Cô giáo của lòng yêu nghề, mến trẻ

GD&TĐ - Cô giáo Bàn Thị Mai – Trường Mầm non Đồng Sơn (Hoành Bồ, Quảng Ninh) là một trong những giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.

Cô giáo Bàn Thị Mai – Trường Mầm non Đồng Sơn (Hoành Bồ, Quảng Ninh).
Cô giáo Bàn Thị Mai – Trường Mầm non Đồng Sơn (Hoành Bồ, Quảng Ninh).

Cô và trò cùng vượt khó đến trường

Cô giáo Bàn Thị Mai là một giáo viên mầm non, được sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em. Bố của cô Mai trước đây cũng là giáo viên nhưng do thời bao cấp đồng lương không đủ trang trải cho cuộc sống gia đinh nên chuyển sang làm cán bộ thương binh xã hội của xã.

Khi còn nhỏ, cô Mai đã ước mơ lớn lên trở thành cô giáo. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, cô Mai đã thi đỗ và học tập ở ngôi trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hoành Bồ rồi tiếp tục học ở trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ninh.

Đến năm 2005, sau khi tốt nghiệp THPT, cô Mai may mắn được cử đi học lớp Trung cấp sư phạm mầm non ở trường Cao đẳng Sư Phạm Quảng Ninh, đến năm 2007 sau khi tốt nghiệp cô về địa phương công tác đến nay đã được hơn 12 năm.

Trường mầm non Đồng Sơn, thuộc xã Đồng Sơn là một trong hai xã khó khăn nhất của huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. 98% người dân nơi đây là dân tộc Dao. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn cộng thêm nhà đông con nên không đủ điều kiện cho con đi học, thu nhập chính là làm rừng, làm ruộng.

Nhà quá xa các điểm trường, các em đa số đi học phải đi bộ cùng các anh chị tiểu học, công tác trao đổi giữa nhân viên và phụ huynh còn hạn chế và công tác xã hội hóa giáo dục vẫn chưa được nâng cao, khiến cho việc dạy học của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn.

Cô Mai nhớ lại những ngày đầu tiên nhận lớp: "Hồi đó, lớp học chỉ được ghép từ những mảnh gỗ mỏng, ánh sáng có thể nhìn xuyên qua khe gỗ, mái nhà được lợp bằng những chiếc lá cọ, nền nhà chỉ là nền đất đỏ.

Những ngày mưa dầm, gió rét, cô trò ngồi học mà chỉ lo gió to thổi mạnh làm học sinh lạnh. Mùa hè những chiếc lá cọ mỏng manh không chịu được những cơn mưa xối xả ập xuống, có những trang sách nhiều lần bị ướt.

Thế nhưng, các trò vẫn vô tư đến trường, không em nào bỏ học khiến chúng tôi vui lắm và lấy đó làm động lực để phấn đấu”.

Nụ cười của trò là động lực phấn đấu!

Suốt chặng đường dài 23 km từ nhà đến trường, cô Mai chưa khi nào hối hận bởi ước mơ đưa cái chữ đến với em nhỏ, đặc biệt là học sinh vùng khó và học sinh dân tộc.

Có những ngày mưa lũ ập đến không thể qua suối về đến khu tập thể của giáo viên, cô Mai phải ở lại lớp học một mình với trang giáo án và chiếc đèn dầu nhỏ.

Thấm thoát đã 12 năm trôi qua với biết bao khó khăn, vất vả, cô trò vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” cao cả. Những lớp học trò nhờ bàn tay cô giáo giờ đây đã lớn và rất khỏe mạnh, ngoan ngoãn, có em đã trở thành những học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh,..

Cô Mai tâm sự: “Giáo viên mầm non có nhiều đặc thù riêng, không chỉ dạy dỗ mà còn phải chăm sóc các em. Có những phút giây thổn thức khi nghĩ về nghề, đôi lúc tôi cảm thấy thật áp lực. Những ngày trẻ em chơi đùa hay đánh nhau, có vết xước trên cơ thể là mỗi lần chúng tôi thấy áp lực.

Chuyện phụ huynh trách móc là không thể tránh được nhưng nhìn gương mặt ngây thơ và ánh mắt hồn nhiên, trong trẻo của các em, chúng tôi lại cố gắng hơn”.

Mỗi người đều có lí do riêng của mình khi bước chân vào nghề, với cô Mai, điều dễ nhận thấy dù cho bạn có làm nghề gì, công việc gì đều xuất phát từ tâm, từ tình yêu nghề, điều đặc biệt hơn đối với giáo viên mầm non trên hết còn phải có tình yêu trẻ và có bản lĩnh thực sự.

Để làm tốt vai trò của mình cô Mai chia sẻ: “Không chỉ có cái tâm mà cần phải có niềm tin vào chính mình. Tôi biết mình đã chọn và làm đúng. Cảm ơn nghề đã cho tôi nhiều bài học, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, những yêu thương trách nhiệm trong công việc”.

Đối với cô Mai, dù công việc còn nhiều khó khăn hơn nữa thì cô vẫn yêu nghề, và sẽ gắn bó lâu dài đến suốt đời. Cô sẽ làm hết trách nhiệm và tinh thần, yêu nghề mến trẻ, coi học sinh như đứa con tinh thần của mình.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 dự kiến tuyên dương 63 giáo viên tiêu biểu trên cả nước. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.