Lan tỏa phong trào xin thoát nghèo

GD&TĐ - Thời gian gần đây, nhiều gia đình ở các xã miền núi tỉnh Bình Định xin ra khỏi diện hộ nghèo. Đó là những câu chuyện đẹp, có sức lan tỏa và nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Sau nhiều năm tự nguyện xin thoát nghèo, chị Lê Thị Me đã có cuộc sống ổn định hơn.
Sau nhiều năm tự nguyện xin thoát nghèo, chị Lê Thị Me đã có cuộc sống ổn định hơn.

Mong muốn chia sẻ khó khăn

Vài năm trước, gia đình chị Lê Thị Me, dân tộc Ba Na ở làng Hà Lũy xã Canh Thuận (Vân Canh) còn nằm trong tốp những hộ nghèo của xã Canh Thuận. Được Nhà nước hỗ trợ bò giống và chính quyền địa phương giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị Me đầu tư trồng 3ha keo, đồng thời tranh thủ thời gian rảnh, chị đi làm công nhân kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học.

Nhờ chăm sóc tốt, bò giống do Nhà nước cấp đã sinh sản, keo cũng bán được giá. Cuối năm 2017, chị Me tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chị Me tâm sự: “Thời gian qua, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước rất nhiều. Bây giờ kinh tế gia đình khá hơn trước, mẹ con tôi đã có thể tự lực cánh sinh, nên tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo để những bà con nghèo hơn, khó khăn hơn được hỗ trợ”.

Không chỉ có chị Me mà theo thống kê của UBND xã Canh Thuận, từ năm 2015 đến nay toàn xã có trên 20 hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. Ở đây không chỉ là “cái mác” thoát nghèo, mà còn là ý thức, trách nhiệm của họ đối với bản thân, gia đình và xã hội. Anh Đinh Văn Hợp ở làng Hà Văn Trên, xin thoát nghèo từ năm 2015 chia sẻ: Mấy năm trước gia đình mình thuộc hộ nghèo nên được Nhà nước hỗ trợ bò, cho vay vốn trồng keo theo Chương trình WB3. Cuộc sống của gia đình anh đã ổn định, đồng thời có tích lũy để xây nhà. Nhờ Đảng, Nhà nước mà mình đã có bò, có đất trồng mì, trồng rừng để phát triển kinh tế bền vững thì phải thoát nghèo để phần cho người khác chứ!”.

Mới đây nhất, tại thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa (Hoài Ân) có 4 hộ đồng loạt xin thoát nghèo. Cả 4 hộ có cùng lý do khi đi đến quyết định đáng trân trọng trên là mong muốn được chia sẻ khó khăn cho những người khổ hơn mình. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Tình có hoàn cảnh rất khó khăn, song ông vẫn lựa chọn sự “thiệt thòi”. Vợ mất vì bệnh, không lâu sau đó ông Tình bị tai nạn nặng, việc chữa trị kéo dài 2 năm trời ở bệnh viện, cộng với người con gái 40 tuổi bị thiểu năng bẩm sinh, gia đình ông bất đắc dĩ trở thành hộ nghèo. Di chứng tai nạn khiến 1 chân ông Tình rất yếu. Dù ở cùng vợ chồng người con trai út nhưng kinh tế vợ chồng trẻ này cũng rất khó khăn, lại còn 3 đứa con đang tuổi tiểu học và mẫu giáo, do vậy quyết định của ông Tình khiến nhiều người thắc mắc lẫn e ngại.

Câu chuyện đẹp

Chủ động xin ra khỏi hộ nghèo, đồng nghĩa không còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, song những hộ nghèo vẫn rất quyết tâm với lựa chọn của mình. Bởi theo họ, đó không phải là tự trọng “hão” hay tự ái nhất thời, càng không phải “làm nổi”, mà xuất phát từ nhận thức ngày một tiến bộ và từ tấm lòng muốn chia sẻ với bà con khó khăn như mình.

Nói về lựa chọn của mình, ông Tình lý giải - giản dị mà sâu sắc: Ông bà mình từ xưa đã nói “giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo”. Trong lúc gia cảnh khó khăn nhất, địa phương, bà con đã ưu tiên nhất trí cho mình vô diện hộ nghèo để chữa bệnh, đỡ túng quẫn, chính sách Nhà nước như vậy là rất kịp thời, nhân văn. Mối lo lớn nhất là đứa con tật nguyền thì dẫu sao mỗi tháng đã có Nhà nước hỗ trợ phần nào. “Nhiều đêm tôi nằm trằn trọc nghĩ mãi, Nhà nước, xã hội còn hàng triệu người nghèo và bao chuyện phải lo, nếu những hoàn cảnh khó lâu dài như mình cứ ở mãi thì là gánh nặng, đất nước càng lâu giàu mạnh. Tôi đem nỗi lòng đó bày tỏ với vợ chồng con trai út, an ủi lớn cho tôi là cả vợ chồng nó đều ủng hộ”, ông Tình xúc động chia sẻ.

Ông Lê Hồng Sơn, trưởng thôn Kim Sơn, khẳng định: 19 năm 4 tháng làm trưởng thôn, tham gia công tác xét hộ nghèo ở địa phương, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến người dân chủ động xin ra khỏi hộ nghèo. Điểm đáng nói nữa là, với những hộ còn quá khó khăn, ví dụ như hộ ông Tình, có thể xét vào diện hộ cận nghèo, song bà con đã cám ơn chính sách của Nhà nước và tiếp tục khẳng định nguyện vọng muốn thoát nghèo hẳn. “Tôi nghĩ, họ chính là những tấm gương rất tốt để các gia đình khác noi theo, nên phải được nhân rộng ra toàn xã, để kích thích phong trào thi đua làm kinh tế gia đình”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.