Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Một trong 4 người giỏi thơ, phú nhất nước Nam

GD&TĐ - Trong khi người cha là cụ Nguyễn Công Hoàn được tôn vinh là người đứng thứ 3 trong “Tứ Hổ Tràng An ” thì người con trưởng là ông Nguyễn Bá Lân cũng được người đương thời tôn vinh là một trong “An Nam Tứ Đại Tài ” nghĩa là 4 người giỏi thơ - phú nhất nước Nam. Đây cũng là một trong những cặp cha con nổi danh lịch sử Việt Nam.

Đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.
Đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.

Cha dạy con thành tài

Ông Nguyễn Bá Lân sinh giờ Mậu Tuất, ngày 27 tháng giêng niên hiệu Chính Hòa thứ 21, năm Canh Thìn (1700). Giữa tháng sinh ra ông, thân phụ ông là cụ Nguyễn Công Hoàn phải đi thi ở nơi xa nhà. Mỗi khi thân phụ ban đêm châm đèn đọc sách thì không thấy hoa đèn nở, cụ bèn bực mình tắt đèn đi ngủ.

Đến khi thân mẫu châm đèn thì thấy hoa đèn nở to khác thường, đêm nào cũng như vậy. Trước đêm sinh ra ông Nguyễn Bá Lân, có người ở xã Cổ Pháp (nay là thôn Tân Phong, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội) tên là Trai Cử thấy một ngôi sao rơi vào xã, biết là điềm quý, bèn lưu tâm chiêm nghiệm.

Làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội) nơi đặt đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.

Làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội) nơi đặt đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.

Về sau, ông Nguyễn Bá Lân làm quan đến tận 55 tuổi vẫn chưa quá lục phẩm, lại về chịu tang thân mẫu. Ông mở trường dạy học các học trò ở làng Cổ Pháp (nay là xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội) nhiều người tới học. Bấy giờ cụ Trai Cử tuổi đã già mới đem chuyện ấy nói lại và dặn họ xem kết cục công danh của ông Nguyễn Bá Lân thế nào?

Theo tài liệu của dòng họ Nguyễn thủy tổ ghi lại rằng, Nguyễn Bá Lân là con đầu lòng, sau đó được bà nội quý mến, chăm sóc. Thỉnh thoảng, Nguyễn Bá Lân lại được dẫn tới Kinh Sư cho học với ông chú của cha là cụ Nguyễn Đăng Đường lúc đó đang làm chức Thiêm sự chi binh phiên. Lên 7 - 8 tuổi, Nguyễn Bá Lân mới đọc xong sách “Tống Luân”.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5, năm Kỷ Sửu (1709) gặp việc Quốc tang (Chúa Trịnh Căn) mất. Kỳ thi Hội hoãn lại, thân phụ Nguyễn Bá Lân là cụ Nguyễn Công Hoàn đi giao lưu thơ - phú bốn phương. Bà nội lại đem Nguyễn Bá Lân về quê cho học với chú và cậu. Liền một năm đó, Nguyễn Bá Lân đọc hết bộ sử đầu tiên đến quyển “Chu Uy Vương”. Năm ấy cụ Nguyễn Công Hoàn mới về dạy bảo Nguyễn Bá Lân.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6, năm Canh Dần (1710), cụ Nguyễn Công Hoàn đi về kinh ứng thi Hội, đề thi khi đó là đề thơ “Vương giả vô tư”. Đề phú là “Thống kỷ nhất pháp độ minh”, 11 tuổi, Nguyễn Bá Lân cũng được đi theo, đọc đến sách “Thiên Hán Cao Tổ”.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8, năm Nhâm Thìn (1712), Nguyễn Bá Lân đọc đến sử “Thiên Hiếu Huệ Đế”, cụ Nguyễn Công Hoàn đi thi Hội bị rớt. Nguyễn Bá Lân khi đó học qua 4 tháng làm đoạn văn sách còn chưa thông.

Từ thủa nhỏ, Nguyễn Bá Lân đã được người cha tài danh dạy dỗ. Ảnh minh họa.

Từ thủa nhỏ, Nguyễn Bá Lân đã được người cha tài danh dạy dỗ. Ảnh minh họa.

Tháng 4 có người ở Khê Thượng là cụ Sở Cao, đón cụ Nguyễn Công Hoàn về dạy con cháu trong nhà. Cụ Nguyễn Công Hoàn khi đó ra đề cho các học trò rằng: “Thời chiến quốc tình thế nước Tần thôn tính các nước đã rõ”. Mạnh Tử thì nói “nhân nghĩa” Tô Tần thì nói “hợp tung” làm người cai trị 6 nước kia, nên theo cách gì để giải quyết?” Bấy giờ, Nguyễn Bá Lân lấy ra để xem qua, trong lòng mới bừng tỉnh như được gợi ý cởi mở, sau khi suy nghĩ câu tứ lời văn thông sướng, từ đó lực học ngày càng tiến bộ .

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9, năm Quý Tỵ (1713), Nguyễn Bá Lân đọc đến sách Hán quang vũ, sức học hơi có tiến bộ. Khi ấy, bà nội mất, thân phụ đi xuống trấn Sơn Nam. Bấy giờ không có chỗ nào theo học, nhưng trí không sờn, Nguyễn Bá Lân mượn sách “Tiểu đương thư” tự chép, tự học.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh 10, năm Giáp Ngọ (1714), các sĩ tử ở huyện Đông Quan tới mời cụ Nguyễn Công Hoàn tới dạy. Cụ Hoàn lập tức cho Nguyễn Bá Lân cùng đi đến xã Từ Phần (huyện Đông Quan) cùng học sinh luyện tập.

Đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.

Đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.

Về sau, Nguyễn Bá Lân làm được hơn 10 quyển văn sách. Văn từ đã thoát khỏi giọng trẻ con. Nguyễn Bá Lân luyện làm văn, vừa học mới đến “Kỷ đường tông”. Giữa tháng 6, các học sinh đã ứng khảo ở huyện, ở phủ, cụ Nguyễn Công Hoàn bảo Bá Lân đi thuyền về quê để mình về kinh sư ứng điểm. “Năm ấy học trò khá về văn chương của xã là cụ Nguyễn Công Túc, thi đỗ Giải Nguyên trở về, thân phụ bảo ta đến cùng tập làm văn cùng ông ấy. Thân phụ biết có thể dạy ta được rồi, bấy giờ mới gắng sức dạy ta”, tài liệu của dòng họ do chính Nguyễn Bá Lân ghi lại.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11, năm Ất Mùi (1715), Nguyễn Bá Lân đọc “Từ đại đường tông” trở về sau. Cuối năm mới đọc hết giai đoạn “Hậu Tống - Nguyên Minh”; năm Bính Thân (1716), Nguyễn Bá Lân đọc hết sách “Tứ Thư - Thiên Lập” chính sách “Thượng thư”.

Giai thoại kể lại rằng, cụ Nguyễn Công Hoàn là một con người tài hoa song con đường thi cử không không được hanh thông. Không thể đem tài giành phần thắng ở khoa trường được, cụ tức chí về nhà. Biết con trai là Nguyễn Bá Lân có trí thông minh hơn người nên cụ quyết tâm dạy con thành đạt.

Cụ Hoàn dạy con rất nghiêm khắc. Bộ sách Kể chuyện Danh nhân Việt Nam có ghi rằng, cụ thường xuyên so tài với con trai, lấy chính mình ra làm động lực và thách thức để con phải nỗ lực vượt qua. Bài phú “Dịch đình dương xa phú” (bài phú vua cưỡi xe dê đến các phòng cung nữ) của Bá Lân gắn liền với câu chuyện hai cha con đi đò qua sông Hồng.

Mộ và đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Mộ và đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Trong khi đang hướng tới Cổ Đô – nơi nổi tiếng về nghề dệt lụa, nhìn sang bên kia sông thấy có đàn dê đang nhởn nhơ, cụ Hoàn ra đề bài phú là “Dịch đình dương xa phú”. Nếu sang bờ bên kia, ai làm xong trước thì sẽ xô người còn lại xuống sông. Cụ Hoàn còn dặn thêm: “Cha không trách con đâu”. Biết tính nghiêm khắc của cha, Bá Lân cũng nhẩm trong đầu xong bài phú nhưng khi sang tới nơi, cậu lại không dám đọc vì sợ phải xô cha xuống sông.

Cụ Hoàn thấy con không nói năng gì, tưởng con trai chưa làm xong nhưng thật không ngờ con đã làm bài xong trước cả mình. Nguyễn Bá Lân không dám đẩy cha xuống sông, thế là cụ Hoàn bèn tự nhảy xuống sông như đã giao hẹn với con trai từ trước. Bài phú đó sau này nổi tiếng, được người đời truyền tụng là “Bài phú hoàn thành trên một chuyến đò ngang”.

30 tuổi đỗ Tiến sĩ

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13, năm Đinh Dậu (1717), ông Nguyễn Bá Lân đọc tiếp “Thiên Lập” chính sách “Thượng Thư”. Đến tháng 6 thì khảo dự thi ở huyện, ông mới đọc hết “Tiểu Nhã và Đại Nhã”. Trong kỳ thi huyện khảo 3 kỳ, ông Nguyễn Bá Lân đỗ đầu. Đến khi khảo “sảo Thông”, ông bị quan hiến sứ lầm nghe lời gièm pha mà đánh tụt xuống thứ 11.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14, năm Mậu Tuất (1718) thi mùa xuân, ông Nguyễn Bá Lân trúng Tam trường. Khi đi thi về, ông bị bệnh sốt rét, đến tháng 9 mới đỡ ta liền đọc“tụng” trong kinh thư. Tiếp đó là đọc “Xuân thu - Chu dịch - Lễ ký” rồi đọc rộng ra tới sách “Tinh lý - Đề cương - Tứ đạo”. Lúc bấy giờ thấy học nghiệp hơi thành, lại có thể truyền thụ cho học trò.

Sĩ tử lên kinh dự thi thời phong kiến. Ảnh tư liệu

Sĩ tử lên kinh dự thi thời phong kiến. Ảnh tư liệu

Niên hiệu Bảo Thái thứ 1, năm Canh Tý (1720), Nguyễn Bá Lân tập làm văn theo trường Quốc Tử Giám. Qua 6 khoa xếp thứ 9 trở lên cũng có danh tiếng. Niên hiệu Bảo Thái thứ 2, năm Tân Sửu (1721) đến năm Giáp Thìn (1724), Nguyễn Bá Lân thi đều bị rớt kỳ thứ 2, chí đọc sách cũng giảm sút, chỉ chuyên việc giảng tập cho học trò. Mỗi khi có đầu đề phát ra bèn tự làm bài, bấy giờ thỉnh thoảng có bài làm cùng với học trò mà đưa lên quan khảo duyệt ai cũng biết đến. Sau ông Nguyễn Bá Lân bị bệnh nặng qua 5 - 6 tháng mới đỡ.

Niên hiệu Bảo Thái thứ 6, năm Ất Tỵ (1725), qua một kỳ tiễu tập, một kỳ đại tập, Bá Lân đều đỗ đầu Bộ Lại được bổ làm huấn đạo phủ Lâm Thao. Niên hiệu Bảo Thái thứ 7, năm Bính Ngọ (1726), sau khi khảo hạch học trò xong, Bá Lân đi làm nhiệm vụ ở trường thi Đông Sàng (nay ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây).

Niên hiệu Bảo Thái thứ 8, năm Đinh Mùi (1727), khoa thi Hội ở kỳ thứ 3, ông Nguyễn Bá lân dự trúng tuyển văn sách được khảo quan khuyên đỏ (khen ngợi) tới hơn 100 chỗ và xếp lên thứ nhất. Về thơ: “Kỳ lân phượng hoàng” và phú: “Ngũ tinh tự khuê” đã nêu lên bảng đầu, nhưng lại bị bỏ sót một vài chữ ở đầu đề. Khảo lập kế định xin xét lại xem các khoa trước có ai bị sót ở chữ đầu đề mà vẫn trúng tuyển (để viện tiền lệ đó mà xin cho Nguyễn Bá Lân đỗ vì bài văn hay quá) nhưng không có ai như thế cả, vì vậy nên ông Nguyễn Bá Lân không trúng tuyển. Thế nhưng bài văn ấy thiên hạ ai cũng chuyền tay nhau chép. Từ đó lòng hăm hở về học nghiệp của cụ bị nguội lạnh.

Cao niên trong dòng họ Nguyễn thủy tổ kể lại câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.

Cao niên trong dòng họ Nguyễn thủy tổ kể lại câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.

Niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 1, năm Kỷ Dậu (1729), ông Nguyễn Bá Lân thi đỗ nhận chức Huấn đạo đi làm việc. Bấy giờ quan giám thí là cụ Trần Ân Chiêm, vốn là bạn của cụ Nguyễn Công Hoàn mới thấy Nguyễn Bá Lân có chút học thức. Nhân đó tập hợp những người ứng điểm đã có danh vọng, để cho làm văn, rồi cụ Trần Ân Chiêm chỉ lấy quyển văn của Nguyễn Bá Lân là hạng ưu, ngoài ra không đếm xỉa đến văn của ai cả.

Niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3, năm Tân Hợi (1731), mùa đông mở khoa thi Hội, ông Nguyễn Bá Lân thi được đỗ đứng đầu, ở kỳ thi thứ 2. Kỳ thi thứ 4, Nguyễn Bá Lân trúng Hội Nguyên (đỗ đầu thi Hội). Kỳ thi Đình cụ (đỗ đầu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân)

Niên hiệu Long Đức, năm Nhâm Tý(1732) tháng 4, Nguyễn Bá Lân vinh quy nhận chức. Uy Nam Vương chúa Trịnh Giang bổ dụng nhận chức Tư Huấn. Nguyễn Bá Lân sau đó bước vào hoạt động quan trường đến hết cuộc đời. Trong thời gian hơn 50 năm làm quan, Bá Lân đã có tới 17 lần được thăng chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ