Khi con bước vào tuổi ẩm ương

GD&TĐ - Bước vào tuổi dậy thì, con sẽ có những bước lột xác cả về thể chất lẫn tâm lý tình cảm. Tâm tính trẻ ở tuổi này rất ẩm ương và phức tạp. 

Khi con bước vào tuổi ẩm ương

Do đó, cha mẹ cần đặc biệt chú ý để có cách rèn giũa, uốn nắn và dạy con cho phù hợp. Tuổi mới lớn là một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Cách quan tâm đến con và phương pháp dạy dỗ của bố mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ.

Trẻ tập làm người lớn

Ở giai đoạn này, cái tôi của trẻ bắt đầu bộc lộ một cách rõ nét. Trẻ sẽ muốn được tự do nhiều hơn, tự ra những quyết định cho mình và đôi khi sẽ có ý nghĩ rất điên rồ. Tuy nhiên, trẻ ở giai đoạn này thực chất vẫn đang lững thững giữa ranh giới nửa trẻ con, nửa người lớn, do đó, bố mẹ không nên quá khắt khe nhưng cũng không thể quá buông lỏng với con.

Chị Mai An ở phố Lò Đúc (Hà Nội) tâm sự: Vài tháng gần đây, cậu con trai 14 tuổi của chị bỗng trở nên lầm lỳ khó bảo. Vẫn biết là khi con bước vào tuổi ẩm ương sẽ có những thay đổi tâm sinh lý. Song chị vẫn thấy sốc với cách cư xử của con. Trước đây, cho dù chị căn dặn nhắc nhở nhiều như thế nào cháu cũng đều vâng dạ. Nhưng gần đây cu cậu thay đổi hẳn thái độ thậm chí còn phản bác lại mẹ bằng giọng điệu rất khó chịu. Mặc dù là người mắc lỗi nhưng con trai chị lại dửng dưng khi mẹ nhắc nhở. Chưa kể con chị còn đua đòi bạn bè để kiểu tóc lởm chởm, thậm chí còn đòi xăm hình trên cánh tay. Cũng may chồng chị khá kiên quyết về vấn đề này, lại có sự can thiệp của cô giáo chủ nhiệm nên con trai chị mới từ bỏ ý định.

Trên diễn đàn làm cha mẹ cũng có khá nhiều phụ huynh chia sẻ về việc con gái mình mới 13, 14 tuổi mà bỗng trở nên đua đòi trưng diện. Thậm chí có cháu còn lấy trộm tiền để tự mua sắm. Bố mẹ biết được chất vấn thì tỏ ra khó chịu dằn dỗi, thậm chí trốn đến nhà người quen cả ngày khiến bố mẹ phải đôn đáo đi tìm. Rõ ràng ở lứa tuổi mới lớn, trẻ có xu hướng khao khát sự chú ý. Vì vậy, nếu như cha mẹ không quan tâm đến con, cho con tùy tiện làm theo ý mình thì hậu quả không biết sẽ nghiêm trọng tới mức nào.

Học cách làm bạn với con

Chuyên gia tư vấn Minh Tâm (Trung tâm Tư vấn Tâm lý Gia đình - Thanh thiếu niên, TPHCM) cho rằng ở giai đoạn này, cha mẹ cần phải biết “làm bạn” với con. Chính vì thế mà lúc này, bạn cần đặt mình ở tâm thế khác, nhìn thấy sự lớn lên ở con và điều chỉnh chính ứng xử của mình để cải thiện quan hệ với chúng.

Khi trẻ có biểu hiện chống đối, thông thường bố mẹ sẽ thấy vô cùng bất mãn và dùng quyền lực của mình để áp đảo trẻ. Kỳ thực, hành động này chỉ như “thêm dầu vào lửa”. Điều bạn cần làm lúc này là giữ cho mình luôn tỉnh táo và bình tĩnh. Khi hai bên đều đang kích động, tốt nhất bạn nên là người nhẫn nại, chờ trẻ ổn định tâm trạng trở lại rồi mới bắt đầu quá trình chia sẻ, “đàm phán”. Với tâm lý dễ dao động và thiếu khả năng kiềm chế cho nên ngôn ngữ và hành động của trẻ khi đang muốn chống đối thật sự rất kịch liệt. Vì vậy, lúc này đòi hỏi người lớn phải là người giữ cái đầu lạnh để tránh bầu không khí thêm nặng nề khó hòa giải.

Cũng theo chuyên gia tư vấn tâm lý Minh Tâm, “thay vì lúc nào cũng lo sợ con làm sai, chi bằng hãy khích lệ con can đảm thử những chuyện trẻ muốn làm. Khi tự mình trải nghiệm, trẻ sẽ nuôi dưỡng được năng lực độc lập và dám bày tỏ cách nghĩ của mình với người khác. Bạn lúc này chỉ nên đóng vai trò dẫn dắt và hỗ trợ trẻ khi cần thiết. Hãy cho trẻ biết rằng khi suy xét vấn đề nên nghĩ từ nhiều phương diện và nhất là hãy tích cực, không nên có tâm lý than vãn hay oán trách khi không hài lòng chuyện gì đó. Bạn cũng nên cho trẻ thêm nhiều không gian để trẻ thấy mình được tôn trọng”.

Khi trẻ có ý thức độc lập mạnh mẽ đòi hỏi bạn cũng phải cho con thấy mình có lòng tin ở chúng, đồng thời cần có cách xử lý thật mềm dẻo. Không ít trẻ nghĩ rằng bố mẹ lúc nào cũng không tin tưởng mình, không hiểu mình. Trong tình huống này, điều bạn nên làm là cho trẻ một số quyền nhất định nhưng chia sẻ cho trẻ hiểu bố mẹ luôn sẵn sàng đồng hành để giúp con giải đáp những khúc mắc trong cách hành xử hàng ngày”. Chuyên gia Minh Tâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ