Cô bé viết cuộc đời bằng đôi chân nhận bằng khen của Bộ trưởng

GD&TĐ - 130 học sinh, sinh viên là những điển hình xuất sắc trong Học tập và làm theo lời Bác vừa được tuyên dương tại Hà Nội, trong số đó có cô bé Linh Thị Hồng, một học sinh nỗ lực vượt lên nghịch cảnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao bằng khen cho em Linh Thị Hồng
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao bằng khen cho em Linh Thị Hồng

Câu chuyện về cô bé Linh Thị Hồng, dân tộc Sán Dìu, sinh năm 2007, học sinh lớp 4 trường tiểu học Ngọc Thanh C (Vĩnh Phúc) đã khiến không ít người cảm động. Bị khuyết tật bẩm sinh khi không còn đôi tay lành lặn, nhưng bằng nghị lực và sự giúp đỡ từ gia đình, thầy cô, em đã vượt lên nghịch cảnh và tự viết cuộc đời bằng đôi chân.

Anh Linh Văn Ba, bố Hồng chia sẻ: Sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, khi mới chào đời, cháu Hồng đã bị dị tật bẩm sinh, bị cụt cả hai tay lên tới khuỷu tay. Lúc đó, hai vợ chồng buồn lắm nhưng là con của mình nên dù thế nào cũng phải chăm sóc và nuôi nấng cho con khôn lớn.

Hơn 8 tuổi nhưng Hồng không được cùng các bạn cắp sách đến trường. Thấy em trai được đi học, Hồng đã xin bố mẹ mua sách tập viết và tập tô để học cùng em. Hồng rất thích viết và chữ tô cũng rất đẹp bằng đôi chân của mình mà không cần bố mẹ phải giúp đỡ gì nhiều. Hành trình khổ luyện viết chữ bằng chân của cô bé bắt đầu từ đó.

Nói về khoảng thời gian xin đi học của Hồng, anh Ba chia sẻ đó là khoảng thời gian tương đối khó khăn vì không có trường học nào trong xã phù hợp để cho bé đi học và giáo viên nói không có đủ năng lực để dạy những bé khuyết tật như Hồng. Không nản chí, gia đình vẫn kiên trì khuyến khích bé học ở nhà.

Linh Thị Hồng viết chữ bằng chân
Linh Thị Hồng viết chữ bằng chân

“Do cháu không có cả 2 tay nên việc dạy viết chữ trở nên vô cùng khó khăn. Tập đọc thì cháu học rất nhanh nhưng cứ mỗi khi tập viết thì gặp khó khăn. Tập cho cháu viết chân phải để cho thuận lợi nhưng cháu lại quen chân trái, thế là đành phải tập bằng chân trái”, anh Ba cho biết.

Đối với những đứa trẻ bình thường, khi mới bắt đầu tập viết chữ đã khó, với cô bé không có tay, việc tập viết bằng chân lại càng khó khăn hơn bội phần. Hàng ngày, Hồng tự đến trường, khi lên lớp, em được các thầy cô giáo sắp xếp cho ngồi một chỗ và có bàn học riêng. Tất cả các môn học từ Tiếng Việt, Toán…, Hồng đều dùng bằng đôi chân để làm.

Những ngày đầu tập viết, người Hồng cong lên theo từng nét chữ, mồ hôi chảy dài trên má. Đặc biệt, những tháng đầu mới tập viết, hai ngón chân kẹp bút của Hồng rướm máu nhưng vẫn không chịu dừng bút. Sự kiên trì của Hồng đã mang lại kết quả. Dần dần, Hồng luyện cầm bút bằng chân thành thạo, viết chữ đẹp, gọn nét và thẳng hàng hơn.

Nét chữ diệu kì của Linh Thị Hồng
Nét chữ diệu kì của Linh Thị Hồng

Do viết bằng chân nên trong lớp, Hồng được bố trí ngồi chiếu, gần bục giảng. Em rất chăm chú nghe cô hướng dẫn, miệt mài ghi chép bài vào vở. Chân phải luôn kẹp chiếc bút máy, khi viết, em phải cúi khom lưng, rạp người về phía trước, mặt chỉ cách trang vở khoảng 30cm, chân cẩn thận đưa từng nét chữ tròn trịa.

Các thao tác như viết, đặt thước kẻ bài, thay mực cho bút máy, lấy và mở sách vở… được em thực hiện bằng hai chân hết sức nhẹ nhàng, thuần thục. Cô bé thực hiện mọi yêu cầu của cô giáo với sự nhẫn nại và hiệu suất cao nhất.

Gây ấn tượng bằng nét chữ, nhưng theo cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Nhàn, toán là môn học nổi bật nhất của Linh Thị Hồng. Có lẽ, là học sinh lớn tuổi nhất lớp nên em có sự tập trung, tiếp thu và tính toán rất nhanh, luôn nằm trong nhóm học tốt của lớp.

Lớp học của Hồng
Lớp học của Hồng

Các bạn học sinh còn vui vẻ khoe, cô giáo chủ nhiệm rất quan tâm đến Hồng, thường gọi bạn trả lời câu hỏi hay đọc bài. Theo phân công của cô, hàng ngày, các bạn trong lớp trải và cất chiếu cho Hồng trước và sau mỗi buổi học; giúp đeo khăn quàng và dẫn bạn đi vệ sinh.

Bạn Hồ Ngọc Phương Trinh kể, giờ ra chơi, các bạn thường rủ Hồng xuống sân, lúc thì chơi nhảy dây, lúc thì lên thư viện đọc sách, truyện. Em luôn kể chuyện về Hồng cho bố mẹ nghe khi về nhà.

Hàng ngày không quản ngày nắng hay ngày mưa, Linh Thị Hồng vẫn đều đặn đến trường. Chẳng đếm xuể những lần Hồng vấp ngã, mình mẩy tứa máu bởi những bước đi xiêu vẹo. Nhưng khát khao được đi học luôn là mục tiêu để Hồng đứng dậy để tiếp tục chặng đường đến trường với những bước đi đầy niềm đam mê.

“Cháu xem ti vi thì thấy nhiều anh chị lớn tuổi cũng có hoàn cảnh như mình mà đánh máy chữ vi tính bằng chân rất giỏi. Ngã đau lắm, nhưng cháu muốn đi học để tương lai trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, cháu không nghỉ ở nhà đâu” - Hồng xúc động bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.