Nhao nhao đòi làm hộ nghèo!
Ông Nguyễn Văn Tư ở ấp Phú Yên, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu (An Giang). Ở cái tuổi “bát tuần”, ông Tư vẫn khỏe mạnh, mắt sáng, tai còn nghe rõ. Ông khoe rằng vẫn tự đi chợ, nấu cơm. Hằng ngày vẫn bốc thuốc Nam làm từ thiện cho người dân khắp nơi tìm đến.
Ông Tư kể, cuối 2019, ấp có họp bình xét các hộ nghèo cho năm 2020. Vốn là ấp nghèo, số hộ có sổ đông nhất trong xã. Người dân đi tứ xứ làm công nhân nên việc chọn trao sổ hộ nghèo diễn ra hơi căng thẳng. “Cuộc họp của bà con trong ấp mà căng thẳng quá. Người nào cũng nhao nhao đòi làm hộ nghèo. Ồn ào đến mức chính quyền địa phương không phổ biến, không nói năng gì được”.
Ông Tư thấy cảnh này vừa thương lại vừa buồn. Thương vì bà con trong ấp còn khó khăn quá. Buồn vì thấy nhiều người còn trẻ, khỏe mạnh không lo cố gắng làm ăn mà trông chờ vào xin sổ hộ nghèo để hưởng các chính sách xã hội! Thấy vậy ông Tư cũng có lời khuyên bảo, mọi người ổn định, bình tĩnh để cán bộ ấp, xã giải thích cho rõ rồi tiến hành xét chọn. Tuy nhiên, tình hình tranh nhau xin làm hộ nghèo ngày càng fcăng thẳng.
“Thấy vậy tôi đợi bà con ý kiến xong, tôi xin có ý kiến và nói bà con lắng nghe cho rõ, thư ký ghi vào biên bản cuộc họp rằng: “Tôi - Nguyễn Văn Tư, 85 tuổi, xin thoát nghèo và trả lại sổ hộ nghèo cho chính quyền địa phương để cấp cho những người khác cần thiết hơn”.
Nghe ông Tư xin trả lại sổ hộ nghèo, nhiều người chưng hửng vì ông là “hộ nghèo thứ thiệt” từ xưa tới giờ, hoàn cảnh lại neo đơn. Ông Tư nói với bà con rằng, đã già yếu rồi, không ăn uống gì nhiều nên có thể tự lo liệu được. Xin nhường lại sổ hộ nghèo này cho những người khác đang khó khăn như nhà có nhiều hộ, không có công ăn việc làm.
Ông Tư còn nhắn nhủ riêng với những bà con còn khỏe mạnh, nhất là thanh niên trai tráng cần phải siêng năng, cần cù làm ăn để thoát nghèo. Đừng dựa vào sổ hộ nghèo mà ỷ lại, không lo làm ăn…
Sau khi ông Tư xin thoát nghèo, trả lại sổ và có lời khuyên, cả xóm im lặng, không ai ý kiến hay đòi hỏi gì nữa. Chính quyền địa phương khuyên ông nên giữ sổ để được các khoản bảo hiểm y tế, trợ cấp… nhưng ông quyết định khước từ và tuyên bố “thoát nghèo”.
Thực tế, ông Tư gia cảnh đơn chiếc, sống một mình trong căn nhà tình thương. Tôi hỏi: “Ông có hối tiếc khi trả sổ hộ nghèo?”, ông vui vẻ cho biết: “Ai mà không sợ nghèo. Cả đời tôi nghèo đến giờ sợ muốn chết. Giờ đây trên 80 tuổi được Nhà nước cho 270.000 đồng/tháng. 6 đứa con làm công nhân lâu lâu về cho khoảng 1 triệu đồng nên thân già này sống được. Mình phải có ý chí tự thân, tự lực để sống có ích, giảm gánh nặng xã hội”.
Trai tráng, đeo vàng xin xét hộ nghèo
Câu chuyện ông Tư xin trả lại sổ và “thoát nghèo” khiến nhiều người dân ở ấp Phú Yên được cảnh tỉnh. “Nhiều người đến dự cuộc họp bình xét hộ nghèo mà còn trai tráng, khỏe mạnh. Nhiều người còn đeo vàng, đeo trang sức. Tôi muốn trả sổ, thoát nghèo để mọi người cảnh tỉnh. Thân già này muốn làm gương cho người trẻ phải có ý chí phấn đấu. Góp sức xây dựng quê hương chứ không ỷ lại sổ hộ nghèo mà lười lao động”, ông Tư nói.
Chuyện ông Tư trả sổ hộ nghèo cũng khiến chính quyền địa phương vừa bối rối, vừa vui mừng. Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Bùi Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, Thị xã Tân Châu (An Giang) cho biết: “Ông Tư là hộ nghèo nhiều năm nay. Ông sống một mình. Căn nhà ông ở do đồn biên phòng địa phương xây tặng. Xét về hoàn cảnh, ông Tư hoàn toàn đủ yêu cầu được cấp sổ hộ nghèo.
Tuy nhiên, vừa qua ông Tư xin thoát nghèo và trả lại sổ, chúng tôi cũng bất ngờ. Sau khi làm việc với ông, nắm tâm tư, nguyện vọng thì địa phương chấp thuận yêu cầu. Hiện nay, ông được trợ cấp cho người trên 80 tuổi, các con của ông tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng thỉnh thoảng có gửi tiền về cho ông. Ông cũng là tấm gương vượt khó, tự lực cánh sinh và làm từ thiện tại địa phương. Sau hành động thoát nghèo của ông Tư, chúng tôi mong muốn bà con trong ấp, xã noi gương và tập trung làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.
Thấy ông Tư thoát nghèo, bà con lối xóm cũng vui mừng và quý trọng ông hơn. Thấy ông phơi thuốc Nam ai đi qua cũng dừng lại phụ giúp, người có trái xoài, con cá cũng đem đến cho ông. Đến tìm nhà ông Tư, ai cũng vui vẻ chỉ đường, còn khoe rằng ông Tư mới xin thoát nghèo.
“Ông Tư sống hiền lành, làm nghề bắt mạch, bốc thuốc Nam chữa bệnh từ thiện hơn 40 năm qua. Ở đây bà con ai cũng quý ông nên ông làm gương thoát nghèo là hiệu ứng mạnh để người dân làm theo. Sau Tết, người trẻ, còn sức lao động thì đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Người lớn tuổi thì lo giữ trẻ, lo việc học hành con cháu và đồng áng. Hy vọng với tấm gương của ông Tư thì ấp Phú Yên giảm hộ nghèo và tiến tới thoát nghèo hoàn toàn”, ông Lê Văn Đoàn, Trưởng ấp Phú Yên cho biết.
Ông Tư sống có ích. 45 năm qua ông vẫn ngày ngày bốc thuốc giúp người, giúp đời. Ông nói rằng, mình sống có ích cho đời thì tâm trạng lúc nào cũng thoải mái, vui vẻ. Đó cũng là liều thuốc tinh thần giúp ông sống khỏe, đến nay đã 85 tuổi và thoát được nghèo.
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.