LTS: Năm học 2020-2021 kết thúc trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương. Học sinh tạm dừng đến trường khi chưa kịp hoàn thành bài thi học kỳ II. Học trò cuối cấp bước vào giai đoạn ôn tập nước rút cho kỳ thi vào 10 và thi tốt nghiệp THPT.
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến", ngành GD các địa phương đã nhanh chóng thay đổi hình thức dạy học, hỗ trợ học sinh diện cách ly ôn tập, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Một số tỉnh/thành lùi thời gian thi vào 10. Nơi đẩy nhanh tiến độ kiểm tra cuối kỳ, kết thúc sớm năm học…
Năm học này lần đầu triển khai chương trình mới với lớp 1 cùng nhiều đổi mới trong kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả dạy, học trực tuyến là động lực để thầy trò cùng đổi mới, địa phương tập trung đầu tư, tạo tiền đề vững chắc cho năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo.
Bài 2: Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Cải thiện hiệu quả giáo dục
Sau thời gian triển khai, 2 thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học và trung học đã cho kết quả tích cực bước đầu. Kiểm tra, đánh giá được triển khai như một hoạt động học tập vì sự tiến bộ của học sinh.
Đánh giá toàn diện
“Cô giáo thường xuyên khen các bạn học tốt và nhắc nhở, hướng dẫn bạn làm chưa tốt. Con rất vui khi được cô và bạn khen sau khi hoàn thành một bài tập hoặc sản phẩm, từ đó con tự tin hơn và thích đi học, đến trường” - Hà Lê Trúc Anh, học sinh Trường Tiểu học Bán trú A Long Thạnh, Tân Châu, An Giang chia sẻ như vậy sau khi được hỏi về cách được kiểm tra, đánh giá ở trường.
Là HS lớp 1, Trúc Anh cho biết em có thể tự tin tự nhận xét bài làm của mình và của bạn đúng hay sai, hướng dẫn bạn sửa nếu bài làm chưa đúng, biết cách tự học và điều chỉnh cách học khi được cô giáo nhắc nhở…
Chia sẻ về quy định kiểm tra, đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT, cô Đặng Kim Loan, giáo viên Trường Tiểu học Bán trú A Long Thạnh nhận định: Việc bổ sung thêm các năng lực, phẩm chất ở Thông tư 27 giúp HS tự tin hơn trong học tập, giao tiếp. Cùng với đó, các em có thêm nhiều kĩ năng vận dụng trong thực tiễn cuộc sống. Để đánh giá HS, giáo viên sử dụng 2 hình thức đánh giá thường xuyên và định kì. Trong đó, việc đánh giá thường xuyên được sử dụng linh hoạt.
Đánh giá HS theo Thông tư 27 giúp giáo viên kịp thời điều chỉnh hình thức tổ chức, phương pháp dạy học phù hợp với từng HS, như: Quan sát, vấn đáp, đánh giá qua sản phẩm học tập; kiểm tra viết qua hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc tự luận kết hợp với trắc nghiệm. Đồng thời, chỉ ra cho HS chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa, viết lời nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của HS khi cần thiết…
“Theo Thông tư 27, giáo viên tăng cường nhận xét bằng lời nói trực tiếp nhiều hơn, giúp HS dễ hiểu, tiếp nhận được ngay trên lớp. Từ đó, hiệu quả giáo dục cao hơn, đặc biệt giáo viên có cái nhìn đa chiều và HS được đánh giá toàn diện hơn. Thông qua đánh giá, thầy cô kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên khích lệ, biết khó khăn, vướng mắc của HS để hướng dẫn giúp đỡ. Từ đó, có hoạt động giáo dục phù hợp hơn giúp HS đạt được yêu cầu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông mới” - cô Đặng Kim Loan cho hay.
Với đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực, cô Loan cho biết: Thông tư 27 yêu cầu giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá; căn cứ vào những biểu hiện về nhận thức, hành vi, thái độ của HS. Đồng thời, đối chiếu với yêu cầu cần đạt của từng phẩm chất, năng lực cốt lõi theo Chương trình GDPT cấp tiểu học để nhận xét và có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Từ đó, HS bổ sung và dần hoàn thiện hơn các năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu chương trình.
Hỗ trợ tích cực cho quá trình dạy học
Theo ông Nguyễn Tấn Tường, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, điểm chung của Thông tư 27 và 26 đều đánh giá vì sự tiến bộ của HS. Riêng Thông tư 26, một trong những điểm mới tích cực là tất cả môn học đều có đánh giá bằng nhận xét, thay vì chỉ nhận xét ở một số môn học như trước đây.
Với cách đánh giá này, HS được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có thêm cơ hội để thể hiện bản thân, năng lực và phẩm chất. Từ đó kết quả hoạt động kiểm tra, đánh giá sẽ sát với năng lực của HS.
Bên cạnh đó, Thông tư 26 cũng quy định hình thức kiểm tra qua thực hành, dự án, kiểm tra quá trình học tập... thuận tiện cho việc phát triển phẩm chất năng lực người học. Cùng với đó, tăng cường khen thưởng toàn diện hoặc theo lĩnh vực, góp phần khích lệ, động viên học trò học tập, rèn luyện, phát huy tối đa năng lực sở trường cá nhân…
Với giáo dục trung học, Thông tư 26 được thực hiện từ 11/10/2020. Nhận định của thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình, sự ra đời của Thông tư này giảm bớt áp lực cho cả thầy và trò nhà trường.
“Thông tư 26 ra đời thể hiện rõ quan điểm đổi mới về hoạt động kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. Hoạt động kiểm tra, đánh giá như một hoạt động học tập, vì hoạt động học tập và sự tiến bộ của trò” – thầy Nguyễn Tiến Dũng khẳng định và cho rằng: Trong quá trình triển khai Thông tư nhận được sự đồng thuận của đội ngũ những người làm công tác giáo dục.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên, Thông tư 26 đa dạng hình thức kiểm tra đánh giá, kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số với hầu hết môn học. Đổi mới kiểm tra, đánh giá giúp giáo viên linh hoạt, chủ động trong hình thức kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến. HS tích cực chủ động, sáng tạo trong học bài, làm bài, tránh học tủ, học thuộc…
Các hình thức kiểm tra mới còn tạo hành lang pháp lý để giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, tạo điều kiện cho HS tự học, tự nghiên cứu và hoạt động tổ nhóm linh hoạt trong và ngoài trường, ngay cả trong hoàn cảnh phải tạm dừng đến trường để phòng dịch. Việc đưa thêm môn Ngoại ngữ tham gia vào đánh giá chọn HS giỏi tạo động lực cho các em học tốt môn này.
“Thông tư 26 còn thể hiện quan điểm nhân văn qua quy định đánh giá với HS khuyết tật. Có thể thấy, sau một năm triển khai, HS của trường đạt được kết quả xứng đáng với nỗ lực học tập của mình. Nhiều em tiến bộ rõ rệt” – thầy Nguyễn Tiến Dũng nhận định.
Bài 1: Dạy và học thời đại dịch, biến nguy thành cơ