Chuyển động tích cực

GD&TĐ - Đến thời điểm này, hoạt động đăng ký xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh chung đã đi được nửa chặng đường. Ghi nhận thực tế cho thấy, định hướng nghề nghiệp của thí sinh thể hiện khá rõ qua đăng ký nguyện vọng (NV) 1.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Khá nhiều thí sinh cho biết đã đặt NV1 các nhóm ngành xã hội đang có nhu cầu cao như An ninh Quốc phòng, Báo chí, Công nghệ thông tin, Marketing, Logistics… Trong khi đó, nhóm ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… thí sinh ít quan tâm hơn, thường được đặt ở các NV sau. Trong các chương trình tư vấn tuyển sinh, tinh thần hướng nghiệp thực dụng của thí sinh cũng lộ rõ, “ngành nào hot, ngành nào dễ có việc, lương cao” là những câu hỏi luôn được các em đưa ra với chuyên gia.

Trước đó, năm 2021, những ngành được nhiều thí sinh đăng ký ở NV1 nhất là: An ninh Quốc phòng (566,82%), Báo chí và thông tin (311,65%), Nghệ thuật (210,7%); Du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân (201%), Khoa học xã hội và hành vi (197,97%). Trong khi đó, nhóm ngành khoa học cơ bản không chỉ có số lượng thí sinh đăng ký NV1 ở mức thấp, mà tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học cũng khiêm tốn. Khoa học tự nhiên là lĩnh vực có tỷ lệ nhập học thấp nhất; tiếp đến là Khoa học sự sống, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội.

Xu hướng chọn ngành hot, chọn ngành theo số đông đã và đang đặt ra một số vấn đề quan ngại. Mặc dù đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu trước mắt, an toàn cho thí sinh, song cách hướng nghiệp này cũng đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy. Theo các chuyên gia, trong tương lai các nhóm ngành đều đồng loạt phát triển. Người nào chọn đúng nghề, học tốt, phấn đấu nâng cao năng lực sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn.

Nếu thí sinh chưa hiểu rõ về bản thân, ngành, cứ chạy theo số đông, phong trào, sau này sẽ khó khăn trong học hành cũng như công việc. Ở tầm vĩ mô, tương lai sẽ có hiện tượng thừa nhân lực cục bộ ở một số ngành, trong khi nhiều ngành nghề lại khủng hoảng do thiếu nhân sự.

Mặc dù chọn ngành theo số đông là xu hướng khá rõ, song điều đáng mừng là trong bức tranh hướng nghiệp 2022 cũng bắt đầu lóe sáng những chuyển động ngược dòng. Có không ít thí sinh đã dũng cảm tách ra khỏi đám đông, vì đam mê của bản thân, chọn những ngành học hiếm, thậm chí ngành bị “chê”, để rộng cơ hội cho chính mình.

Thí sinh Trần Huỳnh A (TP Huế) cho biết sẽ đặt NV1 vào ngành Hán Nôm, Trường ĐH Khoa học Huế. “Người thân, bạn bè phản đối, vì ai cũng nói ngành này khó xin việc, lương thấp, rằng học Hán Nôm chỉ để bốc bia mộ, viết câu đối cho đền chùa. Tuy vậy, em vẫn sẽ chọn ngành đi ngược ý kiến số đông. Bởi em mê nghiên cứu các di sản Hán Nôm ở kinh đô xưa, điểm chuẩn ngành này cũng mềm. Về sau nếu không theo nghiên cứu, em cũng có thể phát triển công việc ở nhóm ngành văn hóa, du lịch, ngôn ngữ Trung”, Huỳnh A chia sẻ.

Bản lĩnh, sự đam mê cá nhân dẫn dắt thí sinh dám nghĩ khác, làm khác. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận chuyển động hướng nghiệp ngược dòng cũng là hệ quả tích cực từ công tác truyền thông của các nhà trường trong thời gian qua, nhằm giúp thí sinh nhận diện đúng ngành nghề, bảo tồn và phát triển những ngành khó tuyển mà xã hội cần.

Chẳng hạn như, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) đã làm tốt công tác truyền thông với ngành Địa chất, Kỹ thuật địa chất và Hải dương học; Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) với ngành Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học; Trường ĐH Nông Lâm TPHCM với nhóm ngành Lâm nghiệp và Chế biến Lâm sản…

Cùng với đẩy mạnh, nâng chất công tác truyền thông giúp thí sinh hiểu hơn về các ngành học và thị trường lao động, các trường còn tăng cường chính sách ưu đãi học phí, cấp học bổng, hỗ trợ ký túc xá… Đây là những trợ lực quan trọng để thu hút người học đến với ngành học hiếm, đặc thù và vững tin hơn cho quyết định ngược dòng của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.