Tìm học thú y để giúp dân địa phương làm kinh tế
Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trao tặng hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị.
Năm 2019, Giải thưởng Lương Định Của được trao cho 34 thanh niên xuất sắc trên toàn quốc, được lựa chọn từ 120 đề cử của các tỉnh, thành Đoàn.
Những nhà nông trẻ được vinh danh đã tạo việc làm thường xuyên cho 261 lao động, đều có mô hình đạt doanh thu mỗi năm từ 1 tỷ đồng trở lên; Đặc biệt, một số mô hình đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng.
Là một trong số những người được tuyên dương, chị Đặng Thị Ngọc Ánh (sinh năm 1991) không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn cùng bà con vươn lên thoát nghèo, có kinh tế và việc làm ổn định.
Học xong lớp 12, Ánh băn khoăn lựa chọn sẽ học trường nào? Thế rồi, nhìn thấy bà con ở quê còn vất vả, nhất là vùng đồng chiêm trũng tập trung chăn nuôi, thả cá là chính nhưng không kiểm soát được dịch bệnh làm mất cả vốn lẫn lãi. Nhìn quanh vẫn còn nhiều hộ nghèo mà không có cách nào thoát được dù quanh năm làm việc chăm chỉ.
Cuối cùng, Ánh nghĩ, mình phải học một nghề gì đó để sau này có kiến thức giúp đỡ bố mẹ, bà con. Và cô đã chọn học ngành Chăn nuôi thú y. Ra trường, vẫn xoay xở những câu hỏi xem làm gì để giầu, để cùng giúp đỡ mọi người. Xác định lập nghiệp ở quê để đem kiến thức đã học được vào thực tế. Cơ hội khởi nghiệp đã đến với Ánh khi một người thân trong gia đình cần bán lại trang trại nuôi lợn rộng khoảng 2.000m2 với giá gần 3 tỷ đồng.
Nung nấu ý định làm trang trại, cô gái trẻ này vận động người thân cho mình vay ngân hàng để bắt đầu sự nghiệp. Thời điểm đó, giá thịt lợn xuống thấp kỷ lục, từ 50.000 đồng/kg lợn hơi chỉ còn khoảng 16.000 đồng. Nhiều người khuyên Ánh đừng mạo hiểm, vì ngay cả khi giá lợn ổn định, cũng phải sau 5-6 năm nữa Ánh mới có thể trả hết nợ, chưa nói tới giá lợn sụt giảm, nguy cơ bị thua lỗ rất cao. Ánh cũng suy nghĩ, nhưng rồi quyết định “liều” vì đây là cách duy nhất giúp gia đình thoát nghèo.
Hơn nữa, thời điểm đó, em trai Ánh theo chị học ngành Chăn nuôi thú y, đang phải làm thuê cho các hộ chăn nuôi. Cô nghĩ nếu gia đình có trang trại riêng, hai chị em có thể hợp sức, vận dụng kiến thức đã được học để làm kinh tế.
Giúp đoàn viên nông thôn tự tin khởi nghiệp
Nói thì dễ nhưng khi có được trang trại, đầu tư không ít công sức vào đàn lợn, Ánh cũng không thu được lãi. May mắn, lứa lợn đầu tiên đủ đủ để mua cám lợn. 2 tháng sau, lại có thêm một lứa lợn nữa xuất chuồng, Ánh lại có thêm tiền cầm cự.
Lãi chưa thấy đâu, giá bán lợn lại bị sụt giá, trong khi tiền duy trì chuồng trại, mua cám cho lợn ăn vẫn phải bỏ ra. Lần đó, Ánh xuất ra 6 tấn lợn, lẽ ra thu được 240 triệu đồng thì cuối cùng, chỉ cầm tay 100 triệu.
Trăn trở về việc xoay vòng vốn, rồi bình tĩnh nghĩ lại, Ánh cho rằng phải xem xét từ đầu vào đến đầu ra, cô thấy tiền phải chi nhiều nhất vẫn là mua cám. Học hỏi trên mạng và đi tìm những người có kinh nghiệm chăn nuôi lợn quy mô lớn, cô gái trẻ nghĩ ngay đến việc phải tự tay làm cám. Ánh đã thử nghiệm, chế biến ra loại thức ăn cho lợn từ bã đậu ủ với men và các nguyên liệu khác. Loại thức ăn này vẫn có đủ hàm lượng dinh dưỡng giúp lợn lớn nhanh mà giá thành lại rẻ hơn so với mua cám công nghiệp. Mẻ cám đầu tiên đã tiết kiệm chi phí khá nhiều, nhờ đó, mỗi tháng xuất 3 tấn lợn, Ánh tiết kiệm được thêm 15 triệu đồng so với mua cám công nghiệp.
Chăn nuôi cũng không hề dễ, để thoát nghèo mà giầu ngay được là việc rất khó. Năm 2019, các hộ chăn nuôi lại lao đao vì dịch tả lợn châu Phi. Gần như hộ nào xung quanh trang trại của Ánh cũng có lợn dịch, phải tiêu hủy.
Nhìn cả đàn lợn, Ánh nhanh trí tìm hiểu về cách phòng tránh dịch. Ánh phân công em trai ở lại trang trại chăm đàn lợn, hướng dẫn em quy trình phòng tránh dịch như diệt hết chuột, hạn chế nuôi chó mèo, phun thuốc khử trùng chuồng trại 3 ngày một lần, thực hiện đầy đủ quy trình vắc xin cho lợn... Nhờ đó, không một con lợn nào trong trang trại dính bệnh. Khi xuất chuồng, lợn còn được thu mua với giá cao nên đàn lợn đó thắng lớn.
Sau nhiều lần biến động bởi dịch bệnh, bấp bênh giá ngoài thị trường, Ánh đã có kinh nghiệm để xử lý các tình huống một cách chủ động. Nhờ đó, cô mạnh dạn mở rộng quy mô và tìm đến các hộ nghèo và cận nghèo trong xã để hướng dẫn, tuyên truyền và sẵn sàng tư vấn về việc chăn nuôi, làm giầu.
Hiện nay, Ánh đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn và gà với quy mô sản xuất 40 nái và giống đực 300 lợn thịt, gần 2000 con gà thịt áp dụng khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian tìm hiểu và thử nghiệm chị đã chuyển toàn bộ lợn và gà sang dùng phương pháp ăn ủ men bã đậu và ngô. Trang trại 1 năm qua cho ra thị trường từ 500-600 con lợn thịt, doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Đặc biệt, Ánh cùng các bạn đoàn viên đã mở các lớp hướng dẫn, tập huấn khoa học kỹ thuật, duy trì tổ tiết kiệm vay vốn giúp cho các đoàn viên nông thôn tự tin khởi nghiệp.
Ánh chia sẻ: “Cơ hội để vào đời có rất nhiều và học đại học không phải con đường duy nhất. Các bạn trẻ cũng không nhất thiết phải ly hương mà có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đó có thể là mô hình làm nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, vì giới trẻ vốn có thế mạnh về học hỏi, cập nhật kiến thức mới”.