“Không phải bệnh sĩ nghèo đâu”
Đó là câu khẳng định của một “lão nông tri điền”, ở xã Sơn Hà, huyện vùng biên Quan Sơn (Thanh Hóa) với tôi, khi nghe đề cập chuyện gia đình cụ làm đơn xin “thoát nghèo”.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn ngăn nắp, vững chãi nằm nép dưới đỉnh Pù Mằn, ông Hà Văn Hợi (hơn 70 tuổi) ở bản Hạ, xã Sơn Hà (Quan Sơn) cười sảng khoái. Hôm ấy, gia đình ông Hợi làm cơm mới, nên mời chúng tôi ở lại cùng chung vui. Dường như, cuộc sống của gia đình ông đã và đang thay đổi một cách đáng kể, nên khi gặp khách đến thăm, ông càng phấn chấn hơn.
Năm nay, ông Hợi đã bước qua cái tuổi “thất thập”, đồng nghĩa với việc ông đã từng nếm trải, thấu hiểu tận tâm can cái đói, cái nghèo bủa vây lấy gia đình, dòng tộc của mình. Thế nhưng, đến năm 2017, người con trai của ông Hợi là Hà Văn Khương, tốt nghiệp đại học, thì cũng là thời điểm “lão nông” này quyết định tự tay viết đơn xin “thoát nghèo”.
Khi nghe tôi hỏi vì sao ông lại xin thoát nghèo? Vì sao ông không cứ để gia đình mình nằm trong diện nghèo để hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước? Ông Hợi nhìn chúng tôi một lượt, rồi khảng khái: “Ngày trước, thằng Khương còn đi học không có người vào rừng, làm ruộng, kinh tế gia đình già túng lắm! Nhưng khi thằng Khương ra trường, không xin được việc làm, nên nó ở nhà tham gia sản xuất cùng gia đình.
Bây giờ, gia đình già có rừng Nhà nước giao khoán, có ruộng, lại có người, thêm sức lao động, có thu nhập ổn định... thì mình phải xin thoát nghèo thôi! Xin thoát nghèo để mà phấn đấu làm giàu. Xin thoát nghèo, để nhường cho người khác còn có điều kiện khó khăn hơn mình, chứ không phải xin thoát nghèo vì bệnh sĩ nghèo đâu, nhà báo nhé”, nói xong ông Hợi cười sảng khoái.
Ông Hợi cất giọng cười khà khà, không khí trong ngôi nhà lại càng thêm ấm cúng hơn. Lúc ấy, bà Phạm Thị Hoan - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hà, mới tiết lộ chuyện gia đình ông Hợi cho tôi nghe.
Bà Hoan bảo rằng: Từ khi gia đình ông Hợi nộp đơn xin thoát nghèo, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi bò, dê sinh sản, đào ao thả cá tạo nguồn sinh kế lâu dài. Bên cạnh đó, con trai ông học xong đại học, có thêm kiến thức nên áp dụng vào việc sản xuất, trồng lúa nước, khai thác nứa, vầu từ nguồn đất rừng giao khoán của gia đình.
Nghe Bí thư Hoan kể chuyện, tôi lại nhớ cách đây chừng hơn chục năm về trước, khi lên đây công tác. Lúc bấy giờ, cuộc sống của đồng bào nơi đây thiếu thốn trăm bề. Cái đói, cái nghèo luôn bủa vây lấy họ tưởng chừng không thể thoát ra được. Địa bàn xã Sơn Hà mặc dù cách trung tâm huyện lỵ Quan Sơn không xa, thế nhưng dòng sông Lò lại là “ranh giới” ngăn cách Sơn Hà với bên ngoài.
Đường giao thông chưa thể đi ô tô, hệ thống điện lưới quốc gia chưa kéo vào được... cho nên cuộc sống của đồng bào ở đây chủ yếu tự cung, tự cấp. Ngay cả chuyện học hành của lũ trẻ cũng thường xuyên bị gián đoạn, bởi nước lũ sông Lò. Từ khi có tuyến đường nối các huyện miền núi phía Tây, người ta xây dựng một cây cầu bắc qua sông Lò, khi ấy ô tô mới vào được xã.
Từ đấy, người dân ở Sơn Hà mới thoát cảnh đi bè, đi mảng, rồi điện chiếu sáng cũng được kéo về... Khi có đường giao thông thuận lợi, có điện lưới quốc gia kéo vào, kết hợp với các chính sách hỗ trợ cây, con giống, công cụ sản xuất của Nghị quyết 30a, Chương trình 135 đã chính thức mở ra lối thoát nghèo cho đồng bào dân tộc ở đây.
Ông Lò Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Sơn Hà đưa cho tôi xem một tập đơn của người dân xin thoát nghèo. Ông Thành bảo: Tính đến thời điểm hiện nay, xã Sơn Hà có 52 hộ dân tự viết đơn xin thoát nghèo, trong đó bản nhiều đơn nhất là bản Lầu, với 14 hộ.
Tôi cầm những lá đơn mà ông Thành đưa cho xem và tò mò đọc những dòng chữ nguệch ngoạc do tự tay những người nông dân viết ra. Mới thấy, mỗi người có một cách viết khác nhau về câu chữ, nhưng chung quy lại đều thể hiện một sự tự trọng từ đáy lòng, không tranh giành, không dựa dẫm hay ỷ lại, mà với mong muốn nhường “phần nghèo” ấy cho người khác.
Còn gia đình anh Lò Văn Panh, ở bản Hẹ, thị trấn Sơn Lư lại có cách suy nghĩ khác về xin thoát nghèo. Gặp nhau, nghe hỏi chuyện, anh Panh chả giấu giếm gì, mà cứ nói “tuồn tuột” một mạch. Anh Panh kể rằng: Cách đây 3 năm, gia đình anh được dân bản bình xét vào diện hộ nghèo.
Có ruộng và được giao hơn 5 ha rừng, nhưng giao thông đi lại khó khăn, cây nứa, vầu khai thác ra không đủ trang trải cho cuộc sống. Nhà bốn người, vợ chồng anh Panh phải chạy ăn từng bữa. Hai năm qua, huyện đã thu hút, kêu gọi được các doanh nghiệp vào đầu tư mở cơ sở sản xuất chế biến lâm sản ngay tại bản nên cây vầu, cây nứa cũng giá trị hơn. Vì thế, nguồn thu nhập của gia đình anh Panh cũng dần ổn định hơn.
Vợ chồng anh còn trẻ, có sức khỏe, hàng ngày đi khai thác nứa, vầu mỗi người cũng có thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng. Vì thế, anh quyết định viết đơn như sau: “Nhìn thấy những hộ dân khác trong bản đã thoát được nghèo nhờ siêng năng lao động, đầu tư làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo chăm sóc rừng vầu, nứa vợ chồng tôi đã học tập làm theo. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, gia đình tôi viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu vươn lên”.
Anh Hà Văn Khương (con trai ông Hội) đang chăm sóc đàn dê sinh sản của gia đình |
Lối thoát nghèo đã... hé mở
Năm 1997, huyện Quan Sơn được tách ra từ huyện Quan Hóa. Ngày ấy, vùng đất này nằm trong “vùng trũng” về đói nghèo của xứ Thanh. Cái đói, nghèo hiện hữu trong từng ngôi nhà. Sau hơn 20 năm thành lập huyện, Quan Sơn đã có những cách làm riêng để câu chuyện giảm nghèo lan tỏa đến từng người dân.
Ông Vũ Văn Đạt – Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn tâm sự với tôi rằng: Những ngày đầu mới tách ra từ huyện Quan Hóa cũ, huyện Quan Sơn đối diện với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.
Từ cái trụ sở làm việc của huyện cũng phải mượn tạm nhà dân, đến chỗ ăn, ở của cán bộ được điều động về công tác đều trong cảnh tạm bợ. Hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, giao thông đi lại khó khăn vô cùng; hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, bản chủ yếu là tranh tre tạm bợ; trình độ dân trí thấp, tư tưởng, thói quen sinh hoạt lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân; số hộ thiếu đói của huyện lúc bấy giờ chiếm gần 21%, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện ở mức trên 42%... Vì thế, giải bài toán xóa đói, giảm nghèo luôn là nhiệm vụ đặt ra với cấp ủy, chính quyền huyện Quan Sơn.
“Dấu mốc cho bước chuyển mình trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng đất này thực sự bắt đầu vào thời điểm tròn 20 năm kể từ khi thành lập huyện.
Bởi lẽ, thời điểm ấy khi khảo sát thực tế tại 94 bản trong huyện, chúng tôi xác định được những yếu tố trở thành lực cản dẫn đến đói nghèo của đồng bào, đó là tư tưởng, thói quen sinh hoạt lạc hậu như kiểu “thâm căn cố đế” ăn sâu vào đời sống của người dân”, ông Đạt tâm sự.
Từ thực tế ở cơ sở, làm thế nào để giúp người dân thoát nghèo? Đó là nỗi trăn trở của đội ngũ lãnh đạo huyện. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về “Tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác, thói quen lạc hậu trong nhân dân; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Quan Sơn trở thành huyện khá”.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn cũng ban hành Nghị quyết về “Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đảng viên ở cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững”.
Để các nghị quyết đi vào thực tiễn, tác động thực sự đến cuộc sống từng hộ dân, Huyện ủy Quan Sơn đã triển khai xây dựng mô hình cán bộ, công chức từ huyện đến xã “cắm cơ sở”, gọi tắt là mô hình “3+1”.
Mỗi tháng, cán bộ, công chức trong huyện dành 3 tuần làm việc tại cơ quan, đơn vị, còn 1 tuần dành để xuống các thôn, bản để nắm tình hình, hướng dẫn các cấp ủy Đảng cơ sở triển khai các nghị quyết; cán bộ cùng nhân dân tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hệ thống chính trị...
Những lá đơn xin thoát nghèo của người dân xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn |
Tại mỗi chi bộ thôn, bản thành lập các tổ đảng viên để phụ trách hộ nghèo. Theo đó, hộ nghèo cần gì, các đảng viên bàn bạc với cấp ủy để có phương cách tác động phù hợp, theo phương châm cần gì giúp đấy. Nếu hộ nghèo do không có đất sản xuất, thì đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ đất; thiếu vốn làm ăn thì kết nối với các chi hội khối đoàn thể hướng dẫn thủ tục để người dân được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách...
Cũng theo Chủ tịch Vũ Văn Đạt, trong giai đoạn 2014 - 2019, nguồn vốn của các chương trình, dự án của Nhà nước đã dành cho Quan Sơn hơn 779 tỷ đồng, giúp huyện xây dựng được 279 công trình cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, cơ bản huyện không còn hộ đói, hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 5 - 6%.
Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện chiếm 41,87%, đến cuối năm 2018, giảm xuống còn 17,95%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều xã giảm mạnh trên 10%, như các xã: Trung Xuân, Sơn Hà, Trung Hạ, Trung Tiến... Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cũng tăng từ 5,65 triệu đồng lên 10,4 triệu đồng/năm...
Rời đất Quan Sơn trong buổi chiều chạng vạng, trên đường trở về xuôi, bất chợt tôi nhớ đến câu nói của ông Hợi rằng: “Chúng tôi làm đơn xin thoát nghèo không phải vì bệnh sĩ nghèo đâu”. Trong tôi thầm nghĩ, lối tư duy của bà con đồng bào nơi đây trong tôi chính là “chìa khóa” cho lối thoát nghèo của huyện vùng 135 này đã dần hé mở.