Vượt qua khó khăn để bám trường
Tốt nghiệp Đại học sư phạm năm 1999, cố gắng trụ lại thành phố Hồ Chí Minh để có điều kiện học tập nâng cao trình độ. Tuy nhiên, sau 7 năm dạy hợp đồng tại các trường ở thành phố Hồ Chí Minh, thầy trung về quê và được nhận vào làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh dưới dạng tạo nguồn, không có biên chế.
Khó khăn chồng chất khi vợ sinh lần 2 với hai bé trai song sinh, trong đó có một cháu bị bại não, phải điều trị liên tục tại bệnh viện Nhi Đồng 1 từ năm 2008 đến nay. Cuộc sống vô vàn khó khăn nhưng thầy Trung vẫn bám trường, bám lớp.
Năm 2012 thầy Trung được Công đoàn giáo dục Tây Ninh xây tặng nhà “Mái ấm công đoàn” trên mảnh đất được người cô cho. Việc có được ngôi nhà đã giúp thầy yên tâm công tác, cuộc đã tạm ổn định.
Tháng 2 năm 2011, thầy Trung được tuyển dụng làm giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh. Năm học 2011-2012 là năm học đầu tiên của trường. Đây là trường 2 cấp học, thường xuyên có trên 500 học sinh thuộc 12 đến 14 dân tộc từ lớp 6 đến lớp 12 sinh hoạt và học tập.
Học sinh nhà trường gồm nhiều dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng nên cũng gặp một số khó khăn trong sinh hoạt nội trú. Đa số các em ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức của các em còn hạn chế, có tâm lý tự ti, nhút nhát.
Là một trong những giáo viên về trường sớm nhất. Năm đầu tiên, thầy Trung được phân công trong tổ tuyển sinh của trường. Theo thầy, đây là khâu khó khăn nhất vì trường mới thành lập, chưa được bà con đồng bào dân tộc biết. Tâm lý nhút nhát, sợ xa nhà, xa cha mẹ của học sinh chính là khó khăn và rào cản lớn nhất.
Lường trước những việc đó, thầy Trung và các đồng nghiệp trong trường đã xây dựng kế hoạch phối hợp, tuyên truyền trên các kênh truyền thông như báo, đài phát thanh, đài truyền hình địa phương; phối hợp với các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT trong tỉnh để tuyên truyền, phát hành hồ sơ, hướng dẫn đến các em học sinh đang học tại trường;
Mặt khác, thầy Trung đến các thôn, bản có nhiều bà con dân tộc sinh sống để tuyên truyền, vận động, giải thích cho cha mẹ học sinh biết chế độ chính sách của nhà nước, hoạt động của nhà trường cho phụ huynh yên tâm gửi con đến trường.
Đồng thời, nhà trường còn gặp những người có uy tín trong thôn để nhờ họ tác động như Sư Cả (dân tộc Chăm), Sư chủ trì các chùa (dân tộc Khmer), trưởng tộc (dân tộc Tà Mun). Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã, ấp hỗ trợ bà con làm hồ sơ theo đúng quy định. Năm đầu tiên, nhà trường chiêu sinh được 18 lớp với 633 học sinh.
Kỉ niệm từ những ngày đầu tiên
Năm học đầu tiên tuy vất vả nhưng nhiều kỷ niệm với thầy và trò nhà trường. “Học sinh mới chưa quen thầy quen bạn; thầy cô mới chưa có kinh nghiệm trong quản lý nội trú.
Các cháu nhỏ khóc nhớ nhà, nhớ mẹ; các em học sinh lớn chưa quen môi trường mới với nhiều bạn mới khác dân tộc mình. Trước những khó khăn đó chúng tôi tiến hành nhiều hoạt động tập thể để các em hòa nhập trong sinh hoạt và học tập” – thầy Trung chia sẻ.
Từ năm học đầu tiên đến nay, thầy Trung vừa dạy lớp vừa là thành viên của ban quản lý học sinh, hằng ngày tiếp xúc với các em để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hay những khó khăn, mâu thuẫn trong quá trình học tập và sinh hoạt để kịp thời tư vấn, hỗ trợ các em.
Sau 8 năm hoạt động, thầy trò nhà trường đã dần hoàn thiện và đạt một số thành tích đáng khích lệ như 3 năm liền đều có học sinh đạt giải cấp tỉnh môn văn hóa; 3 năm liền tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%; đạt nhiều giải trong các hội thao quốc phòng, hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Hiện nay, các em rất hòa đồng và thân thiện, không còn rụt rè, nhút nhát như những ngày đầu đền trường.
Thầy Trung cho biết: “Trước sự tiến bộ của các em, là một trong những người trực tiếp nuôi dạy các em từ những ngày đầu, tôi rất phấn khởi, mong rằng trong thời gian tới cha mẹ các em nâng dần ý thức về việc học tập của con mình để hỗ trợ nhà trường tốt hơn trong việc nuôi dạy các em; học sinh ngày càng tiến bộ trong học tập, ý thức tốt trong sinh hoạt”.
Thầy giáo Lê Minh Trung là một trong số những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc Trung ương và Tập đoàn Thiên Long phối hợp thực hiện. Lễ tuyên dương các thầy cô sẽ được tổ chức vào ngày Nhà giáo Việt Nam.