Định hướng nghề nghiệp: Tạo 'nền móng' từ lớp 1

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ khi học lớp 1, giáo viên đã lồng ghép, đan xen hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Với nền móng sẵn có, khi lên học THCS, THPT các em sẽ không bỡ ngỡ và có thể tự định hướng cho bản thân trong việc xây dựng kế hoạch học tập đến chọn ngành, chọn nghề.

Trường Tiểu học – THCS Đăk Rơ Wa hướng nghiệp cho học sinh gắn với làng nghề tại địa phương. Ảnh: TG
Trường Tiểu học – THCS Đăk Rơ Wa hướng nghiệp cho học sinh gắn với làng nghề tại địa phương. Ảnh: TG

Động viên, khích lệ từng học sinh

Cô Trần Thị Thu Thuỷ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho biết: Những năm qua, đặc biệt từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã lồng ghép nội dung giáo dục hướng nghiệp cho học sinh vào bài học, giờ hoạt động ngoại khoá.

Hàng năm, vào khoảng tháng 8 giáo viên sẽ được bồi dưỡng chuyên môn. Do đó những thầy, cô giáo trong trường đã nắm được nội dung hướng nghiệp là cần thiết, đặc biệt với học sinh tiểu học.

Ở tiểu học, nhà trường và giáo viên có nhiệm vụ giáo dục học sinh nhận biết một số công việc của cha mẹ, người thân, nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội. Bên cạnh đó, thầy cô cũng hướng dẫn học sinh tham gia công việc hằng ngày của gia đình, nhà trường. Từ đó, phát hiện năng khiếu của các em để bồi dưỡng và có định hướng nghề ngay từ nhỏ... Ở cấp học này, học sinh vẫn phải học đồng đều các môn. Tuy nhiên, việc phân luồng và hướng nghiệp phải được triển khai đồng thời để làm nền móng cho các em khi lên THCS, THPT. Khi đó, trẻ sẽ không còn bỡ ngỡ và có thể tự định hướng cho bản thân sẽ học như thế nào, làm việc gì nếu kết quả học tập không tốt.

“Mỗi học sinh có một thế mạnh hoặc năng khiếu riêng. Chính vì vậy, giáo viên phải sâu sát quan tâm, nắm bắt để khích lệ trò. Với những năng khiếu đó, nếu kịp thời động viên có thể giúp học sinh phát triển, yêu thích và có nghề nghiệp tốt, ổn định khi trưởng thành”, cô Thuỷ bộc bạch.

Tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, sau 2 năm triển khai dạy học lồng ghép, tích hợp nội dung hướng nghiệp cho học sinh, cô Thủy nhận thấy nhận thức của giáo viên về định hướng nghề nghiệp có sự thay đổi. Thầy cô hiểu rõ mục tiêu bài dạy, hình thức và nội dung giáo dục phong phú hơn. Nhờ vậy, học sinh nói lên được suy nghĩ của mình và có ước mơ về nghề nghiệp để nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ.

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ tổ chức hoạt động ngoại khóa 22/12 nói chuyện về bộ đội cụ Hồ.

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ tổ chức hoạt động ngoại khóa 22/12 nói chuyện về bộ đội cụ Hồ.

Hướng nghiệp gắn với nghề tại địa phương

Với giáo viên các trường vùng khó, việc hướng nghề, hướng nghiệp là vô cùng cần thiết. Bởi điều này có thể giúp học sinh định hướng được tương lai của mình nếu không thể tiếp tục học vì hoàn cảnh khó khăn, hay học lực thấp. Hướng nghề, hướng nghiệp sẽ giúp các em chọn được ngành, nghề phù hợp để phát triển bản thân và thoát khỏi đói nghèo.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Liên - giáo viên Trường Tiểu học Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho hay, với học sinh tiểu học, giáo viên ưu tiên nhiều hơn việc dạy và giúp trẻ ghi nhớ tiếng phổ thông. Bởi các em nơi đây thường nhút nhát, chủ yếu tiếp xúc và trao đổi với gia đình, người thân bằng tiếng bản địa. Do đó để học sinh có thể nói, viết tiếng phổ thông thuần thục rất khó khăn.

“Khi tiếp cận Chương trình GDPT mới còn một số bỡ ngỡ với học sinh vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, qua một thời gian học tập, các em rất thích thú bởi sự lôi cuốn, hấp dẫn của nội dung giáo dục và cách thức tổ chức. Với chương trình này sẽ giúp các em phát huy năng lực, phẩm chất nhiều hơn.

Ví dụ, với môn Mỹ thuật, Âm nhạc, qua những lời khen, động viên của giáo viên, các em tích cực trau dồi và phát triển năng khiếu bản thân. Điều này, ít nhiều sẽ thuận lợi cho học sinh khi học THCS, THPT”, cô Liên chia sẻ.

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ giáo dục hướng nghiệp cho học sinh thông qua đóng tiểu phẩm ATGT.

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ giáo dục hướng nghiệp cho học sinh thông qua đóng tiểu phẩm ATGT.

Còn theo cô Trần Thị Thanh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đăk Rơ Wa (Kon Tum), thực hiện Chương trình GDPT 2018, học sinh lớp 6 được tiếp cận với bộ môn Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Việc dạy học theo chương trình do Bộ GD&ĐT biên soạn với nhiều chủ đề, khía cạnh khác nhau. Với học sinh cuối cấp THCS, đơn vị đã phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng tổ chức buổi nói chuyện hướng nghề, đồng thời cung cấp cho các em thông tin một số ngành nghề của địa phương cũng như xu hướng ngành nghề trong vài năm tới.

“Trong Chương trình mới, vấn đề hướng nghiệp thiên về hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống cho học sinh. Bộ môn này không gây áp lực về kiến thức nên học sinh rất hào hứng tham gia. Qua đó, giúp học sinh bước đầu định hướng được nghề nghiệp. Ngoài ra, vấn đề hướng nghề, hướng nghiệp xuyên suốt qua các năm học nên nhà trường sẽ từng bước nâng cao, định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh”, cô Thảo nói.

Cũng theo cô Thảo, mặc dù trường nằm ở khu vực thành phố nhưng đa số học sinh là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, học lực của các em không quá tốt nên việc hướng nghề, hướng nghiệp rất quan trọng. Chính vì vậy, nhà trường từng bước định hướng học sinh khá, giỏi theo con đường học tiếp còn những em trung bình, yếu cần chọn nghề phù hợp. Tuy nhiên, nhà trường ưu tiên gắn liền với nghề nghiệp tại địa phương để các em thấy gần gũi, dễ dàng lựa chọn.

“2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhà trường không tổ chức được hoạt động tập trung. Do đó, vào năm học mới trường sẽ tổ chức chương trình thực tế cho học sinh, như: Tìm hiểu các làng nghề, du lịch cộng đồng… Từ đó, học sinh hiểu đặc trưng ngành nghề, từng bước khám khá năng lực bản thân để có định hướng về nghề nghiệp trong tương lai”. - Cô Trần Thị Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đăk Rơ Wa (Kon Tum)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.