Nhiều thầy cô áp dụng vào quá trình thực tiễn dạy học, từ đổi mới phương pháp và giáo dục đến kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Không còn áp lực
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Tuyết Lan - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Hưng, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), thông qua hoạt động đổi mới kiểm tra đánh giá, học sinh cảm thấy nhẹ nhàng, không áp lực trong việc thực hiện các bài kiểm tra, nhất là áp lực điểm số. Đồng thời, giúp các em thể hiện được bản thân ở nhiều vai trò khác nhau. Ngoài ra, đổi mới đánh giá đòi hỏi mỗi giáo viên phải tích cực hơn trong việc đầu tư, soạn giảng để đáp ứng yêu cầu trong phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Giáo viên nhờ đó hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em nhiều hơn...
Tại Trường THPT Thuận Hưng, bộ môn Giáo dục công dân là “điểm sáng” trong việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Giờ kiểm tra, đánh giá thay vì hình thức cũ khiến thầy, trò đều… ngán nay được linh động tổ chức bằng nhiều cách.
Đặc biệt là “phiên tòa giả định” về lĩnh vực hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới, bạo lực gia đình, phòng chống ma túy, an toàn giao thông… đã trở nên quen thuộc với thầy trò. Hình thức này giúp phát triển năng lực tự học, sáng tạo của học sinh. Tạo điều kiện cho các em giao lưu, học hỏi và phát huy khả năng diễn xuất. Giáo viên và học sinh chủ động đánh giá, khuyến khích các em tự đánh giá và đánh giá chéo nhau.
Thực hiện Chương trình GDPT mới, đặc biệt là quy chế đánh giá, xếp loại học sinh được nhà trường, giáo viên tích cực triển khai. Đây là cơ sở quan trọng giúp giáo viên kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học. Tại các trường học ở TP Cần Thơ, nhiều môn học được đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số (thay vì chỉ bằng điểm số như trước). Học sinh được đánh giá nhiều lần, bằng hình thức khác nhau và có cơ hội để thể hiện bản thân.
Chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực HS
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), trong nhiệm vụ trong năm học, các trường phải đa dạng hoá hình thức đánh giá học sinh. Công tác đánh giá thường xuyên tại trường được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, khuyến khích các thầy cô giáo linh hoạt, chủ động trong việc đổi mới phương pháp đánh giá. Chú trọng phát triển phẩm chất năng lực, giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực, công bằng và khách quan…
Cùng với bộ môn khác, thầy cô giáo dạy Âm nhạc tại Trường THPT Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh. Thay vì tổ chức tiết kiểm tra căng thẳng, các em phải học bài thì giáo viên tổ chức kiểm tra bằng hình thức tổ chức Cuộc thi “The Voice Kids” tại lớp học…
Chia sẻ hình thức đánh giá, thầy Trương Vĩnh Khoa, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Học sinh sẽ đóng vai Ban Giám khảo và các thí sinh dự thi. Giáo viên là người hướng dẫn, giúp các em tự đánh giá và đánh giá chéo nhau. Chính vì vậy đã khuyến khích học sinh tích cực tham gia và tăng năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn”.
Giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Thuận Hưng, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã tổ chức hoạt động đánh giá học sinh bằng hình thức “Sân khấu hóa Văn học”. Theo đó, các lớp sẽ tổ chức diễn kịch, ngâm thơ, hóa trang theo các tác phẩm, nhân vật văn học trong và ngoài chương trình Ngữ văn THPT, bao gồm tác phẩm văn học dân gian, văn học trung đại và văn học hiện đại. Qua đó, giúp các em ôn tập kiến thức, nâng cao kỹ năng, chất lượng giảng dạy, phát huy tính tích cực, hứng thú học tập. Đồng thời, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa các thành viên trong Tổ Ngữ văn và học sinh nhà trường.
Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, trước đây việc đánh giá đều do giáo viên chủ động, đánh giá chỉ tập trung vào kiến thức, chú trọng điểm số… Nhưng ở phương pháp đánh giá mới, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, đánh giá toàn diện phẩm chất của học sinh. Chú trọng đến năng lực cá nhân, khuyến khích các em thể hiện cá tính và năng lực của mình.
Đồng thời, quan tâm đến phương pháp học tập và rèn luyện của các em, tập trung vào năng lực thực tế và sáng tạo. “Nhà trường, giáo viên cần tích cực thay đổi để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Trước đây chỉ tập trung kiểm tra viết, định kỳ, giờ đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh.