Điều này cho thấy, CNTT và chuyển đổi số là chìa khóa giúp thế giới đứng vững trước đại dịch. Trường học, người học và doanh nghiệp bắt nhịp thế nào với cuộc chuyển đổi này?
Nóng chuyển đổi số
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang diễn ra cuộc cách mạng chuyển đổi số để thích ứng với thay đổi của thời cuộc. Tuy nhiên, xu hướng chuyển đổi nhân sự lại ít được nhắc tới dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT. Đây là thách thức lớn để hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số thành công.
Bên cạnh đó, năm 2020 chứng kiến làn sóng dịch chuyển nghề nghiệp sang CNTT mạnh mẽ hơn bao giờ hết. CNTT trở thành ngành nghề nóng nhất mùa tuyển sinh vừa qua với số lượng thí sinh đông đảo và điểm chuẩn cao dẫn đầu trong các khối ngành kỹ thuật, điển hình điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đạt mức 29,04 – cao nhất trong các ngành.
Theo ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Aptech, số liệu thống kê được Hệ thống Đào tạo Lập trình viên quốc tế Aptech (một trong những đơn vị đào tạo CNTT có tiếng tại Việt Nam), năm 2020 ghi nhận hàng loạt sinh viên và người làm việc ở các ngành nghề khác chuyển sang lĩnh vực CNTT để tìm kiếm việc làm.
Cũng theo số liệu của Aptech, số lượng sinh viên, người đi làm muốn chuyển nghề, đăng ký học CNTT tăng gần 200%, trong đó có cả giám đốc, nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp. Đây là dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên còn tồn tại những thực trạng: Không ít thí sinh mong muốn theo đuổi ngành CNTT nhưng không đủ điểm. Sinh viên, người đi làm ở các lĩnh vực khác muốn chuyển nghề sang CNTT nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Trả lời câu hỏi nhân lực đáp ứng chuyển đổi số, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, cho biết: Chúng tôi sớm đặt vấn đề đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0, trong đó có đào tạo nhân lực đáp ứng cho chuyển đổi số. Để thực hiện, trường luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu.
Chính vì thế, trong những năm gần đây, trường chú trọng phát triển một số ngành khoa học ứng dụng và chương trình đào tạo định hướng ứng dụng. Nhà trường đề cao việc trang bị thêm cho sinh viên ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Sinh viên cũng được làm quen và cọ xát với môi trường làm việc bằng việc thực tập ở các cơ quan, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng và mời làm việc chính thức ngay khi sinh viên ra trường.
Cần chuyển biến tích cực
Từ thực tế ở khoa, PGS.TS Phó Đức Tài, Trưởng khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng: Cần có sự thích ứng tích cực từ cả cơ sở đào tạo và người học mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Năm học 2020 - 2021, Khoa Toán – Cơ – Tin học có hơn 1.000 sinh viên các ngành Toán học, Toán Tin, Máy tính và Khoa học thông tin, Khoa học dữ liệu. Về phía khoa, chúng tôi đã chú trọng hợp tác với doanh nghiệp.
Thông qua phản hồi từ doanh nghiệp, khoa hiệu chỉnh nội dung giảng dạy để chất lượng sinh viên đầu ra ngày càng tốt và phù hợp với yêu cầu thực tế của thị trường lao động. Khoa còn mời các chuyên gia từ cơ quan, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước tham gia đào tạo cho sinh viên. Tín hiệu tích cực được phản ánh thông qua con số 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp; một số sinh viên thậm chí có việc làm đúng chuyên ngành đem lại thu nhập tốt từ khi chưa tốt nghiệp.
Ông Đoàn Thanh Tám, Phó Trưởng ban Quản trị dữ liệu, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel nêu quan điểm: Phân tích dữ liệu lớn là quá trình xử lý các tập dữ liệu với nhiều định dạng khác nhau để phát hiện ra các xu hướng, mẫu ẩn, mối tương quan chưa xác định để giúp tổ chức/doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn.
Từ việc phân tích dữ liệu, doanh nghiệp có thể dự đoán khách hàng cần gì, muốn gì. Phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp giảm chi phí, ra quyết định nhanh và chính xác hơn. Đặc biệt, bằng việc sử dụng dữ liệu về hành vi, sở thích, mong muốn của khách hàng, phân tích dữ liệu lớn giúp các doanh nghiệp, tổ chức đưa ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp với khách hàng hơn. Chính vì vậy, nhu cầu thực tế về nhân lực phân tích dữ liệu lớn rất cao.
Chuyển đổi số đang đòi hỏi cả doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phải có những chuyển biến tích cực. Nhiều chuyên gia cho rằng, cho dù đã có sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường nhiều hơn trước nhưng cần phải tích cực hơn nữa.
Doanh nghiệp cần nguồn nhân lực, trong khi sinh viên từ năm thứ 3, 4 đã có thể tham gia một số công việc trong dự án thực tế. Tuyển dụng những sinh viên này sau khi tốt nghiệp, các doanh nghiệp sẽ không mất thời gian và chi phí đào tạo, bởi các em có giai đoạn thực tập, làm việc thực tế tại chính đơn vị đó.