Lấn cấn tuổi “ẩm ương”

GD&TĐ - Khi đến tuổi “ẩm ương”, Linh bắt đầu thấy phát sinh nhiều vấn đề trong gia đình mình, nhất là với bố mẹ. Tự dưng, cô nhận ra nhiều điều trước kia không thấy, hoặc bỏ qua, giờ đây nó làm phiền cô, về những thứ gọi là đức tính, phẩm chất, hay thói quen rất khó chịu.

Lấn cấn tuổi “ẩm ương”

Chuyện này bắt đầu xảy ra từ khi Linh 12 tuổi, cho đến nay cô đã 16 tuổi. Bốn năm qua là biết bao chuyện bất ý bủa vây cô. Mà rõ ràng cô không thể đổi bố mẹ mình để lấy bố mẹ khác được.

Có lúc cô bị stress, phải tâm sự với bạn nữ, hoặc thậm chí là gọi điện đến trung tâm tư vấn tâm lý để khỏi phải thét lên với bố mẹ.

Mẹ cô là một y tá. Mẹ nhìn đâu cũng thấy vi trùng và luôn miệng cảnh báo, nhắc nhở Linh về cả thế giới vi trùng bủa quanh cô. Mẹ còn tự cho rằng, mình là người tốt bụng và rộng rãi bậc nhất thế gian này, mặc dù thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Ví dụ vào dịp sinh nhật Linh, cô muốn xin mẹ vài triệu đồng để đi “xõa” với bạn bè, mẹ lại chỉ mua cho cô một bộ quần áo mới, theo gu của mẹ. Trời đất ơi, làm sao Linh mặc cho được!

Bố cô là một luật sư. Ông cũng tự cho rằng mình là người luôn cập nhật tất cả mọi cái mới, hiện đại nhất thế gian. Nhưng thực ra, về mặt tư duy và quan điểm thì ông lại là một người thuộc thế kỷ 19.

Đơn cử, khi Linh có bạn trai, ông đòi con gái phải đưa ra bộ tiêu chí đối với bạn trai (với những phẩm chất giống ông: Không chơi game, không hút thuốc, không rượu…), không cho phép con gái đi chơi với bạn trai quá 21 giờ tối, phải xem bố mẹ bạn trai có thuộc gia đình gia giáo hay không. Ông cứ làm như Linh sắp cưới người bạn trai ấy vậy.

Khó chịu nhất là mỗi khi bạn Linh đến nhà chơi, mẹ cô chẳng chịu để họ yên. Mẹ luôn xía vào câu chuyện của Linh và bạn, đưa ra nhận xét, khuyên bảo ngay lập tức.

Mỗi khi Linh và bạn đang “buôn” với nhau chuyện gì, là mẹ lập tức lấy “ngày xưa” của mẹ ra để làm thước đo, phán xét thế hệ bây giờ, đưa ra kết luận chẳng mấy vui vẻ.

Sau đó, mẹ lại còn khoe khoang thành tích học tập của mẹ, thậm chí là sự hấp dẫn của mẹ khi còn là cô sinh viên, được bao nhiêu anh “trồng cây si” từ nhà, ra đường, đến lớp. Ôi trời ơi, Linh chỉ muốn mẹ biến mất cho xong.

Lũ bạn Linh đành khâu miệng lại mà gật gù trước câu chuyện bất tận của mẹ Linh. Họ đến nhà để chơi với Linh, cuối cùng lại phải nghe mẹ cô thuyết giảng và kể chuyện xưa xửa xừa xưa! Thật là bó tay toàn tập!

Khi bạn trai đến nhà Linh chơi, bố cô lập tức ra mở cửa và hỏi: “Cháu tên gì, nhà ở đâu? Bố mẹ làm nghề gì? Cháu chơi với Linh nhà bác được bao lâu rồi? Cháu nên biết chịu trách nhiệm với bất cứ điều gì mình làm, thậm chí là nói ra.

Cháu với Linh có điểm gì chung?...”. Hình như bố mắc bệnh nghề nghiệp nên nhìn thấy bạn trai của Linh là cứ như thấy tội phạm mắc oan, cần hỏi vạn câu hỏi để có đủ bằng chứng bảo vệ khi ra tòa. Những lúc như thế, Linh chỉ muốn đất dưới chân nứt ra cho Linh chui xuống, hoặc Linh sẽ nhét bố mình xuống đó.

Tại sao bố mẹ không chịu hiểu cho rằng, thế giới thay đổi quá nhiều rồi. Và Linh có cuộc sống của Linh, có quan điểm riêng, có mục đích riêng. Linh muốn bố mẹ tôn trọng.

Chắc hẳn bố mẹ âm mưu muốn Linh copy nguyên mẫu cuộc đời của bố mẹ từ thế kỷ 20 mà sống trong thế kỷ 21 đây! Bất hạnh làm sao một người sống lạc thời như thế. Vậy mà bố mẹ không chịu hiểu. Linh sẽ họp nghiêm túc với bố mẹ để xem xét vấn đề này và yêu cầu bố mẹ thay đổi. Nếu bố mẹ còn năng lực để thay đổi.

Tuổi dậy thì đã gõ cửa rồi, và Linh không còn có thể nhất nhất làm mọi việc theo ý người lớn như cách nay dăm năm nữa (người lớn thật đáng chán khi cứ tự cho mình quyền áp đặt trẻ con phải làm gì), dù người lớn đó chính là bố mẹ đẻ. Bởi Linh đang là người lớn đây mà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn và Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) phối hợp tổ chức chương trình 'Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT – Khối 10'.