Con trẻ tuổi ẩm ương, cha mẹ nên cứng rắn hay làm "đồng minh"?

GD&TĐ - Chị là một phụ nữ thành đạt ngoài xã hội, đi đến đâu cũng có người sẵn sàng tiếp đón. Đó là một trong những điều khiến tôi ngưỡng mộ ở chị.

Con trẻ tuổi ẩm ương, cha mẹ nên cứng rắn hay làm "đồng minh"?

Nhưng không hiểu tại sao thỉnh thoảng chị vẫn thở dài, tâm trạng có vẻ lo âu, dù vẻ ngoài vẫn rạng rỡ. Tôi đánh liều hỏi chị: “Dạo này chị có tâm sự gì hay sao?”. Dường như chị đã chờ câu hỏi này của tôi từ rất lâu, chị nói mà như gào lên: “Ôi, chị stress quá em ạ. Chị đang tính bỏ việc đây”.

Để có được vị trí của hiện tại, chị đã phấn đấu không ngừng nghỉ gần 20 năm, không thể nào từ bỏ một cách dễ dàng như vậy, tôi nghĩ mãi không thấy lý do nào thuyết phục mình cả.

Đoán được thắc mắc của tôi, chị giải thích xối xả: “Em biết không, con gái chị đang ở tuổi ẩm ương.

Nó không nghe lời chị, không chịu hợp tác, chị đau đầu vì không biết nên chọn phương pháp nào để giáo dục nó. Mà điên nhất là chồng chị luôn đứng về phe nó, bảo vệ nó bất chấp đúng sai.

Có hôm nó nói hỗn với chị, chị tức quá, giơ tay định đánh dọa nó cho nó sợ, thế mà anh ấy lao đến ôm nó, còn lớn tiếng cảnh cáo chị rằng “đừng hòng đụng vào một cọng tóc con gái của anh”.

Chị ngừng một lúc, không thể nói tiếp được nữa vì quá ức chế, chưa bao giờ tôi thấy mặt chị đỏ lên như thế. Tôi cuống cuồng tìm cách xoa dịu chị: “Bình tĩnh chị nhé! Chuyện gì cũng giải quyết được hết”.

Nghe tôi nói, chị có vẻ “xuôi” hơn, biểu cảm đỡ căng thẳng: “Ừ, chị nghe em. Lát nữa về nhà, chị sẽ nấu cho bố con nó một bữa tối thật ngon. Thật ra chị nghỉ việc hẳn rồi em ạ. Nghĩ cũng tiếc thật đấy. Nhưng đối với chị, gia đình quan trọng hơn sự nghiệp. Trước đây chị bận, đi làm tối ngày, ít có thời gian dành cho con nên lắm khi chị cảm thấy mình không thể đối thoại được với nó. Con bé ngày càng xa lánh chị là vì thế. Suy cho cùng, lỗi là ở chị”.

Nghe chị tâm sự, tôi không khỏi xót xa: “Nhưng bỏ việc ngay lúc này, liệu chị có ổn không? Nếu tâm trạng chị không tốt, em e là chị cũng không thể mang lại không khí vui vẻ cho gia đình”.

Chị đột nhiên mỉm cười khiến tôi an tâm hơn: “Không sao đâu em ạ. Trông chị có vẻ năng động vậy thôi nhưng từ lâu chị đã nghĩ đến điều này rồi. Chị thích được ở nhà, dành nhiều thời gian hơn cho chồng con, làm những điều giản dị giống như biết bao người vợ, người mẹ khác. Chị nghĩ mình sẽ ổn thôi”.

Sau vài tháng nghỉ việc để quay về vai trò người phụ nữ đích thực của gia đình, chị gọi cho tôi, giọng phấn khởi: “Cà phê nhé em yêu?”. Tôi đồng ý mà không cần suy nghĩ.

Lần này gặp lại chị, cảm nhận của tôi rất khác. Chị không ăn mặc như một phụ nữ thành đạt, năng động, sắc sảo nữa, thay vào đó là một hình ảnh rất đỗi dịu dàng: Váy hoa mềm dài quá đầu gối, đôi xăng-đan đế xuồng duyên dáng và chiếc túi cói mộc mạc khoác nhẹ bên vai. Nhưng ấn tượng nhất chính là biểu cảm trên khuôn mặt chị

Đúng như những gì tôi đoán, chị kể, một hôm chị thủ thỉ với chồng đủ thứ chuyện, sau đó chị nhận hết mọi lỗi lầm về mình. Điều đó khiến anh xúc động. Họ có một giao kèo ngầm với nhau, chị tiếp tục sắm vai ác trong gia đình, anh vẫn về phe con gái.

Có lần chị giả vờ nổi nóng để dọa con gái, chị cố tình ném một chiếc đĩa xuống sàn nhà cho con bé hoảng sợ. Sau đó chị đi vào phòng ngủ, đóng cửa lại. Con bé cũng chạy vào phòng, gói ghém vài bộ quần áo vào ba lô rồi nhanh chóng lao ra khỏi nhà. Anh đã chờ sẵn phía dưới đúng như “kịch bản” của chị và kéo con bé lại, khuyên nhủ nó rằng “mẹ làm thế là vì thương con”, và thuyết phục con bé quay về nhà…

Chị liên tục thể hiện thái độ cứng rắn để nắn tính cách ương bướng của con gái, trong khi chồng chị luôn là người đảm bảo rằng con bé không có cơ hội làm những điều dại dột. Con bé dần biết tôn trọng những nguyên tắc của mẹ, nhưng không có cảm giác bị bỏ rơi vì có một người bố luôn sẵn sàng xoa dịu những cơn nóng của nó.

Sau hơn 2 tháng kiên nhẫn với phương pháp giáo dục này, anh chị đã thành công. Chị ngày càng dịu dàng và gần gũi với con gái, nó dần mở lòng với chị. Giờ đây, chị có thể đối thoại với con gái một cách thoải mái, vui vẻ. Chị kể với tôi, trước đây, chị không biết rằng mình đã bỏ lỡ rất nhiều điều tuyệt vời: Nấu một món ăn thật ngon rồi gọi 2 bố con nó vào nếm thử, hoặc cả nhà cùng thưởng thức một bộ phim hay, vừa xem vừa bình luận rôm rả…

Chị không thể giấu được hạnh phúc trong từng ánh mắt, nụ cười. Tôi cũng thấy hạnh phúc lây, tôi hỏi đùa chị: “Giờ chị đã muốn đi làm trở lại chưa?”. Chị lắc đầu: “Ngay bây giờ thì chưa, chị không muốn đánh mất thứ cảm giác chị đang có. Nhưng bất cứ lúc nào muốn quay lại công việc trước kia, chị sẽ hỏi ý kiến chồng và con gái vì họ là những đồng minh tuyệt vời của chị”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.