Chuyên gia nói về đề Ngữ văn cho học sinh khối 7 'khó như lớp 12'

GD&TĐ - Theo ý kiến chuyên gia, cách ra đề thi năng khiếu cấp huyện dành cho học sinh lớp 7 ở Phú Thọ có nhiều nội dung được cho là chưa phù hợp. 

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Khôi Nguyên.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Khôi Nguyên.

Nhiều nội dung chưa phù hợp

Mới đây, Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã tổ chức kỳ thi học sinh năng khiếu cấp huyện, năm học 2022-2023. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm chính là độ khó của đề thi môn Ngữ văn lớp 7 với thời lượng làm bài 120 phút, không kể thời gian phát đề. Cụ thể:

Câu 1 (8 điểm): Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu: “Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có”. Trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ trên.

Câu 2 (12 điểm): Bàn về thơ, Đuy-blây có viết: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một tác phẩm thơ em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.”

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho rằng, cách ra đề thi với đối tượng học sinh lớp 7 có nhiều điểm chưa phù hợp. Đề thi nêu trên về cấu trúc và mô hình, nội dung và yêu cầu đều giống như đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia, môn Ngữ văn dành cho lớp 12 nhiều năm qua.

Chưa bàn đến những câu chữ lặp lại, chỉ riêng yêu cầu của đề đã không đúng. Cụ thể, để làm sáng tỏ câu “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim” thì lấy 1 tác phẩm thơ làm sao làm sáng tỏ được? Vì “những trái tim” là chỉ rất nhiều nhà thơ; và như thế phải lấy rất nhiều bài thơ của nhiều tác giả khác nhau thì mới chứng minh được.

Cũng cần nói thêm rằng, ngay cả nếu đề ấy ra cho lớp 12 thì cũng chỉ chọn được những học sinh có thể uyên bác về kiến thức, nhớ nhiều, thuộc nhiều, nặng về bình câu tán chữ chứ không chọn được học sinh giỏi có năng lực đọc hiểu, cảm thụ văn học, kể cả năng lực viết...

Đề thi học sinh năng khiếu cấp huyện môn Ngữ văn 7 của Phòng GD&ĐT Cẩm Khê (Phú Thọ).

Đề thi học sinh năng khiếu cấp huyện môn Ngữ văn 7 của Phòng GD&ĐT Cẩm Khê (Phú Thọ).

Bên cạnh đó, với học sinh lớp 7 học theo chương trình và SGK mới hay cũ cũng đều không thể làm được đề Ngữ văn như thế. Ta cần khẳng định, học sinh giỏi dù khác với học sinh bình thường thì vẫn là học sinh phổ thông, các em vẫn phải có những kĩ năng cơ bản mà môn học trang bị.

Với học sinh lớp 7 học môn Ngữ văn trong Chương trình GDPT 2018 chỉ yêu cầu các em đọc hiểu, viết và nói nghe những mức độ rất vừa phải. Về đọc, học sinh đọc hiểu các văn bản: Tục ngữ, truyện ngụ ngôn, truyện khoa học viễn tưởng, truyện nói chung, thơ trữ tình, tùy bút, tản văn.

Về viết, yêu cầu gồm: biết viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử; viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ bốn, năm chữ; bước đầu biết viết bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống và bài phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học; bước đầu biết viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong trò chơi hay hoạt động; viết được văn bản tường trình rõ ràng, đầy đủ, đúng quy cách.

"Như vậy để thấy, đề Ngữ văn nêu trên vượt ra toàn bộ các yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Dù có ra đề cho học sinh giỏi thì vẫn phải căn cứ vào các yêu cầu nêu trên của chương trình để đề xuất cho phù hợp" - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh.

Học sinh giỏi cần những gì?

Cũng theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, học sinh giỏi trước hết phải có năng lực hơn học sinh bình thường. Nhưng thế nào là hơn, là khác học sinh bình thường?

Đó là hơn ở trình độ, năng lực đọc hiểu: Đọc nhanh, hiểu nhanh và hiểu đúng, hiểu chính xác một văn bản ngữ liệu mới nhưng tương tự các văn bản đã học trong chương trình và SGK lớp 7 (đề tài, thể loại và kiểu văn bản...). Hơn ở kĩ năng viết: Nội dung viết đúng yêu cầu của đề, ý đầy đủ, chính xác và có ý sáng tạo; viết rõ ràng, mạch lạc, câu văn có hình ảnh, lời văn sinh động; trình bày đẹp, không sai chính tả, ngữ pháp...

"Như thế vẫn là đề thi chung, bình thường cho tất cả mọi học sinh, chúng ta vẫn có thể chọn ra những học sinh giỏi của môn Ngữ văn; không nhất thiết phải ra một dạng đề với yêu cầu khác hẳn với đề thi bình thường. Tất nhiên cũng có thể ra đề khác cho học sinh giỏi, nhưng các yêu cầu cơ bản vẫn phải tuân thủ chương trình, nếu có khác chăng vẫn là những yêu cầu cơ bản nhưng có độ khó cao hơn", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nêu quan điểm.

Học sinh giỏi vẫn là một học sinh phổ thông, nhất là các lớp cấp thấp, các em cần được trang bị đầy đủ và toàn diện các kĩ năng cơ bản của môn học như mọi học sinh bình thường. Các yêu cầu cơ bản ấy như mức xà ngang để đánh giá năng lực của học sinh. Những em nào vượt lên trên mức xà ấy là học sinh giỏi. Như thế đề thi phải kiểm tra được cả các mức cơ bản và mức nâng cao của môn học dành cho mỗi lớp.

"Học sinh giỏi không phải là những siêu nhân, có nhiều ý kiến kì lạ, khác người... trong khi những kĩ năng cơ bản của môn học thì vẫn mắc lỗi. Mong rằng các thầy cô, các cơ sở giáo dục cần hiểu đúng yêu cầu kiểm tra, đánh giá học sinh, nhất là đề thi học sinh giỏi các lớp, các cấp. Không phải cứ thi học sinh giỏi thì ra đề thế nào cũng được, không phải đề càng khó càng tốt; càng lạ càng hay" - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.