Chuyên gia UNICEF giúp trẻ hiểu kĩ hơn về Covid-19 và việc mở lại trường học

GD&TĐ - Dưới đây là một số bí quyết từ chuyên gia Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) giúp học sinh có thể áp dụng khi trao đổi với bạn bè về Covid-19 và việc mở cửa lại trường học:

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lắng nghe chủ động

Nếu bạn thấy bạn bè đang chật vật với đại dịch Covid-19 và việc mở cửa lại trường học hãy thể hiện sự quan tâm chân thành và hỏi han: “Cậu có muốn chia sẻ với tớ cảm xúc và lo lắng của cậu không?” hoặc “Cậu cảm thấy như thế nào về việc đi học trở lại?”.

Chăm chú lắng nghe, chẳng hạn bằng cách hướng thân người về phía người bạn đó và chờ họ nói hết rồi mới phản hồi. Suy ngẫm về những lời bạn mình nói bằng cách tóm tắt hoặc nhắc lại lời họ nói bằng ngôn từ của bản thân và hỏi xem bạn đã hiểu đúng ý họ hay chưa. Đừng đưa ra lời khuyên hay bảo người bạn đó phải làm gì.

Ghi nhận cảm xúc của họ, chẳng hạn bằng cách nói: “Tớ có thể hiểu vì sao cậu cảm thấy như vậy” hoặc “Mọi chuyện chắc hẳn rất khó khăn với cậu".

Cố gắng hiểu quan điểm của người bạn đó bằng cách đặt mình vào vị trí của họ để nhìn mọi chuyện từ góc nhìn của họ. Nghĩ xem bạn mình đang cảm thấy như thế nào thay vì bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu rơi vào hoàn cảnh của họ.

Phản hồi với thái độ tôn trọng bằng cách cảm ơn người bạn đó đã chia sẻ cảm xúc của họ với bạn. Điều đó có nghĩa là họ tin tưởng bạn. Không cười nhạo họ, chế giễu họ hoặc tiết lộ những điều họ nói với bạn bè khác trừ khi họ cho phép bạn làm vậy

Có lúc bạn bè sẽ chia sẻ những thông tin cho thấy họ cần sự giúp đỡ hoặc quan tâm nhiều hơn từ người lớn, chẳng hạn như họ bị trầm cảm hoặc có ý muốn làm hại chính mình hoặc người khác. Không nên bàn tán sau lưng họ, nhưng việc trao đổi với người lớn khi bạn bè của bạn cần giúp đỡ (thậm chí kể cả khi họ không bảo bạn làm vậy) đôi khi là cần thiết.

Nếu thấy thoải mái, bạn cũng có thể chia sẻ câu chuyện cá nhân: bạn đang cảm thấy như thế nào và vượt qua những lo lắng hay thách thức mình gặp phải như thế nào. Tuy nhiên, chú ý không làm chệch hướng trọng tâm của cuộc nói chuyện mà hãy để họ luôn là trung tâm.

Nếu họ chưa sẵn sàng chia sẻ, đừng thúc ép. Bạn có thể nói với họ: “Cậu không cần chia sẻ cảm xúc của mình với tớ nếu không muốn, nhưng tớ vẫn muốn dành thời gian bên cậu.” Bạn có thể chỉ cần ngồi cạnh họ và trấn an họ rằng bạn sẽ luôn ở đó bất kỳ khi nào họ sẵn sàng nói chuyện. Điều này sẽ khiến họ cảm thấy họ không đơn độc và sẽ dần mở lòng với bạn.

Hỗ trợ tích cực

Đi học trở lại có thể khiến một số bạn bè, bạn học của bạn vừa háo hức vừa lo lắng. Họ có thể cảm thấy thiếu động lực tham gia những hoạt động họ từng yêu thích ở trường vì nhiều nguyên do khác nhau. Có thể họ vừa mất đi người thân, hoặc cảm thấy choáng ngợp trước lượng thông tin khổng lồ trên các kênh như mạng xã hội hay truyền hình.

Mặc dù cập nhật tin tức là điều quan trọng, song không nên tiêu thụ thông tin quá mức, đặc biệt là những thông tin tác động đến cảm xúc của chúng ta hay có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cảm xúc – tâm thần. Bạn cũng như bạn bè, bạn học có thể đã tiếp xúc với những tin đồn và tin giả khiến các bạn thêm phần hoang mang.

Bạn có thể giúp cho họ lấy lại sự cân bằng cách khuyên họ tìm kiếm thông tin từ những nguồn tin cậy như UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các cơ quan y tế tại địa phương. Bạn có thể chia sẻ một vài trải nghiệm tích cực của bản thân về cách vượt qua hoàn cảnh khó khăn này, chẳng hạn bằng cách tham gia hoạt động thể chất, học một kỹ năng mới hay dành thời gian nhiều hơn bên gia đình.

Bạn có thể mời họ cùng tham gia một số hoạt động vui chơi nhưng vẫn giữ khoảng cách an toàn với nhau. Thay vì bàn tán về việc ai mắc Covid-19, hãy tập trung vào những người đã đỡ và bình phục. Chia sẻ về việc tình hình đang được kiểm soát tốt hơn nhờ triển khai vắc-xin.

Nhắc nhở bạn bè, bạn học tuân thủ tất cả các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân trước Covid-19. Khuyến khích họ và nhắc nhở chính bản thân mình đôi khi cần ngắt kết nối với thế giới. Cũng như cơ thể, trí óc của bạn cũng cần thời gian nghỉ ngơi thì mới khỏe mạnh được.

Đối xử tử tế và tôn trọng

Chứng kiến bạn mình trải qua nỗi đau thể chất và cảm xúc do bị bắt nạt ở trường hoặc bắt nạt trên mạng có thể khiến bạn cảm thấy đau lòng. Nếu người bạn đó hoặc thành viên trong gia đình họ được chẩn đoán dương tính với Covid-19, họ có khả năng bị bắt nạt bởi người khác.

Đôi khi, các thành viên trong một cộng đồng nào đó bị bắt nạt là tại tin giả - tin do một số đối tượng lan truyền hòng đổ lỗi cho ai đó về tác động của Covid-19 đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, bắt nạt là hành vi có hại và sẽ khiến nạn nhân cảm thấy bị hạ thấp, hắt hủi và loại trừ.

Covid-19 có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai vào bất kỳ lúc nào nếu không tuân thủ đúng các biện pháp phòng, chống dịch. Nếu bạn của bạn bị bắt nạt, hãy đối xử tử tế và hỗ trợ họ.

Nếu bạn bè, bạn học của bạn bắt nạt người khác trên mạng hoặc ở trường, hãy nêu gương tốt. Lên tiếng khi người khác bị đối xử tồi tệ và chất vấn các hành vi bắt nạt. Nhắc nhở họ rằng những bình luận trên mạng vẫn gây tổn thương cho con người trong thế giới thực.

Bạn có thể phòng, chống bắt nạt bằng cách đối xử với bạn bè đồng trang lứa dựa trên nguyên tắc hòa nhập, tôn trọng và tử tế. Bạn cũng như bạn bè, bạn học không đơn độc khi phải đối diện với nạn bắt nạt. Hãy tự tìm hiểu các chính sách của nhà trường về bắt nạt học đường cũng như bắt nạt trực tuyến.

Tố cáo hành vi bắt nạt lên nhà trường là điều cần thiết. Nếu bạn không thoải mái với việc tố cáo với các cán bộ nhà trường, hãy chia sẻ với một người lớn mà bạn tin tưởng như cha mẹ, thầy cô hoặc giáo viên tư vấn học đường. Kể với giáo viên của bạn và giải thích về cảm xúc của bạn hoặc bạn bè.

Nếu bạn muốn tố cáo hành vi bắt nạt trên mạng, hãy lưu lại ngày giờ nhận được cuộc gọi, e-mail hay tin nhắn bắt nạt và đừng xóa bất kỳ tin nhắn nào bạn nhận được.

Giáo dục cho bạn bè về tin thật và tránh phát tán tin giả

Nắm được tin thật sẽ giúp bảo vệ chính bạn cũng như bạn bè, bạn học của bạn. Ý thức về những tin giả về Covid-19 đang lan truyền trên mạng xã hội và gieo rắc sợ hãi. Một số người bạn của bạn có thể quay trở lại trường học sau khi nghe những tin giả về Covid-19. Nếu họ thường chia sẻ những thông tin không chính xác hay tin giả, đừng công khai chỉ trích họ.

Hãy nói chuyện riêng với họ và giải thích những hậu quả mà tin giả có thể gây ra. Bạn có thể hỏi họ về nguồn tin mà họ dùng. Nếu đó là nguồn tin không chính thống, khuyến khích họ tìm kiếm thông tin về Covid-19 từ các nguồn tin cậy như UNICEF, WHO cũng như các cơ quan y tế tại địa phương.

Giải thích cho họ rằng tin giả gây hoang mang dư luận và có thể khiến người dân cảm thấy căng thẳng hay lo âu hơn. Bằng cách cập nhật tin tức về tình hình và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân, bạn có thể bảo vệ bản thân cũng như bạn bè, bạn học.

Khuyến khích họ tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch

Khuyến khích bạn bè tuân thủ các quy định về Covid-19 trong trường học cũng như cộng đồng. Giúp họ hiểu rằng tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn sẽ giúp bảo vệ họ và những người thân yêu, đồng thời ngăn ngừa Covid-19 lây lan.

Khi tham gia vào các hoạt động trong nhà trường như vui chơi tập thể hay đi bộ ở hành lang, khuyến khích họ giữ khoảng cách an toàn. Bạn có thể dang tay sang ngang để hình dung khoảng cách an toàn là bao xa.

Trao đổi về việc vệ sinh bàn tay, bao gồm rửa tay tối thiểu 40 giây với nước và xà phòng hoặc rửa tay tối thiểu 20 giây với dung dịch sát khuẩn chứa cồn.

Nếu bạn bè cảm thấy đeo khẩu trang khó chịu, hãy hướng dẫn họ cách đeo khẩu trang đúng – khẩu trang che kín miệng, mũi và cằm. Giải thích rằng khẩu trang là rào chắn ngăn không cho giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp, khi một người mắc Covid-19 ho, nói chuyện hoặc hắt xì, tiếp cận chúng ta.

Nếu bạn bè của bạn tiếp cận được vắc-xin, khuyến khích họ tiêm phòng. Bạn có thể nhấn mạnh rằng các vắc-xin đã trải qua những quy trình kiểm định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Nêu gương về các hành vi tích cực và khuyến khích bạn bè tuân thủ các hướng dẫn của nhà trường cũng như cộng đồng về đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch.

Theo UNICEF

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.