Chuyện thú vị về các Bảng nhãn Việt Nam

GD&TĐ - Bảng nhãn là người đứng thứ 2 trong Tam khôi (dưới Trạng nguyên, trên Thám hoa) là một danh hiệu của học vị tiến sĩ trong khoa cử thời xưa.

Từ chối nhận học vị tiến sĩ “đệ tam”, Thiết Trường quyết thi lại chiếm Tam khôi với danh hiệu Bảng nhãn. (Ảnh minh họa).
Từ chối nhận học vị tiến sĩ “đệ tam”, Thiết Trường quyết thi lại chiếm Tam khôi với danh hiệu Bảng nhãn. (Ảnh minh họa).

Với khoảng 195 khoa thi, lựa chọn được 50 Bảng nhãn - mỗi vị lại có chuyện học, chuyện thi và xử sự đầy thú vị. 

Kỳ 1: Không cam lòng “đệ tam”, quyết chí giành “đệ nhất”

Dù đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân nhưng Trịnh Thiết Trường không nhận. Ông quyết chí 6 năm sau thi lại để chiếm bảng vàng “đệ nhất giáp” cho thoả tài học.

Trịnh Thiết Trường quê làng Đông Lý, huyện Yên Định, xứ Thanh Hoa (nay là thôn Đông, xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Từ nhỏ ông đã nổi tiếng học giỏi, lớn lên tiếng tăm vang khắp vùng nhưng không đi thi mà ở quê dạy học. Vì bạn bè thúc giục nên đến năm Nhâm Tuất (1442) ông mới đi thi, đỗ ngay tiến sĩ.

Từ chối nhận tiến sĩ

Khoa thi tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442) là khoa thi đầu tiên, kể từ khi vua Lê Thái Tổ đánh đuổi được giặc  Minh, giành lại độc lập. Trong khoa thi đó, Trịnh Thiết Trường đứng thứ 14 trong 23 người đỗ tiến sĩ. Thời khắc làm lễ xướng danh, gọi tên đến 3 lần mà ông vẫn không lên tiếng.

Các sĩ tử và bá quan trong triều có mặt đều lấy làm tiếc, cho là vì đướng sá xa xôi, hoặc có điều gì bất trắc nên tân tiến sĩ vắng mặt. Một người học trò của Trịnh Thiết Trường là Nguyễn Nguyên Chẩn đỗ cùng khoa với thầy, cũng từ chối nhận học vị tiến sĩ vì cho rằng, thứ hạng đỗ chưa xứng với tài học của mình.

Theo nguồn sử liệu, Trịnh Thiết Trường cũng có mặt trong số người đến nghe xướng danh. Song ông buồn rầu, vì không chiếm được bậc Trạng nguyên, Bảng nhãn như mong ước, mà chỉ đỗ tiến sĩ hàng “Đệ tam giáp”. Ông cho là chưa xứng với lực học của mình nên quyết tâm chờ dự kỳ thi khác. Ông nói với mấy người bạn quen: “Tôi muốn đỗ Đệ nhất giáp cho hiển danh, chứ Tam giáp thì chưa xứng với cái học bình sinh của tôi”.

Cái tin Trịnh Thiết Trường quyết thi lại và chiếm bảng Tam khôi, chưa chịu nhận mũ áo tiến sĩ vua ban là chuyện lạ xưa nay chưa bao giờ có. Người thì bảo ông dại “thả mồi bắt bóng”, lần sau thi lại chắc gì đã đỗ tiến sĩ. Kẻ thì tấm tắc khen ông là người có chí lớn, thế nào cũng đỗ đạt cao, làm nên danh vọng.

Chuyện hai thầy trò đỗ tiến sĩ mà từ chối không chỉ làm sĩ tử bốn phương kinh ngạc, mà còn khiên vua Lê Thái Tông lấy làm lạ cho triệu vào cung. Khi vua hỏi lý do, hai thầy trò đều tâu xin trở về bản quán chứ không nhận học vị tiến sĩ hay chức tước gì cả.

Trịnh Thiết Trường tâu rằng: May được sinh ở đời thánh đế, thần không phải không muốn làm quan nhưng vì muốn có tên trong hàng Tam khôi cho xứng với cái học. Nay chưa đạt được ý nguyện nên về học thêm để thi lại.

Lê Thái Tông phán rằng: Quả là người có chí, nếu khoa sau đỗ vào hàng Tam khôi, ta sẽ đem công chúa năm nay mới 11 tuổi gả cho làm vợ!

Quan Thái sử đứng hầu bên cạnh mới nói rằng: Lời thiên tử nói không thể nói đùa, nay xin ghi vào sách Lê Thái Tông có vẻ do dự nhưng rồi cũng truyền: Nếu vậy cho nhà nho già kia phải làm tờ giao kèo Trịnh Thiết Trường bèn tâu: Thần dạy học cũng tích góp mua được 50 mẫu ruộng tốt, nếu khoa tới không đỗ Tam khôi, xin hiến tất cả số ruộng đó cho nhà nước.

Vua bằng lòng. Chuyện đó được quan Thái sử ghi vào trong sách. Tuy nhiên, chưa được bao lâu, vào tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông qua đời đột ngột.

Giữ lời tiên đế hứa

Bia tiến sĩ ghi danh Trịnh Thiết Trường khoa thi năm 1442.

Bia tiến sĩ ghi danh Trịnh Thiết Trường khoa thi năm 1442.

Bia tiến sĩ năm 1448 – như vậy Trịnh Thiết Trường được 2 lần ghi danh.

Bia tiến sĩ năm 1448 – như vậy Trịnh Thiết Trường được 2 lần ghi danh.

Dùi mài kinh sử, sáu năm sau vào khoa thi năm Mậu Thìn (1448) có 27 người đỗ tiến sĩ. Xếp thứ 2 trong Tam khôi không ai khác chính là là Trịnh Thiết Trường, ông đoạt học vị Bảng nhãn khiến cho giới sĩ tử và triều đình phải xôn xao.

Vua Lê Nhân Tông gọi riêng Trịnh Thiết Trường vào cung, nhắc lại chuyện trước đây và quyết định thực hiện lời hứa của tiên đế.

Trịnh Thiết Trường vội tâu bày: Đội ơn bệ hạ, nhưng công chúa mới tròn 17, thần đã 70 tuổi, thật không xứng. Xin bệ hạ rút lại lời vàng!

Quan Thái sử nói rằng, cứ theo như giao kèo trước đó mà thực hiện bởi thiên tử đâu có nói chơi. Vua Lê Nhân Tông cũng phán: Tiên đế từng có lời hứa, ta đâu dám làm trái, hơn nữa phải giữ chữ Tín, nếu không trị quốc an dân làm sao được?

Cùng chiếm bảng vàng Đệ nhất giáp với Trịnh Thiết Trường có Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư - người làng Phù Lương, huyện Vũ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là Quế Võ - Bắc Ninh) và Thám hoa Chu Thiêm Uy, người làng Hương Quất, huyện Tứ Kì (nay thuộc xã Kỳ Sơn huyện Tứ Kỳ - Hải Dương).

Cũng có thuyết kể rằng, sau kỳ thi vua Nhân Tông gia ân cho Trịnh Thiết Trường và mấy vị Tam khôi được đi dạo chơi, thăm vườn Ngự uyển. Vua đích thân hướng dẫn họ xem và thưởng thức từng loại hoa. Trong khi hứng khởi, vua Nhân Tông truyền cho phép các tân khoa được hái mỗi người một bông tùy ý. Ai hái bông  nào thì vua sẽ lệnh xuất kho lấy vàng đúc bông hoa như thế để ban tặng.

Có một vị đã hái chuối, làm nhà vua phải xuất kho đúc hết 6 cân vàng. Riêng bảng nhãn Trịnh Thiết Trường đã tỏ ra khiêm tốn, chỉ ngắt một bông hoa nhài. Ông cho rằng loại hoa này tinh khiết, mùi hương thoang thoảng bền lâu.

Vua Lê Nhân Tông tỏ ra mến mộ tài đức của Trịnh Thiết Trường nên đã đem công chúa Thuỵ Tân gả cho ông, và trọng dụng thăng đến chức Thượng thư bộ Công, tước Nghi quận công.

Trong khoa thi này, học trò của ông là Nguyễn Nguyên Chẩn – người từng từ chối nhận danh hiệu tiến sĩ cũng tham gia quyết chiếm Tam khôi. Tuy nhiên, Nguyên Chẩn vẫn chỉ đỗ tiến sĩ “Đệ tam giáp”, sau này làm đến chức Khu mật Trực học sĩ.

Giai thoại ngựa ba chân

Trịnh Thiết Trường viết chữ “mã” 3 chấm tỏ ý ngựa què phương Bắc (minh họa).

Trịnh Thiết Trường viết chữ “mã” 3 chấm tỏ ý ngựa què phương Bắc (minh họa).

Theo sử liệu “Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục”, mùa thu năm Đinh Sửu (1457) bấy giờ Trịnh Thiết Trường đang giữ chức Hàn  lâm viện thị giảng được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc, mừng vua Minh mới lên ngôi.

Tương truyền triều đình nhà Minh bày trò tổ chức cho sứ bộ ta làm văn thi tài với nhau xem ai cao thấp. Ông tuy chỉ giữ chức phó sứ, nhưng học vị và văn chương hơn viên Chánh sứ là Lê Hy Cát. Nếu cứ thẳng thừng đua tài học thuật, thì phần thắng ông cầm chắc trong tay.

Song ông nghĩ phải giữ quốc thể, không để người nước ngoài thấy sự ganh đua của đoàn sứ bộ nước ta, nên khi làm bài có câu “Thuyền phương Nam, ngựa phương Bắc”, Trịnh Thiết Trường chủ ý viết chữ “mã” là ngựa sót đi một chấm. Khi chấm thi, thấy văn ông đáng xếp loại nhất, nhưng chữ “mã” 4 chấm mà chỉ có 3, ấy là ngựa què, như tỏ ý khinh thường phương Bắc nên truất xuống một bậc.

Khi đoàn sứ bộ trở về nước, triều đình nhà Minh cấp cho ông một con ngựa què, có 3 chân và ra điều kiện không đi được thì phải ở lại. Trịnh Thiết Trường liền lấy miếng gỗ giống chân ngựa buộc vào, rồi nhảy lên yên cầm roi quất. Con ngựa bị đau phải khập khiễng chạy. Vua quan nhà Minh phục ông biết cách ứng xử, bèn đổi cho con ngựa lành.

Một bản ghi chép khác của Lê Quý Đôn, viết rằng: Tục truyền rằng Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường và Trạng nguyên Nguyễn Trực phụng mệnh sang Trung Quốc. Lúc ấy Trung Quốc đương mở khoa thi, liền hạ lệnh cho bồi thần các nước cùng dự thi.

Thiết Trường bảo Nguyễn Trực rằng: Người đỗ khoa này chỉ có tôi và anh, văn của tôi nhiều chỗ đắc ý, văn anh không thể sánh kịp. Nhưng anh đỗ Trạng nguyên ở nhà, tôi đỗ Bảng nhãn, nay tôi hơn anh thì không hợp lý.

Vì vậy Thiết Trường cố tình làm bài cho hỏng đi, viết chữ “mã” chỉ có 3 nét chấm. Đến khi duyệt chấm, Thiết Trường đáng đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Trực đáng đỗ Bảng nhãn. Chủ khảo cho rằng Thiết Tường cố ý cho rằng ngựa phương Bắc chỉ có 3 chân, ngựa què, có ý khinh nhờn, liền thay đổi thứ tự, cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Thiết Trường đỗ Bảng nhãn.

Tuy nhiên, trong “Kiến văn tiểu lục” Lê Quý Đôn cũng bàn rằng: “Câu truyền thuyết này rất là vô lý, đáng chê cười. Sở dĩ có người đặt ra thuyết này, bởi họ thấy trong tập biểu văn của quốc triều có bài: Nghĩ thiên triều tứ Nguyễn Trực Trạng nguyên, ban quan, đai, bảo, hốt, tạ biểu (nghĩ bài biểu tạ ơn thiên triều cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên và ban cho mũ, đai, áo và hốt) họ tưởng là sự thực, nên đặt ra câu chuyện quê kệch ấy mà thôi.

Thực ra thì vì Thánh Tông Thuần Hoàng đế quý trọng ông Nguyễn Trực, mới ra bỡn đầu đề ấy, để cho ông Trực nghĩ soạn, chứ có phải việc ấy đâu”.

Trong suốt đời làm quan, Trịnh Thiết Trường luôn cương trực, không sợ cường quyền, dám phê phán những đại quan trong triều làm các việc sai trái. Khi là Gián quan trong Ngự sử đài, ông thẳng thắn vạch tội quan Hình bộ Đỗ Tông Nam ăn hối lộ. Quan Lại bộ Nguyễn Như Đổ cất nhắc tiến cử kẻ kém tài đức, cũng bị pháp ty trị tội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.