Trải qua rất nhiều lần “nhảy việc” và hiện nay đang ổn định tại vị trí nhân viên trực tổng đài điện thoại và đặt hẹn cho khách hàng tại Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội) với mức lương đủ để lo cho bản thân và một phần phụ giúp gia đình, Thu Hương cho thấy nghị lực, sự lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống có thể nâng cánh mọi ước mơ thành hiện thực.
Không đầu hàng số phận
Sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo ở huyện Tam Nông (Phú Thọ) do hoàn cảnh khó khăn nên chị gái và em gái của Hương chỉ học hết lớp 9 rồi đi làm thuê ở thành phố. Riêng Hương được bố mẹ cố gắng cho học hết THPT vì bị thiệt thòi về mắt.
Kể về tuổi thơ và những đau đớn thể xác và tinh thần trong quá trình giành giật ánh sáng cho đôi mắt, Hương bồi hồi nhớ lại: Em bị hỏng mắt bên phải từ khi 13 tuổi, do nhiễm trùng.
Quá trình chữa mắt rất dài và phức tạp, ở huyện rồi lên tỉnh, cho đến giai đoạn cuối thì gia đình mới đưa em đi Hà Nội và rồi em phải mổ khoét bỏ mắt phải để lại một hố lõm sâu nơi hốc mắt.
Em luôn phải băng gạc trên mắt suốt từ năm lớp 6 đến lớp 12 và có lẽ chẳng bao giờ em quên cái cảm giác lo sợ, ngại ngùng mỗi khi bị các bạn hay những em nhỏ trêu chọc em là chột mắt.
Tuy nhiên, gắng vượt qua những điều đó, em nghĩ mình phải học cho tốt. Đó là con đường phù hợp nhất giúp em thoát khỏi cơ hàn khi bản thân mình gặp hạn chế về sức khỏe.
Thời gian học tập tại trung tâm khiếm thị ở Hà Nội, chứng kiến những cảnh đời kém may mắn hơn đã cho Hương cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
Hương tâm sự: Rất nhiều bạn không nhìn thấy gì vậy mà các bạn rất yêu đời, ca hát. Em cảm thấy mình quá may mắn vì còn nhìn được một bên, mặc dù dần dần nó cũng kém đi vì học tập, làm việc và thời gian...
Những suy nghĩ đó đã thôi thúc cô bé Hương nhút nhát, tự ti hăng say học tập với ước vọng có thể đóng góp và giúp đỡ cho cộng đồng người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị.
Không ngừng “nhảy” để ổn định
Học tất cả những gì có thể là điều Hương đã thực hiện trong suốt những năm qua. Từ học văn hóa đến học nghề, cô đều vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập, tự trang trải cho cuộc sống.
Trải qua nhiều công việc như: giúp viêc, bán hàng, nhận order ở nhà hàng ăn nhanh, làm thư ký giám đốc ở Hội đồng Anh Việt Nam…Hương tâm niệm mỗi công việc đã đi qua đều cho mình những kinh nghiệm và bài học quý giá để nhận thấy khả năng và sở trường của mình rồi dần dần ổn định với công việc phù hợp nhất.
Bản thân Hương là người nhiệt tình, năng động, thích tham gia các hoạt động xã hội. Hiện tại cô đang sinh hoạt tại Hội Người mù quận Hoàn Kiếm.
Ngoài thời gian làm việc tại Bệnh viện Việt – Pháp, cô còn làm gia sư tiếng Anh để kiếm thêm thu nhập và làm tình nguyện viên đọc các tài liệu chuyển sang file âm thanh cho người khiếm thị.
Về vấn đề tìm kiếm việc làm, Hương chia sẻ bí quyết: Trước khi nộp đơn xin vào một vị trí nào đó, em đều tự kiểm xem mình có khả năng làm những công việc gì, có thể đáp ứng bao nhiêu phần trăm yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra.
Cô nghiệm ra rằng, để có được công việc tốt và phù hợp, trước tiên bản thân phải trau dồi kiến thức, kinh nghiệm làm việc, phải học hỏi các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm và kỹ năng phỏng vấn xin việc, cần luôn có ý thức tích lũy kỹ năng và kiến thức vì chắc chắn có lúc sẽ dùng tới.
Bản thân là người người khuyết tật nên Hương luôn tự nhủ không ngại khó khăn, không quản thời gian, hết mình vì công việc, thậm chí là chấp nhận lương thấp hơn khả năng cống hiến để lấy đó làm phí mua kinh nghiệm làm việc.
Trên thực tế, vấn đề việc làm rất khó khăn và khan hiếm giành cho người khuyết tật. Bên cạnh đó lại tồn tại một thực tế đáng ngại, không phải chỉ lao động bình thường mà một bộ phận lao động khuyết tật chỉ muốn tìm công việc đơn giản mà có mức lương cao. Mâu thuẫn này khiến công cuộc tìm việc làm càng trở nên khó khăn hơn gấp bội.
Những dự định tương lai
Nói về những ấp ủ cho tương lai, Hương chân thành chia sẻ: “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, em nhận thấy khuyết tật mắt là thiệt thòi nhất. Từ khi vào hội người khiếm thị em đã có sẵn tư tưởng là sau này sẽ yêu và vun đắp hạnh phúc với một anh khiếm thị.
Giọng phấn chấn hơn, Hương cho biết: Thời học ở trung tâm khiếm thị, vì may mắn còn một chút thị lực, em đã trở thành chỗ dựa vững vàng của nhiều bạn thiệt thòi hơn.
Em dẫn các bạn từ ký túc xá lên lớp học, đưa các bạn đi mua sắm, hay ra ngoài mua hộ đồ cho các bạn. Niềm vui được sẻ chia khiến cuộc sống của em có thêm nhiều ý nghĩa và mọi mặc cảm, tự ti đều tan biến.
Em rất mong Nhà nước có những chính sách mềm dẻo hơn nữa để yêu cầu cũng như khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc.
Em có một số bạn khiếm thị người nước ngoài ở Singapore, Phillipines. Các bạn ấy vẫn có việc làm như: Nhân viên tổng đài, marketing - Công việc mà gần như công ty nào cũng có vị trí... Người khuyết tật rất tha thiết được bình đẳng trong mọi lĩnh vực, và đặc biệt là có việc làm để có thể đóng góp cho xã hội.
Em ước mơ có thể mở một trung tâm dạy các kỹ năng mềm, kỹ năng trả lời điện thoại, kỹ năng phỏng vấn xin việc, dạy tiếng Anh và có thể liên kết được với các doanh nghiệp để người khuyết tật có việc làm.
Em muốn nói với các bạn khuyết tật rằng: Các bạn hãy lạc quan, có niềm tin vào cuộc sống và không ngừng nỗ lực học hỏi để xây đắp cộng đồng phát triển hơn.
“Không ngừng học, không kiến thức nào là vô ích” là bài học lớn em đã đúc rút trong suốt quá trình tìm việc – "nhảy việc"" và ổn định việc. Tháng Mười tới, em sẽ đăng ký học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm để lấy chứng chỉ và kiến thức, để tự “chuẩn hóa” kỹ năng làm cô giáo – công việc mà em vẫn đang hằng ngày đang thực hiện.