Giáo viên, nhà trường cũng như các nhà quản lý giáo dục đều ủng hộ việc đánh giá toàn diện, vì sự tiến bộ của học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có một số vướng mắc liên quan đến thao tác, kỹ thuật. Mong muốn của giáo viên là được hướng dẫn cụ thể để đạt mục tiêu đề ra.
Tăng cường đánh giá bằng lời
Dù mới kết thúc học kỳ đầu tiên, nhưng cô Lang Thị Ngọc, giáo viên Trường Tiểu học Đôn Phục (huyện Con Cuông, Nghệ An) không gặp nhiều khó khăn. “Thông tư 27 không có nhiều khác biệt so với Thông tư 22. Chỉ thay đổi đánh giá học sinh theo 4 mức độ sang 3. Nhưng trong từng mức độ lại có thêm các mục chi tiết. Điều này khiến giáo viên phải sát sao hơn với sự chuyển biến của từng học sinh.
Vì thế, tôi thường xuyên đánh giá bằng lời, khen hoặc nhắc nhở các con sau mỗi buổi học. Ngoài ra có trao đổi thêm với phụ huynh. Với học sinh lớp 1 ở trường vùng cao như Đôn Phục, hầu hết là người dân tộc thiểu số nên kỹ năng Tiếng Việt chậm hơn so với vùng thành thị, thuận lợi. Kết thúc học kỳ I, tôi chưa nhận xét bằng chữ vào sổ, nhưng từ học kỳ II sẽ áp dụng khi các con đã đọc viết thành thạo”, cô Ngọc cho biết.
Cô Trương Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường TH Lạng Khê, huyện Con Cuông cho biết: Nhà trường vừa hoàn thành kiểm tra định kỳ và sơ kết học kỳ I. Với các lớp 2 - 5, đánh giá học sinh kết hợp Thông tư 22 và 30, còn lớp 1 đánh giá theo Thông tư 27. Dù mới triển khai nhưng đội ngũ giáo viên lớp 1 của trường áp dụng nhanh, không gặp khó khăn. Tinh thần đánh giá vì sự tiến bộ của HS, nhà trường từng bước triển khai khi thí điểm mô hình VNEN và mới đây là thông tư 22.
“Với Thông tư 27, chúng tôi nhận thấy có sự đề cao đánh giá tiến trình, thái độ của học sinh trong cả giai đoạn học tập, ghi nhận sự chuyển biến của các em qua từng thời điểm. Chúng tôi khuyến khích giáo viên tăng cường nhận xét bằng lời với học sinh, qua đó tăng cường sự tương tác của cô và trò”, cô Trương Thị Xuân thông tin.
Theo ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học – Sở GD&ĐT Nghệ An, năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thay sách giáo khoa lớp 1, giáo viên và các trường tiểu học có nhiều ý kiến góp ý, kiến nghị, tập trung về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và triển khai chuyên môn dạy – học. Về đánh giá học sinh theo Thông tư 27 không gặp nhiều vướng mắc. Bởi đường hướng và tinh thần có kế thừa và phát triển từ Thông tư 22. Vì vậy, giáo viên đã quen với việc đánh giá học sinh theo quá trình, thành quả học tập của học sinh cả định tính kết hợp định lượng. Trên cơ sở vì sự tiến bộ của học sinh, công nhận và khích lệ tinh thần cố gắng vươn lên của các em trong học tập.
Cần hướng dẫn cụ thể
Thầy Trần Hoàng Thượng – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Đô Lương, Nghệ An) cho hay: Với đánh giá thường xuyên, giáo viên được linh hoạt hơn thông qua hình thức cho điểm, công nhận kết quả theo tiến trình học tập. Có thể bằng các bài kiểm tra “truyền thống” như kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm tra bài cũ...
Nhưng cũng có thể chấm điểm bằng sản phẩm thực hành, ý kiến phát biểu học sinh trong lớp... Giáo viên cũng có thể kiểm tra nhiều lần nhưng chỉ lấy 1 điểm cao nhất hoặc điểm số cuối cùng, để đánh giá thái độ học tập cũng như ghi nhận sự tiến bộ của các em. Kết thúc học kỳ, sẽ có phần kiểm tra định kỳ kết hợp với với điểm trung bình từ các bài kiểm tra thường xuyên để cho ra nhận xét, đánh giá học sinh một cách đầy đủ, toàn diện.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cũng cho rằng: Đánh giá học sinh là vấn đề quan trọng, đóng vai trò cốt lõi khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, giáo viên đang gặp vướng mắc khi thực hiện sổ theo dõi và đánh giá học sinh với phần nhận xét, ghi chép. Đặc thù của giáo viên trung học là dạy theo bộ môn. Một giáo viên dạy học nhiều lớp. Trong giáo viên bộ môn có số tiết/tuần ít như: Giáo dục Công dân, Sinh học, Lịch sử, Địa lý... sẽ phụ trách rất nhiều lớp. Đồng nghĩa với việc phụ trách hàng trăm học sinh. Như vậy, giáo viên sẽ rất vất vả để nhận xét bằng lời cho tất cả học sinh trong đánh giá thường xuyên lẫn định kỳ.
Nói về vấn đề này, thầy Thượng chia sẻ thêm: Thông tư 26 triển khai khi năm học 2020 – 2021 đã bắt đầu. Vì thế, sổ điểm vẫn đang là mẫu cũ, chưa đồng bộ với thông tư mới. Phần mềm quản lý đánh giá học sinh cũng chưa hoàn thiện và đồng bộ về công cụ đánh giá theo thông tư này. Vì vậy, giáo viên bộ môn gặp khó khăn về mặt kỹ thuật, thao tác. Chúng tôi mong muốn cấp trên có thêm hướng dẫn cụ thể để giáo viên có thời nghiên cứu áp dụng thông tư một cách hiệu quả.