Đó là câu chuyện thực tế màbà Phan Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam từng bắt gặp và bà không khỏi bức xúc, bởi câu nói rất xúc phạm khiến bạn học sinh tổn thương rất nhiều.
Tâm lý tuổi “ẩm ương”
- Theo bà, ở lứa tuổi THCS, THPT học sinh thường gặp phải những vấn đề tâm lý gì?
- Lứa tuổi THCS và THPT, các em có thay đổi lớn liên quan đến tâm sinh lý. Đôi khi bố mẹ không theo kịp và cũng không có những hiểu biết sự thay đổi này. Cho nên giữa bố mẹ và con cái thường có những khoảng cách, thậm chí là xung đột, mâu thuẫn. Đến lúc nào đó, khi nhìn lại thì bố mẹ giật mình và rất khó để có thể níu kéo khoảng cách đó gần lại.
Nhiều học sinh có gặp trở ngại về tâm lý có liên quan đến gia đình. Thông qua những bức thư gửi bố mẹ của các con, tôi nhận thấy: Bố mẹ cần có sự thay đổi về cách ứng xử, giáo dục con cái sao cho phù hợp hơn; bởi thực tế các bạn ấy cũng có nhiều áp lực trong học tập.
Áp lực này đôi khi không phải đến từ bố mẹ hay thầy, cô giáo, nhà trường; mà có những bạn rất trách nhiệm với bản thân nên tự tạo áp lực cho mình. Hoặc áp lực trong cuộc sống, môi trường xã hội xung quanh.
Vì thế, nếu bố mẹ không biết cách giải toả, ứng xử phù hợp thì có những bạn sẽ rất đáng thương; các con buồn bã, luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, lo âu. Chính vì mối quan hệ không được tốt như vậy, trong khi bố mẹ lại không biết cách xoa dịu nên xung đột xảy ra là điều dễ hiểu.
Thực tế, đã có những vụ đang xảy ra với học sinh, điển hình như: Thời gian gần đây, nhiều học sinh tự tử đều có liên quan đến vấn đề tâm lý. Đôi khi không phải vì căng thẳng học tập, mà có thể các em bị áp lực từ những yếu tố khách quan, từ việc bố mẹ và con cái chưa hiểu nhau nên dễ dẫn đến căng thẳng, xung đột và có hành động bột phát.
Hoá giải cảm xúc tiêu cực
- Làm việc lâu năm trong lĩnh vực về quyền trẻ em, đã bao giờ bà gặp những trường hợp khiến bà phải trăn trở và bức xúc?
- Tôi tham gia rất nhiều buổi nói chuyện chuyên đề với học sinh, phụ huynh. Mỗi buổi đều để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, với nhiều câu chuyện từ thực tiễn mà ở đó, bố mẹ rất cần lưu tâm, sửa chữa.
Có học sinh viết 5 điều với bố mẹ cần thay đổi để con thấy hạnh phúc hơn; Trong đó có câu: “Mẹ chửi con là: Não gì toàn cứt thôi”. Một câu nói rất xúc phạm khiến cho bạn ấy tổn thương rất nhiều. Tôi tin, không chỉ riêng bạn học sinh đó, mà trong cuộc sống, chúng ta cũng bắt gặp nhiều phụ huynh có cách ứng xử “thô bạo” với các con của mình.
- Bà có lời khuyên gì với các bậc phụ huynh?
- Vẫn biết, trong cuộc sống bố mẹ có nhiều áp lực, nhưng các con còn nhỏ, chúng ta không thể đòi hỏi các con hoàn thiện bản thân và càng không nên yêu cầu các con phải đúng. Hãy cho các con quyền được sai. Bởi các con có sai thì mới trưởng thành được. Vì thế, phụ huynh phải biết cách và hãy là nhà tâm lý cho con em của mình.
- Vậy cách ở đây là gì – thưa bà?
- Rất khó để nói ai cũng giống ai và ai cũng có thể trở thành nhà tâm lý được. Ở lứa tuổi “ẩm ương”, các con sẽ bị tổn thương, dễ cảm thấy bị bất công nên dễ có những hành vi bồng bột.
Tôi muốn nhắn nhủ, phụ huynh hãy thấu hiểu cảm xúc của con. Khi con đi học về, hoặc học bài tập xong, các con cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi thì bố mẹ có thể xoa dịu con bằng cốc sữa nóng, hoặc hỏi han, tâm sự với con. Thay vì nặng lời, hãy hỗ trợ để con giải toả cảm xúc tiêu cực.
Ví dụ có thể gợi ý cho con đi chơi với bạn hoặc làm những việc yêu thích trong khoảng thời gian nhất định. Chúng ta không nên thấy con đạt điểm thấp mà vội vàng mắng nhiếc, đay nghiến con. Những cảm xúc tiêu cực đấy, vô hình trung sẽ đẩy con xa dần bố mẹ, thậm chí các con sẽ bị dồn nén cảm xúc nên có thể có những hành vi dại dột.
Đối với giáo viên, nhất là với giáo viên chủ nhiệm, cần quan tâm đến học sinh của mình hơn, để kịp thời phát hiện những bạn có vấn đề về tâm lý. Giáo viên có thể giới thiệu các em xuống phòng tham vấn học đường của nhà trường hoặc lan toả cho các em số điện thoại của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Ngoài ra, các nhà trường cần tăng cường giáo dục chuyên đề kỹ năng sống theo hình thức “Điều em muốn nói”. Hoạt động giáo dục này sẽ là sợi dây kết nối để thầy hiểu trò, trò hiểu thầy và phụ huynh hiểu các con hơn.
- Xin cảm ơn bà!