Ẩn chứa sâu xa trong những căn dặn của bậc tiền nhân khi xưa là đạo lý uống nước nhớ nguồn và tục thờ vật tổ còn lưu lại từ thời đại văn hóa Hùng Vương đến nay.
“Biếu” thêm vàng cũng không dám gắp
Trước số liệu do Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA) đưa ra hàng năm ở Việt Nam có khoảng 5 triệu chú chó bị mang ra làm thịt đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi bảo vệ loài động vật này. Vậy nhưng ở đâu đó như thịt cầy Nhật Tân, thịt chó Việt Trì, Nam Định “bảy món”… vẫn mọc lên ở khắp nơi.
Thậm chí, không ít tín đồ của món mộc tồn này trong men say rượu nồng đã “mạnh tay” nâng gu ẩm thực với hương vị đậm đà lá mơ lông, vị cay của riềng quyện với bát mắm tôm chanh là món quốc hồn quốc túy!
Thế nên thông tin về một dòng họ ở xứ Mường Thanh Sơn, Phú Thọ bao đời nay nói không với món mộc tồn đã khiến tôi không khỏi tò mò và quyết tâm cất bước đi tìm hiểu sự thật thú vị này. Vượt một quãng đường xa bụi bặm, đèo dốc gập tay uốn lượn quanh các đồi chè, rừng cọ sau gần 4 tiếng rời Hà Nội, cuối cùng tôi đã có mặt ở xóm Gằn, xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Đến đây, khi hỏi đến chuyện không ăn thịt chó, người dân chỉ ngay vào nhà ông Đinh Công Dự, Trưởng họ Đinh Công. Đó là 1 căn nhà gỗ 5 gian lợp ngói khang trang. Khoảng sân nhỏ nhưng có tới 3, 4 chú chó chơi đùa, con nằm sưởi nắng, con sủa to đón khách. Ông Dự trong bộ quần áo truyền thống của người Mường mời khách phương xa vào nhà uống nước.
Giữa gian nhà gỗ 5 gian, bên bàn thờ thơm ngát mùi khói hương trầm, vị Trưởng họ Đinh Công khẳng định chắc nịch về chuyện không ăn thịt chó của dòng họ mình. “Trước khi mất, bố tôi dặn đi dặn lại điều cấm kỵ: Dù thế nào cũng không được ăn thịt chó. Bản thân tôi và tất cả con cháu trong nhà đều thực hiện nghiêm ngặt điều này. Đó là thứ phải kiêng đặc biệt. Tuyệt đối không được ăn”.
Chuyện kiêng thịt chó không phải là chuyện nói cho vui mà đã trở thành một thứ tục lệ bất thành văn của họ Đinh Công ở xứ Mường này. Bởi theo lời ông trưởng họ Đinh Công Dự thì đã có một số người trong họ vì trái lời thề, lỡ phạm phải điều răn truyền đời của bậc tiên tổ mà đã gặp phải những điều không may mắn!?
Sau khi nghe vị Trưởng họ Đinh Công kể về những lời răn dạy con cháu trong dòng họ, cùng những câu chuyện mang tính kỳ bí khó lý giải, tôi liền hỏi ông Dự: Chuyện kiêng không ăn món mộc tồn ở trong nhà đã đành, nhưng khi ra ngoài, đi ăn cỗ chắc cũng vì nó mà gặp không ít rắc rối? Ông Dự tiếp lời: “Cả xã này ai cũng biết chuyện dòng họ tôi không ăn thịt chó. Thế nên, nếu có mời tôi đi ăn cỗ thì gia đình cũng chuẩn bị riêng một món để tôi ăn khi thì đĩa trứng, khi thì đĩa thịt gà. Đám nào lỡ quên thì tôi ngồi uống rượu suông chứ nhất quyết không động đũa”.
Thờ cúng mộ khuyển
Không chỉ kiêng tuyệt đối, bao đời nói không với món thịt chó, mà họ Đinh Công ở xứ Mường Thanh Sơn còn dành sự tôn kính đặc biệt cho con vật này. Chỉ lên bức ảnh nằm chính giữa bàn thờ tổ tiên, ông Dự cho biết đó chính là mộ của Mẫu khuyển.
Theo tương truyền của dòng họ thì đó là mộ của một con chó. Và toàn thể dòng họ Đinh Công vẫn luôn nhắc nhở nhau: “Đừng có ai dại gì động đến mộ Mẫu khuyển vì sẽ gặp phải quả báo, bị tổ tiên trừng trị”. Trước đây, ngôi mộ này chỉ là một mô đất nhô cao lên chứ không có gì đặc biệt.
Đến năm 2001, dòng họ Đinh Công đã họp và phân công mỗi hộ đóng góp, chung sức để xây ngôi mộ tổ to đẹp. Trong quá trình xây dựng, mọi người chỉ xây quách bao quanh nấm và tôn cao lên chứ không ai dám khai quật để xem bên dưới có thực sự tồn tại hài cốt của Mẫu khuyển hay không. Cho đến bây giờ, nơi đây vẫn được coi là một ngôi mộ thiêng được người dân địa phương tôn kính.
Ngoài việc thờ chó, các gia đình trong họ Đinh Công cũng chỉ được phép nuôi chó chứ không bao giờ được đem bán chó lấy tiền. Tất nhiên cũng không bao giờ được giết thịt. Khi chó nuôi vì bệnh tật hay già yếu chết thì phải chôn cất đàng hoàng. “Ngày xưa các cụ còn phải đội mũ, chống gậy, đưa ma chó như làm đám ma cho một con người. Dù bây giờ không làm như vậy nữa nhưng cũng phải chôn tử tế”, ông Dự cho hay.
Theo lời ông trưởng họ thì việc họ Đinh Công tôn thờ Mẫu khuyển cũng có lý do, căn nguyên của nó. Ông Dự lý giải: nguyên nhân là do ngày xưa có một con chó mẹ đã có công lao rất lớn với dòng họ Đinh Công.
Chuyện kể rằng, khi vua Hùng thứ 18 kén rể cho công chúa Mỵ Nương, lúc Sơn Tinh và Thủy Tinh giao chiến với nhau, nước lụt dâng cao ngập hết nhà cửa, ruộng đồng, bờ bãi thì có một chú bé họ Đinh Công đã may mắn sống sót rồi được một con chó mẹ cứu và nuôi lớn.
Một truyền ngôn khác lại kể rằng: Thời xa xưa lắm rồi, khi quân giặc tràn đến tàn phá xóm làng, chúng giết sạch, phá sạch không chừa một thứ gì. Trong lúc loạn lạc, có một chú bé 3 tháng tuổi họ Đinh Công bị rớt xuống khỏi sàn nhà sàn nên may mắn sống sót. Khi đó có một chó mẹ cũng đang cho con bú ở cạnh đó. Chú bé được chó mẹ cho bú sữa rồi dần dần lớn lên. “Mẫu khuyển đã có công với dòng tộc chúng tôi. Nhờ có Mẫu khuyển mà dòng tộc chúng tôi mới được con đàn cháu đống như hôm nay. Chính vì vậy, việc thờ Mẫu khuyển cũng là thờ người đã nuôi dưỡng mình”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Nhàn, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, một người đã dành gần như cả đời để nghiên cứu về văn hóa xứ Mường Thanh Sơn cho rằng: “Thờ vật tổ chính là dấu vết còn lại từ thời đại văn hóa Hùng Vương. Ở Phú Thọ ngày nay, tục thờ vật tổ vẫn còn để lại dấu ấn khá đậm nét ở người Mường. Không họ nào của người Mường không thờ vật tổ. Họ Hà ở xã Xuân Đài, huyện Thanh Sơn thờ con cuốc, họ Phùng thờ con mèo. Ở xã Kim Thượng có họ Phùng thờ con hổ và con cáo, họ Đinh thờ con kỳ đà, họ Hoàng thờ con sáo. Họ Đinh ở Tất Thắng thờ con hổ. Hay như họ Đinh Công ở làng Tân Lập lại thờ con rình (rắn cổ đỏ) và chim hoa chuối…”.
Ông Nhàn cũng cho biết: “Khi đã thờ con vật nào thì người ta không đánh bắt, không mổ thịt chúng. Vì coi chúng là tổ tiên nên khi chúng chết, được người ta chôn cất tử tế. Con người thờ vật tổ để bày tỏ sự cầu mong che chở phù hộ, đó là tổ chung của cộng đồng. Dần dần, người ta nhận thức ra mình là do cha mẹ sinh ra. Do ý thức cha, mẹ sinh thành mà người ta tỏ sự biết ơn với tổ tiên. Tục thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ của người Việt vì thế mà xuất hiện. Càng thờ cúng, càng tự nhủ mình phải sống tốt hơn. “Uống nước nhớ nguồn” vì vậy mới là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta”.