Ngôi trường ở nơi sơn cùng thủy tận
Trường tiểu học Tri Lễ 4 của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An có 6 điểm trường: Mường Lống, Huôi Xái 1, Huôi Xái 2, Nậm Tột, Huôi Mưới 1, Huôi Mưới 2 nằm rải rác trên dãy núi Phà Cà Tún. Điều đặc biệt là ngôi trường này là 100% các giáo viên đều là nam giới.
Đây cũng là lý do khiến chúng tôi, những người vốn quen với các cô giáo đứng trên bục giảng các trường tiểu học muốn hiểu hơn về câu chuyện đặc biệt này.
Thầy hiệu trưởng Lang Văn Nhàn cho biết: Năm học 2017/18, Trường tiểu học Tri lễ 4 có 29 lớp với 378 em học sinh và 46 giáo viên. Và toàn bộ 46 giáo viên đều là... nam giới.
Khi được hỏi lý do cho tình trạng "dương thịnh, âm... không có" này thầy Lang Văn Nhàn nói rằng, rất khó để một giáo viên nữ nào có thể chịu được những khó khăn mà những thầy giáo tại Trường tiểu học Tri Lễ 4 đang trải qua.
Con đường từ ngoài thị tứ Châu Thôn đến điểm trường chính Mường Lống dài khoảng 30 km, nhưng chỉ 1/3 là đường nhựa, phần còn lại là đường núi cực khó khăn hiểm trở. Đường không ra đường, đây chỉ là những lối mòn vắt cheo leo qua các sườn núi. Các thầy phải mất cả tiếng đồng hồ mới có thể chạy xe đến nơi.
Thầy Nhàn nói, con dốc Đỏ mới là đỉnh cao cho sự hiểm trở, khó khăn cho việc đem "cõng chữ lên non". Dù đã quá quen thuộc với địa hình nơi đây, song sự lo lắng, căng thẳng là cảm giác chung của các thầy khi đi qua con dốc này.
Tại đây khi trời nắng thì bụi tung mù mịt với những sống trâu cực kỳ dễ ngã. Còn khi trời chớm mưa, dốc Đỏ trở thành con đường bùn nhão nhoét.
Thầy Nhàn kể trong những ngày mưa, các thầy phải đi thành từng tốp 5 - 6 người để hỗ trợ, đẩy xe cho nhau. Thậm chí phải cùng nhau dùng cáng khiêng xe qua dốc. Đây là điều mà các cô giáo khó lòng có thể làm được.
Gian nan "cõng chữ lên non"
Con đường gieo chữ gian nan bao nhiêu thì những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học tại Trường tiểu học Tri Lễ 4 cũng khó chẳng kém.
Tri Lễ là xã vùng sâu vùng xa và khó khăn nhất của huyện Quế Phong, Nghệ An. Nơi đây 100% là người dân đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống đói nghèo khiến các gia đình không quá quan tâm đến việc học của con cái.
Mọi cơ sở vật chất của tại các điểm trường đều phụ thuộc vào tuyến trên chuyển xuống cũng như sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.
Nói chuyện với chúng tôi, thầy Nhàn kể, trong năm học 2016/17, trường đã được một số nhà hảo tâm hỗ trợ cho 17 phòng học, để xóa phòng học tranh tre nứa lá.
Phòng học lắp ghép, dù tương đối chật hẹp nhưng cũng đã đỡ hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, trang thiết bị đồ dùng dạy học của trường đang rơi vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng sau một thời gian dài tái sử dụng nhiều năm.
Song đây chưa phải là khó khăn lớn nhất, các thầy giáo của Trường tiểu học Tri lễ 4 còn phải đối diện với rất nhiều cái "Không": Không điện lưới, không sóng điện thoại, không mạng intertnet, không trạm y tế, không chợ, không nhà công vụ...
Thầy Nhàn bảo, vào năm ngoái, nhà trường đã được Đại học Bách Khoa lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Song thời tiết âm u, thất thường khiến việc cung cấp điện chỉ ở mức hạn chế và chỉ ưu tiên cho những công việc quan trọng.
Ngoài công tác giảng dạy, thiếu điện lưới còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các thầy nơi đây. Hàng ngày thức ăn chủ yếu của các thầy là cá khô, lạc, vừng... Để có thể cải thiện bữa ăn, các thầy phải tranh thủ vào rừng hái măng hay xúc cá dưới khe suối.
Ăn ở khó khăn là thế nhưng gian nan hơn hết thảy là việc giữ được học trò. Phụ huynh học sinh 100% là đồng bào người Mông, thường xuyên đi nương rẫy 2 - 3 tháng mới về việc nên giữ được các em ngồi trên ghế nhà trường cũng là một thử thách lớn.
Để đảm bảo đủ sĩ số lớp, cứ đầu mỗi năm học, thầy Lang Văn Nhàn cùng với từng giáo viên trong trường phân bổ nhau đi vào sâu trong nương rẫy vận động từng bậc phụ huynh tạo điều kiện tốt nhất để các em có thể đến trường.
Thầy Lang Văn Nhàn đã khoe với phóng viên Báo điện tử VTV News rằng 2 - 3 năm trở lại đây ngoài các trường hợp chuyển trường, Trường tiểu học Tri Lễ 4 không có em học sinh nào bỏ học giữa chừng.
Cung đường khó khăn đến trường của các thầy giáo tại Trường tiểu học Tri lễ 4
Chạnh lòng nhưng chỉ trong giây lát
Trong hoàn cảnh không có sóng điện thoại, không có internet, sử dụng điện thì hạn chế, song mỗi thầy giáo tại Trường tiểu học Tri Lễ 4 đều cố gắng sắm cho mình một chiếc điện thoại có khả năng chụp ảnh, ghi âm. Với các thầy, đây chính là thiết bị tốt nhất để làm vơi đi nỗi nhớ gia đình.
Đường đi thì khó khăn, những khi mưa to gió lớn, phải hàng tháng trời các thầy mới có thể trở về với gia đình. Chụp những tấm hình, ghi lại những đoạn đối thoại của vợ con vào điện thoại là điều mà tất cả các thầy giáo nơi đây đều làm. Bên cạnh thời gian giảng dạy và soạn giáo án, những hình ảnh và âm thanh từ vợ con khiến các thầy cũng cảm thấy được an ủi phần nào.
Khi được hỏi có khi nào thấy chạnh lòng không khi nhìn vào những đồng nghiệp của mình ở các nơi khác, câu trả lời của thầy Lang Văn Nhàn là có.
"Sau những trận mưa to, chứng kiến các thầy giáo khi di chuyển đến trường bị vấp ngã, phải đẩy xe kịch liệt, tôi cảm thấy rất tội và thương giáo viên của mình. Trong đầu tôi cũng xuất hiện suy nghĩ chạnh lòng khi nghĩ đến những giáo viên ở những nơi khác không phải chịu các khó khăn mà mình đang phải trải qua", thầy Lang Văn Nhàn nói với chúng tôi.
Song thầy Lang Văn Nhàn cho biết suy nghĩ trên chỉ tồn tại giây lát và nó nhanh chóng biến mất bởi đây là nhiệm vụ, công việc mà các thầy được giao phó. Và phía sau các thầy, là tương lai phía trước của hàng trăm em học sinh.
Tại mỗi cuộc sinh hoạt chung, thầy Lang Văn Nhàn và giáo viên trong trường đều thống nhất với nhau một điều rằng, càng khó khăn thì càng phải cố gắng để đem con chữ đến cho học sinh của mình.
Những khó khăn không ngăn cản được thấy giáo tại Trường tiểu học Tri lễ 4
Thầy Lang Văn Nhàn chia sẻ, tại trường có thầy hơn 40 tuổi vẫn chưa lập gia đình, không ít người 25 năm qua đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để bám trụ cùng với các em học sinh trên núi Phà Cà Tún. Những sự hy sinh này chắc chắn vượt lên trên những vật chất tầm thường. Tất cả chỉ bởi lòng yêu nghề, yêu trẻ hết lòng sự nghiệp "cõng chữ lên non".
Thầy Lang Văn Nhàn nói rằng, ngày 8/3 vừa qua, trường đã mời tất cả vợ của các thầy lên trường. Thứ nhất để gặp mặt, thứ hai là để thông cảm với những khó khăn mà chồng mình đang phải trải qua, để tạo điều kiện tốt nhất cho các thầy làm việc.
Thầy hiệu trưởng cũng tự hào cho biết, dù khó khăn là vậy song nhiều năm qua, Trường tiểu học Tri Lễ 4 chưa có trường hợp thầy giáo nào bỏ trường, bỏ lớp, bỏ các học sinh của mình.
Các em học sinh ngoan ngoãn, đi học chuyên cần để xứng đáng là con ngoan trò giỏi là mong muốn lớn nhất của các thầy giáo tại Trường tiểu học Tri Lễ 4 trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tới đây.
Và cuối cùng, khi được hỏi sắp tới kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các thầy giáo tại Trường tiểu học Tri Lễ 4 muốn được tặng món quà gì nhất, thầy Lang Văn Nhàn chỉ cười và nói rằng 46 thầy giáo nơi đây không cần bất cứ một quà tặng vật chất nào từ các em học sinh. Thay vào đó, thầy chỉ mong các học sinh của mình ngoan ngoãn, đi học chuyên cần để xứng đáng là con ngoan trò giỏi.