Chuyện về lính cứu hỏa, cứu nạn

Nhắc đến lính cứu hỏa, cứu nạn là nhắc đến hình ảnh của người hùng, người có tấm lòng dũng cảm, xông pha vào những nơi nguy nan, sẵn sàng hy sinh tính mạng bản thân để cứu người. Nghề nghiệp của các anh đã gieo vào lòng người sự khâm phục, biết ơn và ngưỡng mộ.

Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC - cứu hộ, cứu nạn TPHCM cứu người trong một vụ hỏa hoạn
Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC - cứu hộ, cứu nạn TPHCM cứu người trong một vụ hỏa hoạn

Người hùng thành phố

Khoảng hơn 21 giờ ngày 22/2/2015, chuông gọi cấp cứu vang lên. Đầu dây là giọng một phụ nữ thảng thốt báo mình đang mắc kẹt trong thang máy khách sạn L.V đường số 1 (quậnTân Phú, TPHCM). 

Từ tổng đài trung tâm, vụ việc trong vài giây chuyển qua Trung tâm PCCC quậnTân Phú - nơi gần nhất với chỗ người bị nạn. Đúng 27 phút sau, người phụ nữ cùng hai người bạn đã thoát ra khỏi chiếc thang máy gặp trục trặc về kỹ thuật.

Đó là một tai nạn trong vô vàn những tình huống bị nạn xảy ra hàng ngày, ở bất cứ địa bàn nào trong thành phố. Thượng úy Huỳnh Văn Tuấn - Phó đội trưởng Đội cứu nạn, cứu hộ - Sở CS PCCC TP.HCM tâm sự: 

“Đã là người lính cứu nạn thì nơi nào khó khăn nhất, nguy hiểm nhất người dân gọi là chúng tôi có mặt. Không chỉ những người xông pha trong đám cháy mà cả những nơi gian nguy khác, chúng tôi cùng với phương tiện chuyên dùng và nghiệp vụ đào tạo bài bản sẽ có biện pháp đưa người dân đến nơi an toàn nhất”.

Còn vô vàn vụ việc tưởng chừng như đơn giản nhưng vẫn có hình bóng của người lính cứu hộ. Lúc 22 giờ 45 ngày 17/3, Trung tâm thông tin chỉ huy nhận tin báo có người dân ở cư xá Bình Minh (P.1, Q.8) yêu cầu lính cứu hộ tới giúp họ phá dỡ một tổ ong vò vẽ. 

Cũng có nhiều vụ cứu người tự tử như vào 17 giờ 25 ngày 8-3, một thanh niên thuê phòng tại khách sạn T.TH (đường Đỗ Nhuận, P.Sơn Kỳ, Tân Phú) có ý định tìm đến cái chết khi leo lên tầng cao. Nhận tin báo, tổ cứu hộ đã đến thuyết phục và mang dụng cụ giúp anh thanh niên xuống đất an toàn.

Cuối năm 2014, đầu năm 2015, các chiến sĩ Sở CS PCCC tham gia cứu cụ già, em bé ra khỏi đám cháy và cứu nạn thành công hai vụ tai nạn lớn. 

Đó là vụ sập công trình xây dựng Trung tâm Thông tin khoa học - công nghệ (KH-CN) khu vực phía Nam của Bộ KH-CN (số 1196 đường Ba Tháng Hai, P.8, Q.11) lúc 3 giờ 35 ngày 9/1/2015. 

Trong lúc khoảng 15 công nhân đang đổ bê-tông trên tầng 6, khi diện tích sàn đã gần đổ xong thì máy bơm bê-tông bị rung, lắc mạnh dẫn đến sàn chao nghiêng rồi đổ sập. Tám công nhân bị vùi trong đống bê-tông và sắt thép.

Nhưng chỉ trong vài phút nhận tin, lực lượng cứu hộ cùng phương tiện chuyên dụng xuống hiện trường, nâng khối bê-tông, cắt đống sắt thép đưa tám công nhân ra ngoài và cấp cứu kịp thời; không gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Rồi vụ Đội Cứu hộ, cứu nạn (Sở CS PCCC TP.HCM) tham gia tích cực trong việc cứu 12 công nhân bị kẹt trong hầm sâu khoảng 600m tại công trình, đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (Lâm Đồng) bị nạn lúc 7 giờ sáng 16/12/2014. Ba ngày sau, bằng nhiều nỗ lực, 12 công nhân đã được cứu thoát.

Thống nhất đầu số 114

Ở nhiều quốc gia, tất cả những vấn đề khẩn nguy cần sự giúp đỡ của đội ngũ cứu hộ đều quy về một đầu số điện thoại. Còn ở nước ta trước đây vấn đề này vẫn còn “phân tán” nhiều tổng đài: 113 - an ninh trật tự; 114 - cứu nạn, cứu hộ, PCCC; 115 - cấp cứu y tế. Cụ thể và dễ nhớ nhưng trong những lúc nguy cấp, nhiều người không bình tĩnh bấm đúng số yêu cầu cần giúp đỡ.

Để thống nhất chung một đầu số cho người dân dễ nhớ, ngày 6/2/2015, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM công bố đầu số 114. 

Tại đây, sau khi người trực tổng đài (Sở CS PCCC TPHCM) tiếp nhận thông tin sẽ chuyển đến cơ quan chức năng có liên quan để nhanh chóng tiếp cận và tổ chức, phối hợp ổn định trật tự, cứu nạn, cứu hộ, giảm thiệt hại về người và tài sản.

Cụ thể khi cần báo sự cố về an ninh trật tự nhưng người dân báo nhầm vào số 114 thì cảnh sát cứu hỏa phải xử lý kết nối, để đưa cảnh sát cơ động đến kịp thời mà người báo không cần phải bấm gọi lại 113. 

Hoặc gặp trường hợp phải cấp cứu, nhưng người báo gọi vào số 113 thì đơn vị cảnh sát phản ứng nhanh phải kết nối với bộ phận cấp cứu, để xe cứu thương đến nhanh nhất mà không cần phải bấm gọi lại số 115.

Bên cạnh tổng đài liên thông này, hệ thống tổng đài đúng tuyến cảnh sát phản ứng nhanh 113, cảnh sát cứu hỏa 114, cấp cứu y tế 115 cùng song song hoạt động. Hệ thống mới gồm tổng đài trung tâm 113, 114, 115, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của thành phố và hơn 100 tổng đài phòng cháy chữa cháy, cảnh sát phản ứng nhanh, cấp cứu y tế tại các quận, huyện.

Thượng úy Nguyễn Văn Tuấn - Đội trưởng Trung tâm chỉ huy cho biết: “Một ngày trung bình trung tâm đầu số 114 nhận khoảng 600 cuộc gọi báo thông tin cứu hộ, cứu nạn và báo cháy... 

Người lính cứu hỏa là người trực chiến 24/24. Họ không chỉ là người chiến đấu với giặc lửa mà còn trong vai trò của bác sĩ, nhà tâm lý, của những tay bơi lội chuyên nghiệp... khi đối mặt với tình huống cấp cứu mà người dân gặp phải”.

Để làm tốt công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ, sở đã đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại và đặc biệt luôn tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng để các chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo congan.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ