Có cần phải chịu đựng?

Có cần phải chịu đựng?

(GD&TĐ) - Có những cặp vợ chồng sau bao năm chung sống đầm ấm bên nhau thì cuộc hôn nhân của họ đến nay chỉ còn trên danh nghĩa. Tuy ngoài mặt họ vẫn tỏ ra vui vẻ, quan tâm lẫn nhau song thực tế quan hệ giữa hai người từ lâu đã rạn nứt. Thế nhưng vì một nguyên do nào đó, đa phần là vì con cái, họ đành duy trì một cuộc hôn nhân chỉ còn trên danh nghĩa pháp luật.

Chấp nhận thực tế phũ phàng: Chị Bích Châu, nhân viên một cửa hàng mỹ nghệ, đã phải nén lòng gánh chịu nỗi đau bị chồng phản bội mà chẳng dám hé môi tâm sự với ai. Ngay cả việc anh Thắng, chồng chị, thản nhiên quan hệ với cô gái kia và thường xuyên nhục mạ mình, chị cũng xuống nước năn nỉ anh đừng để con cái biết chuyện. Chị sẵn lòng nhịn nhục, gánh chịu mọi khổ đau để hai cô con gái đang độ tuổi mới lớn yên tâm học hành, cũng như có thể nhận thêm từ chồng một khoản tiền để chi trả nhiều thứ khác cho hai con. Dẫu vậy nhưng con cái ngày càng lớn, từ chỗ hiểu phần nào quan hệ “không bình thường” của cha mẹ, chúng dần nhận ra sự tệ bạc của người cha, lối cư xử yếu đuối của người mẹ. Cả hai đều nhất trí ủng hộ việc chị Châu ly hôn và thẳng thừng đoạn tuyệt với cha mình. Phần chị Châu, đắn đo suy tính mãi, gần một năm sau mới quyết định dứt khoát với người chồng “có trăng quên đèn” đó. Tuy nhiên, có một điều chị không thể ngờ rằng việc chị lâu nay cố tình che đậy việc làm của chồng và một mình cam chịu, đã dẫn đến việc hai đứa con của chị khinh thường cha chúng ra mặt và thương hại mẹ nó như một người phụ nữ nhu nhược.

Che đậy nỗi lòng thầm kín: Cùng cảnh ngộ như chị Châu, nhưng có phần hơi bi đát hơn là cảnh nhà của chị Mỹ Anh và anh Quý. Do cả hai đều cùng công tác trong một cơ quan, nên việc hai người đã cơm không lành canh không ngọt bấy lâu nay họ cũng ráng “gồng mình” chịu đựng. Lý do vì không muốn đồng nghiệp biết chuyện sẽ chê cười, nhất là không muốn hai đứa con nhỏ phải sống trong cảnh tan đàn xẻ nghé. Vì thế, anh chị thống nhất với nhau chờ khi con khôn lớn mới “tính sổ” chuyện của hai người. Tuy lòng vẫn nghĩ thế, nhưng họ đâu thể nào kiềm chế bản thân, điều chỉnh hành vi, thái độ cư xử với nhau. Chị Anh thường xuyên xung đột với chồng, còn anh Quý không vừa, cũng luôn kiếm chuyện cãi vã cho đỡ tức. Chẳng ai xem ai ra gì, ngay cả trước mặt con cái. Vậy là không thể nén lòng chờ khi con lớn vì hai đứa trẻ đã chẳng coi cha với mẹ ra gì, chúng lộ rõ vẻ xem thường cả hai. Đứa lớn vừa tập tễnh vào cấp hai, ở độ tuổi biết nhận xét và tỏ ra rất cứng đầu, khó bảo. Nó thường tỏ thái độ gay gắt ra mặt mỗi khi bị cha mẹ la mắng, để rồi sau một lần lớn tiếng qua lại với anh Thắng, nó đã bỏ nhà đi hoang gần một tháng khiến anh chị cuống cuồng chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm. Đã thế, sau đó hai người còn quay sang sỉ vả, đổ tội cho nhau, ngay cả khi thằng bé đã trở về nhà, chỉ đến khi nó dọa sẽ trốn nhà đi tiếp thì họ mới thôi đấu khẩu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cố dằn tự ái: Chị Thủy Linh, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM) lại ở vào hoàn cảnh khác. Tự ái do anh chồng chỉ biết có công việc rồi công tác tối ngày, chị cũng chẳng buồn hỏi han chồng. Chồng chị đi công tác có khi cả năm mà chẳng bao giờ chủ động gọi điện thăm hỏi vợ con. Nếu chị không chủ động gọi trước thì anh ấy cũng kệ. Sinh nhật vợ, anh chẳng một lời chúc mừng, ngày lễ tình yêu hay ngày phụ nữ cũng không luôn. Con ốm, chị nhắn tin thì hôm sau mới thấy nhắn lại. Mỗi lần nhắc đến chồng, chị Linh thường kết luận bằng câu nói chua chát về người chồng từng mấy năm gắn bó của mình: “Có chồng mà cũng như không. Nhưng phải ráng sống vì con còn nhỏ dại quá”. Trước đây, thời gian còn yêu nhau, chồng chị Linh mải việc nhưng cũng còn thu xếp thời gian dành cho chị. Bây giờ cưới xong, chị Linh có cảm giác chồng mình chẳng có góc nào trong tim dành cho vợ, con cả. Hai đứa con của chị tuy còn nhỏ, nhưng cũng tinh mắt. Mỗi khi thấy mẹ ngồi thẫn thờ trong phòng khách, chẳng buồn xem TV dù vẫn đang mở, thường chạy lại mẹ thủ thỉ: “Mẹ đang chờ ba phải không?”, cố nén nỗi buồn, chị cố làm ra vẻ bình thường mà cảm thấy chạnh lòng. Tự ái của người phụ nữ có nhan sắc làm chị cảm thấy tổn thương hơn, nhất là khi chồng chị chẳng mấy khi đoái hoài đến vợ, khi chị cố tình ăn mặc thật đẹp để gây sự chú ý với anh ấy. Rồi chị buồn bã nghĩ: “Nếu cứ tự ái vì sự vô tâm của chồng, sinh ra cãi vã rồi vợ chồng mỗi người một nơi cuối cùng chỉ làm khổ thêm con cái”.

Chia tay để sống vì con: Khi quan hệ cha mẹ không còn tốt đẹp như xưa, con cái luôn được xem là chiếc phao cứu sinh để níu kéo cuộc hôn nhân đang đứng trên bờ vực thẳm. Đó cũng là việc cần bàn bạc lại, nhưng nếu thực chất giữa hai người chẳng thể sống với nhau trước vì tình sau vì nghĩa cho đến đầu bạc răng long thì xét thấy cách tốt nhất, cũng là để giữ được sự kính trọng trong mắt con cái, là nên giải quyết ly hôn trong thỏa thuận, ít gây tổn hại nhất cho con cái, nếu có thể. Cũng vì thấu hiểu điều này nên chị Trúc Chi, một cán bộ ngành ngân hàng, đã mạnh dạn chia tay anh Khương, chồng chị vì trong gần ba năm qua tình cảm giữa hai người xem như đã cạn kiệt. Tuy nhiên, chị tuyệt đối không qui lỗi do anh Khương, chỉ dàn xếp cùng anh để chị tự lo toan cho các con sau này. Đồng thời, chị luôn tạo cơ hội cho chồng được về thăm các con đều đặn, dạy bảo con luôn suy nghĩ tốt về cha chúng, không suy nghĩ tiêu cực về việc chia tay của cha mẹ vì đó là chuyện của người lớn, các con chưa thể nhận thức sâu sắc được nên đừng trách móc ai cả. Nhờ thế mà đối với con cái, hình ảnh của người cha tuy đã xa nhưng vẫn luôn chiếm một vị trí đúng đắn trong lòng chúng.

Theo các chuyên gia về tâm lý, viện lý do vì con mà không ít các cặp vợ chồng, đặc biệt là người vợ, đã cố gắng níu kéo cuộc hôn nhân vốn trở nên gượng ép từ lâu. Thế nhưng chính vì giữa hai người không còn tình cảm gì, không tôn trọng nhau thì vô hình trung những cuộc cãi vã giữa họ sẽ tạo nên tác dụng ngược lại, bị con cái xem thường, không còn kính trọng cha mẹ. Chúng không biết nên nghe ai, theo ai, từ đó dần trở nên hư hỏng, phản ứng tiêu cực trước những lời răn dạy của cha mẹ chúng.

Hà Tiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.