"Việc tạo ra trạm radar này là một thành tựu kỹ thuật quan trọng, đòi hỏi phải sử dụng vật liệu tiên tiến, sản xuất chính xác và tích hợp phần mềm mới nhất", ấn phẩm National Interest (NI) nhận xét.
Đài radar có kích thước ấn tượng và hình dạng độc đáo, nó là một kim tự tháp cụt, trên mỗi bề mặt có các mảng ăng ten vi sóng.
Mảng tròn với đường kính 20 mét, được thiết kế để tìm kiếm và theo dõi mục tiêu. Mảng vuông có cạnh 11 mét, dùng để dẫn đường cho tên lửa đánh chặn đến mục tiêu. Các ăng ten được ngăn cách bằng một màn chắn thẳng đứng để bảo vệ chống lại sự can thiệp lẫn nhau.
Thông tin được xử lý bởi siêu máy tính Elbrus-2, thiết bị của nó chiếm toàn bộ một tầng của trạm. Sức mạnh tính toán cho phép hệ thống hoạt động tự động, điều này cực kỳ quan trọng trong trường hợp mất liên lạc với sở chỉ huy.
Radar mảng pha quét điện tử cung cấp phạm vi phủ sóng toàn diện, phát hiện nhanh và theo dõi mục tiêu đáng tin cậy. Khả năng liên tục quét bầu trời và không gian gần, trao đổi thông tin với các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa khác của radar càng làm tăng thêm tính linh hoạt của nó.

Việc xây dựng Don-2 bắt đầu vào năm 1978. Theo Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, Liên Xô và Hoa Kỳ có cơ hội chọn một khu vực để lắp đặt hệ thống phòng thủ của mình. Trong khi Mỹ chọn Bắc Dakota - nơi tập trung hầu hết các bệ phóng ICBM trên mặt đất, thì Liên Xô lại chọn thủ đô của mình.
Hơn 50 ngàn tấn bê tông, 30 ngàn tấn kim loại, 20 ngàn km cáp, hàng trăm km đường ống nước để làm mát ăng ten và hơn 10 ngàn van gang cho chúng đã được sử dụng trong quá trình xây dựng trạm. Đồng thời với việc thi công đài radar Don-2N, một siêu máy tính dành cho nó cũng được tạo ra.
Việc thử nghiệm công nghệ radar khổng lồ đã được tiến hành tại bãi thử Sary - Shagan ở Kazakhstan, nơi một nguyên mẫu của trạm hình thành. Năm 1980, việc lắp đặt thiết bị bắt đầu ở Sofrino, năm 1989 đài radar đã được đưa vào sử dụng và 6 năm sau chính thức làm nhiệm vụ chiến đấu.