớp. Nhờ sự giúp đỡ ấy, đến nay đã có em vào đại học như Vừ Thị Sanh, buôn Plao Siêng”, thầy Y Thắng Rơ Yam nói.
Tâm sự với phóng viên, cô Hồng cho biết, tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn, Trường Đại học Tây Nguyên năm 2013. Đến 2017 mới được nhận vào dạy hợp đồng tại Trường THCS Trần Quốc Toản. Trước đó, trường nào trên địa bàn thiếu tiết hay có giáo viên nghỉ thai sản thì xin dạy hợp đồng thời vụ.
“Đến nay, tôi cũng chưa được vào biên chế, vẫn là giáo viên hợp đồng. Tôi vẫn thấy rất vui và tự hào vì được làm đúng nghề, được giúp đỡ được nhiều học trò”, cô Hồng nói.
Nhớ lại những ngày đầu khi về trường đúng dịp 20/11, một cậu học sinh người Mông mặc bộ áo trắng đã nhuốm màu cháo lòng, cúc đã đứt mất 2 cái bẽn lẽn lên gặp cô. “Bạn ấy đưa từ sau lưng ra một bông hoa nhựa tặng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúc cô luôn khỏe.
Hình ảnh mộc mạc ấy khiến mình rất xúc động và luôn ghi nhớ. Sau nhiều năm đi dạy, được chúc mừng ngày Nhà giáo mỗi năm, nhưng hình ảnh cậu học trò ấy khiến tôi rất ấn tượng. Tôi thương học trò chỉ có những bộ quần áo xộc xệch đến trường, cơm ăn còn chưa no nên học con chữ cực kỳ vất vả. Hình ảnh này đã thôi thúc tôi lập câu lạc bộ thiện nguyện mang tên Trao yêu thương cho đến hôm nay”, cô Hồng nhớ lại.
Thấu hiểu để sẻ chia
Vừa sửa soạn xong gần 100 cặp sách, 60 bộ quần áo trắng mới nhận từ các “mạnh thường quân” để trao tặng cho học trò nghèo khai giảng năm học 2024 - 2025, cô Hồng lại tất bật hỗ trợ cho em Vừ Thị Sanh đi nhập học tại Trường Đại học Tây Nguyên.
Sanh chính là niềm tự hào của xóm người Mông ở Buôn Plao Siêng, bởi em đã vượt lên hoàn cảnh để tiếp tục học và trở thành người đầu tiên đỗ đại học.
“Cô Hồng là giáo viên chủ nhiệm năm lớp 9. Lúc đó bố mất, nhà có 6 đứa con nên mẹ muốn em nghỉ học về đi làm thuê phụ gia đình. Em rất muốn học, vì chỉ học mới thoát khỏi cảnh nghèo, thoát khỏi quan điểm của buôn làng là con gái cần gì học, chỉ cần lấy chồng sinh con. Cũng may nhờ cô Hồng vận động mẹ, giúp đỡ mọi thứ nên em mới được đi học tiếp”, Sanh nhớ lại.
Điều đáng nói, lên cấp 3, Sanh đi học cách nhà đến 50km, cô cũng nhờ bạn bè, đồng nghiệp và Báo Giáo dục và Thời đại hỗ trợ để em được tiếp tục đi học. Sau đó, Sanh hoàn thành chương trình THPT với thành tích học sinh xuất sắc 3 năm liên tiếp và em vừa đỗ vào ngành sư phạm tiểu học tiếng Jrai, Trường Đại học Tây Nguyên.
Được biết, với mức lương hiện tại, cuộc sống của gia đình cô Hồng cũng chưa khá giả, nhưng với tình yêu nghề, yêu trò, cô luôn cố gắng kêu gọi mạnh thường quân, giúp đỡ thật nhiều học sinh được đến trường viết tiếp ước mơ với con chữ.
“Người dân nơi đây phần lớn di cư từ phía Bắc vào, hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn và nhiều người quan niệm rất lạc hậu, không coi trọng việc học. Bởi thế, tôi phải thường xuyên về tận nhà, lên tận nương rẫy để thuyết phục, hứa sẽ hỗ trợ con em thì phụ huynh mới cho trẻ đến trường. Ngày trước mình nghèo, mình nỗ lực để được đi học, giờ không muốn vì khó nghèo, mặc cảm mà học trò phải nghỉ ngang”, cô Hồng bộc bạch.
Ông Đặng Xuân Kiên, Chủ tịch UBND xã Ea R’bin cho biết, là xã vùng sâu, đường sá đi lại trắc trở nên cuộc sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trường hợp cô Hồng là một điểm sáng cả về nghề nghiệp và sự cống hiến cho xã hội. Nhiều năm nay, cô Hồng cùng nhóm thiện nguyện của mình luôn vận động hàng ngàn bộ cặp sách, quần áo mới, quà tặng, tiền để giúp cho có thêm điều kiện học sinh được đến trường.