Cô giáo huyện đảo chia sẻ cân bằng cảm xúc trước tình huống “dở khóc, dở cười”

GD&TĐ - “Người thầy tốt không chỉ là người có kiến thức chuyên môn vững vàng mà phải là một người biết lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia và giúp trò trưởng thành với những cảm xúc lành mạnh”.

Cô Thuận cho rằng: Người thầy tốt phải là người biết bao dung, thấu hiểu, biết cân bằng cảm xúc trước học trò.
Cô Thuận cho rằng: Người thầy tốt phải là người biết bao dung, thấu hiểu, biết cân bằng cảm xúc trước học trò.

Đó là chia sẻ của cô Lê Thị Thuận (SN 1987), giáo viên Trường THCS Cát Bà (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng).  

Hạnh phúc với nghề

Sinh ra và lớn lên ở huyện đảo, cô Thuận mong muốn được về quê hương công tác để góp sức trẻ cho sự phát triển của địa phương.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Thuận được về Trường PTCS Gia Luận (xã Gia Luận, huyện Cát Hải) công tác. Ngôi trường nằm cách xa trung tâm thị trấn, đi lại khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng cô giáo trẻ luôn nhiệt huyết phấn đấu, chăm chỉ trau dồi chuyên môn.  

Sau 2 năm ngày vào nghề, cô Thuận được luân chuyển về Trường THCS Cát Bà. Đã hơn 10 năm cô phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục huyện đảo với bao khó khăn, nhưng cũng đầy tự hào.

Quá trình công tác, cô giáo trẻ luôn tích cực tham gia phong trào thi đua của ngành, của nhà trường; các cuộc thi đều đạt kết quả cao.

Cô giáo Lê Thị Thuận đã hơn 10 năm gắn bó với giáo dục huyện đảo Cát Hải.
Cô giáo Lê Thị Thuận đã hơn 10 năm gắn bó với giáo dục huyện đảo Cát Hải.

Cô Thuận cũng nhiều năm là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Môn Ngữ văn mà cô đảm nhiệm đều có học sinh dự thi và đạt giải thi học sinh giỏi cấp huyện và thành phố.

Nhiều năm liền cô Thuận đạt danh hiệu lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, Giấy khen của Công đoàn ngành Giáo dục huyện, Liên đoàn lao động huyện, Giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT.

“Bản thân tôi luôn tâm niệm: Đến được với nghề, làm được nghề là một điều may mắn, cũng là cái duyên. Vì vậy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bởi, dạy học là một nghề khó. Người thầy tốt không chỉ là người có kiến thức chuyên môn vững vàng, luôn trách nhiệm, sáng tạo trong công việc mà còn phải là một người biết bao dung, thấu hiểu, biết cân bằng cảm xúc trước nhiều những tình huống “dở khóc, dở cười”, trước sự hiếu động của học trò”, cô Thuận chia sẻ.

Những tình huống “dở khóc, dở cười” mà cô Thuận nhớ mãi đó là “bắt quả tang” 10 học sinh nam trong lớp chủ nhiệm rủ nhau đi vệ sinh, trốn kiểm tra bài.

Cô giáo kể: Hôm đó cô có việc lên nhắc lớp giữa giờ, tình cờ thấy 10 em học sinh nam, thuộc đội “siêu quậy” của lớp đang xếp hàng, thập thò ngoài cửa lớp. Thấy cô, đứa rúm ró, đứa xô nấp và viện lý do đi vệ sinh nên vào lớp muộn. Khi tìm hiểu nguyên nhân, phần lớn học sinh vin cớ để trốn kiểm tra đầu giờ, cô từ tốn, không trách phạt mà nhẹ nhàng nhắc nhở. Trong tiết sinh hoạt lớp, cô đã nhắc nhở lại nội quy của trường, lớp và yêu cầu học sinh cam kết thực hiện nghiêm.

Một lần tình cờ đi ngang qua lớp trong giờ ra chơi, cô giáo nghe vang lại một câu nói hỗn của một nam học sinh. Ngay trong tiết sinh hoạt lớp, cô giao cho bạn nam sưu tầm 3 câu chuyện răn dạy về đạo đức và cách ứng xử, sau đó đến tiết Hoạt động ngoài giờ lên kể diễn cảm lại cho cả lớp nghe và nêu ra bài học từ câu chuyện. Tuy hơi bẽn lẽn, ngại ngùng nhưng nam sinh đó đã trình bày lưu loát các câu chuyện, biết được bài học cho bản thân mình và từ đó lễ phép với thầy cô, luôn lịch sự với bạn bè.

Quá trình giảng dạy hay làm công tác chủ nhiệm, cô Thuận luôn mang đến cho học trò cảm giác gần gũi, thân thiện và được tôn trọng.
Quá trình giảng dạy hay làm công tác chủ nhiệm, cô Thuận luôn mang đến cho học trò cảm giác gần gũi, thân thiện và được tôn trọng.

Lan toả yêu thương

Cô Thuận tâm sự: “Trong suốt quá trình làm nghề, có những lúc bản thân tôi cũng cảm thấy rất mệt mỏi trước công việc bộn bề, áp lực bởi phụ huynh- học sinh, dư luận xã hội… song tôi đã cố gắng, nỗ lực để vượt lên và gắn bó với nghề. Tôi luôn nghĩ rằng: Để có thể trở thành một giáo viên tốt đòi hỏi mỗi người cần thực sự tâm huyết, trách nhiệm, dũng cảm vượt lên những khó khăn, áp lực để trau dồi bản thân ngày càng vững vàng, hoàn thiện”

Bản thân cô giáo luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân để truyền năng lượng tích cực, mang hạnh phúc tới học trò. Trường học hạnh phúc theo quan niệm của cô Thuận, không phải là một khái niệm “đúc khuôn” với mĩ từ xa lạ. Mà đó là ngôi nhà thứ 2 của học trò. Thầy cô là cha mẹ, là người thân, yêu thương và gắn bó.

Tuổi học trò là tuổi trong sáng nhất, hãy cùng các em lớn lên với những cảm xúc lành mạnh. Với người thầy, tri thức để trao truyền cho học trò là vô cùng quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là sự lan toả tình yêu thương để rồi trái ngọt cho nghề là những lứa học trò biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Bản thân cô giáo luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân để truyền năng lượng tích cực, mang hạnh phúc tới học trò.
Bản thân cô giáo luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân để truyền năng lượng tích cực, mang hạnh phúc tới học trò.

Theo cô Thuận, để lan toả yêu thương hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc thì cách xưng hô của thầy trò cũng là điều đáng bàn. Bản thân cô khi giao tiếp với học sinh THCS thường có thói quen xưng cô, gọi học sinh là em, là bạn hoặc gọi tên thân mật.

Nhưng, đôi khi sự khác biệt cũng mang lại những giá trị đặc biệt. Xưng hô thân mật “cô-em”, “cô-con” nếu phù hợp với đối tượng, lứa tuổi học trò còn thể hiện được sự tôn trọng, tình cảm đúng mực của thầy với trò và mang giá trị giáo dục tốt đẹp.

Với các cấp học mầm non hay tiểu học giáo viên gọi trò là con thể hiện sự nhẹ nhàng, gần gũi hơn với trẻ nhỏ, tạo cho trẻ sự yên tâm, thân mật.

Với các bậc học lớn hơn, giáo viên có thể xưng thầy, cô- gọi trò là em, là bạn để thoải mái, tự nhiên, tạo mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp.

“Để đạt được hạnh phúc, chúng ta cần xây dựng được một môi trường giáo dục nghiêm túc, lành mạnh, an toàn song cũng cần cởi mở, thân thiện. Bởi ngoài trang bị cho học sinh nguồn kiến thức nền tảng, nhà trường còn là nơi rèn dạy cho học trò những kĩ năng sống cần thiết để các em trở nên hoàn thiện cả về Đức- Trí- Thể-Mĩ” - cô Thuận chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.