Thầy giáo Chăm vùng biên đồng hành cùng học trò nghèo

GD&TĐ -Tận tâm với nghề, hết lòng với HS, thầy giáo Y Da Pha (45 tuổi, An Giang) đã hỗ trợ nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ bỏ học “bước tiếp”.

Mô hình “Nuôi heo đất khuyến học” của thầy Pha góp phần hỗ trợ HS hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình “Nuôi heo đất khuyến học” của thầy Pha góp phần hỗ trợ HS hoàn cảnh khó khăn.

Bỏ tiền túi khích lệ HS vượt khó

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Âm nhạc tại Trường ĐH An Giang năm 2007, thầy giáo Y Da Pha xin về công tác tại Trường THCS Đa Phước (huyện An Phú, tỉnh An Giang)- ngôi trường có đông con em dân tộc Chăm đang học. Hiện thầy là tổng phụ trách đội và là giáo viên dạy âm nhạc tại trường.

thay Y Da Pha.jpg
Thầy giáo Y Da Pha trong một buổi sinh hoạt tại trường.

Trong quá trình giảng dạy, thấu hiểu nỗi khó khăn của HS vùng biên giới, thầy thường tự bỏ tiền túi mua những phần thưởng nhỏ khen thưởng học trò có thành tích tốt, vượt khó. Dõi theo sự cố gắng mỗi ngày của học trò, thầy biết đến nhiều hơn những hoàn cảnh gia đình khó khăn.

“Thời điểm đó, địa phương còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo rất nhiều nên nhiều HS có nguy cơ bỏ học giữa chừng. Sau khi đến từng nhà tìm hiểu, thấu cảnh khó khăn của các em, tôi quyết định thực hiện hỗ trợ”, thầy Pha kể.

Không dừng lại ở việc khen thưởng cuốn tập, cây bút mua bằng đồng lương giáo viên eo hẹp của mình, thầy còn tìm kiếm kết nối các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện để có thể giúp đỡ các em những phần quà giá trị hơn như học bổng, xe đạp… Nhờ vậy các em an tâm bám lớp, không phải bỏ học giữa chừng.

Thầy Pha tâm sự: “Với những em gia đình quá khó khăn, nếu mình không kịp thời hỗ trợ học bổng, đồng phục, sách vở, xe đạp... thì các em có khả năng bỏ học rất cao. Vì thế, nhiều năm qua tôi luôn chủ động trong việc phối hợp với các đoàn thể trong và ngoài nhà trường để làm công tác xã hội hóa, giúp các em có đủ điều kiện đến trường như các bạn cùng trang lứa”.

Quyết tâm không để HS bỏ học

Chính sự nhiệt tình, không ngại khó của thầy Pha đã giúp các em HS chăm học hơn, nhất là những buổi học về kỹ năng sống, âm nhạc.

Suốt 17 năm qua, thầy Pha đã phát động rất nhiều mô hình học tập tốt, giúp đỡ HS nghèo vượt khó, trong đó điển hình là việc “Nuôi heo đất khuyến học”. Đây là mô hình có cách triển khai rất khác so với những chương trình tương tự.

thay giao giam ngheo an giang (3).jpg
Một buổi phát động phong trào kế hoạch nhỏ và nuôi heo đất khuyến học tại Trường THCS Đa Phước.

Theo đó, vào mỗi thứ 6 hàng tuần, HS các lớp được giáo viên chủ nhiệm thông báo đóng góp tùy theo khả năng. Sau đó công bố số tiền đóng góp tại lớp và kéo dài cho đến hết học kỳ 1. Gần Tết Nguyên đán, nhà trường sẽ công bố quỹ đóng góp của từng lớp, rồi tổ chức mua quà để tặng cho HS có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, mỗi năm, thông qua các quỹ khuyến học, vận động mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện xã hội, thầy Pha còn vận động gần 100 triệu đồng giúp các em có phương tiện đi học, quần áo, tập sách, học bổng, góp phần giảm tỉ lệ HS bỏ học.

“Việc thiện nguyện có những nỗi vất vả nhưng nhìn thấy được niềm hạnh phúc của các em, của bà con, tôi quên đi nỗi mệt mỏi. Tôi sẽ tiếp tục duy trì con đường thiện nguyện của mình”, thầy Pha nói.

thay giao giam ngheo an giang (1).jpg
Đến nay đã có hàng trăm HS nhận được sự hỗ trợ từ hoạt động heo đất gây quỹ do thầy Pha khởi xướng.

Theo thầy Lê Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Đa Phước, qua 17 năm gắn bó với trường, thầy Pha đã có những đóng góp đáng kể, giúp nhà trường trở thành điểm sáng trong ngành Giáo dục địa phương.

Những việc làm nhiều sáng tạo của thầy đã thu hút được HS đến lớp, các em dân tộc Chăm học tốt hơn.

Em Lê Trân, HS Trường THCS Đa Phước chia sẻ: Em thấy chương trình Nuôi heo đất khuyến học do thầy Pha triển khai vô cùng ý nghĩa. Chúng em có thể góp chút sức nhỏ để cùng thầy cô giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn có quà đón Tết và có thêm tiền trang trải việc học.

Phấn khởi vì vừa được hỗ trợ chiếc xe đạp từ thầy Pha, em Nguyễn Hữu Tường, HS Trường THCS Đa Phước cho hay: Khi nhận được xe đạp do nhà trường và thầy Pha trao tặng em rất cảm động. Đó là động lực để em cố gắng học thật giỏi, không phụ lòng thầy cô đã giúp đỡ, đồng hành cùng em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.