Hải Phòng mở cửa trường học: Chất lượng song hành cùng an toàn

GD&TĐ - Thầy cô kiêm nhân viên y tế, ứng xử nhanh với ca bệnh; linh hoạt các phương án dạy học, tận dụng tối đa thời gian dạy thay cho đồng nghiệp bị bệnh…

Học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu trong giờ học.
Học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu trong giờ học.

Đó là cách mà giáo viên tại các nhà trường ở Hải Phòng đang nỗ lực từng ngày vì chất lượng giáo dục.

Ứng xử nhanh với dịch bệnh

Với quyết tâm mở cửa trường học, đến ngày 14/2, 100% các trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã hoạt động trở lại.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Động, xã Hoàng Động, huyện Thuỷ Nguyên, trường có 798 học sinh, ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ (ngày 9/2) có 705 em đi học trở lại. Nhưng những ngày sau đó, số học sinh đến trường giảm dần do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Có nhiều em bị nhiễm dịch do thời gian ủ bệnh trước đó, nhiều học sinh vì lý do sức khoẻ hoặc cha mẹ chưa an tâm cho con đi học… Đến thời điểm này, trường có 151 học sinh F0 nhưng chưa có học sinh nào bị bệnh trở nặng hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Trong số 42 cán bộ, giáo viên có 7 cô bị F0, một trường hợp đã khỏi bệnh.

Để xử trí nhanh với các ca bệnh, Trường Tiểu học Hoàng Động chủ động các phương án và tập huấn kỹ càng cho cán bộ giáo viên. Cô Hương chia sẻ: Để dịch không lây lan trong trường, Ban giám hiệu chia ca đón học sinh, mỗi khối sẽ vào trường cách nhau khoảng 15 phút và có lối đi riêng. Thầy cô đón học sinh ở vòng ngoài là những giáo viên dạy môn chuyên. Giáo viên chủ nhiệm lớp nào dạy tại lớp đó. Vì thế, vòng ngoài kiểm soát dịch, để vòng trong, các giáo viên văn hoá đảm bảo hoạt động giáo dục cho học trò an toàn.

Cô Hương cho rằng: “Để phụ huynh an tâm về công tác phòng dịch, nhà trường tích cực tuyên truyền an toàn phòng chống dịch theo hướng mở, không giấu giếm dịch. Nhà trường tôn trọng ý kiến của phụ huynh vì sự an toàn sức khoẻ cho con em mình, nhất là khi trẻ chưa được tiêm vắc-xin”.

Tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, thầy Trịnh Văn Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, ngày 23/2, trường có 71/342 học sinh đi học trực tiếp, khối 9 học sinh đi học đông nhất, được trên 20 em.

Trước nhiều thông tin trái chiều từ phụ huynh học sinh, thậm chí có cả tâm thư của Ban đại diện cha mẹ học sinh với mong muốn lùi thời gian cho trẻ tới trường. Tuy nhiên, nhà trường linh hoạt thực hiện các văn bản, với những học sinh F1, F0 nghỉ học thì học sinh có sức khoẻ không tốt có thể xin nghỉ ở nhà học online cùng các bạn khi có ý kiến của phụ huynh. Học sinh F0 khỏi bệnh được cô giáo động viên đến trường học.

Cô trò Trường Tiểu học Hoàng Động song song 2 hình thức dạy học.
Cô trò Trường Tiểu học Hoàng Động song song 2 hình thức dạy học.

Đa dạng cách làm

Ngoài thực hiện chỉ đạo của ngành, theo thầy Cao Văn Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Lâm Động, xã Lâm Động, huyện Thuỷ Nguyên, để chất lượng giáo dục như mong muốn thì việc dạy học trực tiếp là vô cùng cần thiết. Vì thế, trường quan tâm đến công tác tuyên truyền. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên hỏi han sức khoẻ các trò, từ đó, động viên thuyết phục để họ tin tưởng cách làm của nhà trường, yên tâm cho con đi học.

“Kế hoạch hoạt động giáo dục đã được vạch ra từ đầu năm học. Với học sinh lớp 9, chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp, nhà trường đẩy mạnh các môn văn hoá để kết thúc chương trình vào tuần 3 tháng 3. Các em sẽ được kiểm tra, lấy điểm định kỳ và chuyển sang ôn thi vào 10. Các môn khác vẫn được học theo tiến độ chương trình” - thầy Cao Văn Hiếu cho biết.

Còn tại Trường THCS Hồng Bàng, quận Hồng Bàng có 80 giáo viên đứng lớp, trong đó có đến 40 thầy cô bị nhiễm Covid-19. Giải pháp phù hợp nhất được Ban giám hiệu nhà trường lựa chọn là lớp học 2 hình thức. Học sinh ở nhà học trực tuyến cùng cô và các bạn qua phần mềm Team và có máy quay hỗ trợ. Nhà trường được tài trợ và cũng tự trang bị thêm 20 máy tính và 14 camera và 10 chân máy quay để phục vụ hoạt động dạy học.

Thầy Trịnh Doãn Toản - Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng cho hay: Việc dạy học song song 2 hình thức chỉ giải quyết tình thế. Bởi, học trực tiếp phụ thuộc nhiều vào thiết bị, đường truyền và ý thức tự giác của học sinh. Tuy nhiên, để bắt nhịp cùng xu thế, thầy Toản cho rằng: Sau này học sinh đã quay lại trường học đầy đủ, rất cần có sự linh hoạt kết hợp khoảng 10 - 20% bài dạy trực tuyến cho mỗi môn học. Điều này, giúp học sinh rèn tính tự học trên không gian mạng, làm quen nhuần nhuyễn các phương pháp. Đặc biệt, với những môn văn hoá của học sinh lớp 9 để đảm bảo thời gian ôn thi chuyển cấp.

Cô Vũ Thị Huyền Chi, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Hồng Bàng chia sẻ, sau khi học sinh đi học trở lại, cô đã chuẩn bị chu đáo giáo án cho 2 hình thức. Với học sinh học online ở nhà bài dạy cần ngắn gọn, dễ hiểu và dùng hình ảnh trực quan qua PowerPoint và chia sẻ qua phần mềm Team trong máy tính của cô.

Sau một tuần dạy trực tiếp, tuần này cô Chi phải ở nhà vì bị F0. Vì thế, học sinh ở trường được học cùng cô qua phần mềm và có giáo viên ở trên trường hỗ trợ các em về thiết bị, đường truyền; học sinh ở nhà vẫn online cùng cô. Tuy hơi vất vả vì cô phải nhuần nhuyễn nhiều thao tác, kỹ năng trên máy tính, và quản lý học sinh, nhưng phải cố gắng bảo đảm kiến thức, tiến độ chương trình, cô Chi cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.