Chuyện chưa kể về cha con Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Cách dạy con của danh sĩ

GD&TĐ - Tài năng xuất chúng nhưng lận đận chuyện thi cử, cụ Nguyễn Công Hoàn quyết tâm đem tri thức của mình để đào tạo người con. Cái sự dạy con nghiêm khắc và cầu toàn của cụ đã giúp nước nhà có một vị quan tài giỏi.

Cụ Nguyễn Công Hoàn được truyền tụng là một người rất nghiêm khắc trong cách dạy dỗ con cái. Ảnh: Thầy đồ dạy học thời phong kiến.
Cụ Nguyễn Công Hoàn được truyền tụng là một người rất nghiêm khắc trong cách dạy dỗ con cái. Ảnh: Thầy đồ dạy học thời phong kiến.

Nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con

Cụ Nguyễn Công Hoàn vốn giỏi về văn chương, thơ phú, được người đương thời tôn vinh một trong “Tứ hổ Tràng An” (4 người giỏi nhất văn chương lúc bấy giờ - nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn). Văn chương chữ nghĩa đối đáp thì chẳng ai chịu nhường ai. Song con đường thi cử của cụ không thể đem tài tử của mình mà giành phần thắng ở khoa trường được.

Theo sách Đăng khoa lục sưu giảng (của Thượng thư Trần Tiến, triều Lê Hiển Tông); Tang thương ngẫu Lục (của danh sĩ Phạm Đình Hổ, triều Nguyễn) đã ghi nhiều giai thoại thú vị xung quanh chuyện học hành của 2 cha con cụ Nguyễn Công Hoàn. Những giai thoại này được truyền tụng trong dân gian xứ Đoài mà vẫn được người nghe kể lại.

Cụ Nguyễn Công Hoàn được truyền tụng là một người rất nghiêm khắc trong cách dạy dỗ con cái. Ảnh: Thầy đồ dạy học thời phong kiến.

Cụ Nguyễn Công Hoàn được truyền tụng là một người rất nghiêm khắc trong cách dạy dỗ con cái. Ảnh: Thầy đồ dạy học thời phong kiến.

Giai thoại kể lại rằng, cụ Nguyễn Công Hoàn, văn chương, chữ nghĩa, đối đáp thì chẳng kém cạnh ai song con đường thi cử của ông không không được hanh thông. Không thể đem tài của mình mà giành phần thắng ở khoa trường được, cụ tức chí về nhà. Biết con trai là Nguyễn Bá Lân có trí thông minh hơn người nên cụ quyết tâm dạy con thành đạt.

Sau này, Bá Lân đỗ đạt cao, một đời làm quan thanh liêm, đến khi khuất núi được triều đình phong làm Thành hoàng Ngũ xã. Theo tục lệ xưa, mọi chức tước của cụ Hoàn đều là do có con trai làm chức cao mà được phong tặng. Đó cũng chính là sự đền đáp xứng đáng cho tâm huyết cả đời của một người cha.

Cụ Hoàn dạy con rất nghiêm khắc. Bộ sách Kể chuyện Danh nhân Việt Nam có ghi rằng, cụ thường xuyên so tài với con trai, lấy chính mình ra làm động lực và thách thức để con phải nỗ lực vượt qua. Bài phú “Dịch đình dương xa phú” (bài phú vua cưỡi xe dê đến các phòng cung nữ) của Bá Lân gắn liền với câu chuyện hai cha con đi đò qua sông Hồng.

Trong khi đang hướng tới Cổ Đô – nơi nổi tiếng về nghề dệt lụa, nhìn sang bên kia sông thấy có đàn dê đang nhởn nhơ, cụ Hoàn ra đề bài phú là “Dịch đình dương xa phú”. Nếu sang bờ bên kia, ai làm xong trước thì sẽ xô người còn lại xuống sông. Cụ Hoàn còn dặn thêm: “Cha không trách con đâu”. Biết tính nghiêm khắc của cha, Bá Lân cũng nhẩm trong đầu xong bài phú nhưng khi sang tới nơi, cậu lại không dám đọc vì sợ phải xô cha xuống sông.

Ông Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ về nhiều giai thoại liên quan đến cụ Nguyễn Công Hoàn.

Ông Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ về nhiều giai thoại liên quan đến cụ Nguyễn Công Hoàn.

Cụ Hoàn thấy con không nói năng gì, tưởng con trai chưa làm xong nhưng thật không ngờ con đã làm bài xong trước cả mình. Nguyễn Bá Lân không dám đẩy cha xuống sông, thế là cụ Hoàn bèn tự nhảy xuống sông như đã giao hẹn với con trai từ trước. Bài phú đó sau này nổi tiếng, được người đời truyền tụng là “Bài phú hoàn thành trên một chuyến đò ngang”.

Một lần khác, hai cha con cùng nhau thi học kinh sử, cụ Hoàn đặt cây roi mây bên cạnh và bảo với con rằng ai ngủ gục thì sẽ bị đánh. Đêm khuya thanh vắng, hai mắt Bá Lân đã nặng trĩu nhưng cậu vẫn không dám chợp mắt, nhìn sang bên cạnh thì thấy cha đã úp mặt vào sách ngủ ngon lành. Bá Lân không dám cầm roi đánh cha mà chỉ khẽ lay cha dậy. Cụ Hoàn giật mình tỉnh giấc liền quát: “Ô hay! Sao mày không đánh cho bố dậy ngay?”. Thế là hai cha con tỉnh ngủ ngồi học cùng nhau cho tới sáng.

Có lần hai cha con thi làm văn, cụ Hoàn bảo: “Bố làm hơn thì bố ăn cơm, mày nhịn. Mày làm hơn thì bố nhịn, mày ăn” (Theo Kể chuyện Danh nhân Việt Nam – Các nhà chính trị của Lê Minh Quốc). Và vẫn như mọi lần, con trai làm nhanh và hay hơn nên cụ Hoàn cương quyết nhịn ăn để nhường suất cơm đó cho con. Hiểu rằng con người sống có nghĩa hay không là ở việc có thể giúp ích gì cho đời, qua đó lưu danh nhắc nhở thế hệ sau nên cụ Hoàn rất nghiêm khắc trong việc dạy con trai.

Có lần cụ đưa con lên một cái chòi rồi bỏ chiếc thang đi. Cụ dặn rằng bao giờ con học xong thì cha mới cho con xuống. Bá Lân vốn tinh nghịch, một hôm trước khi lên chòi liền lén mang theo khúc cây chuối. Giữa đêm cả nhà bỗng nghe một tiếng “rầm”. Mọi người hoảng hốt chạy ra, nhưng khi đến nơi chỉ thấy cây chuối, còn cậu con trai vẫn ung dung ngồi học bài ở phía trên.

Hệ phả dòng họ Nguyễn hiệu Phúc tướng

Hệ phả dòng họ Nguyễn hiệu Phúc tướng

Sáng hôm sau cụ Hoàn sai người nhà mang gói chè lam lên chòi cho con. Bên ngoài gói chè ghi hai chữ “trà lam”, đọc lái là “làm cha”, ý nói đạo làm cha thì phải thế, con chớ mang lòng oán trách. Hiểu ý của cha, tuy bụng đói song Bá Lân ăn một ít còn nhờ người nhà đưa lại cho cha. Bá Lân viết lại hai chữ “còn lam”, đọc lái là “làm con”, ý nói đạo làm con phải tuân theo sự dạy dỗ của cha mẹ, không dám oán trách gì.

Từ đó cụ Nguyễn Công Hoàn cùng con ngày đêm đèn sách không bỏ sót ngày nào, suốt mấy năm liền. Nhờ vậy đến khoa thi Hội, Bá Lân đỗ đầu, tiếp đến khoa thi Đình năm Tân Hợi (1731), Bá Lân thi đỗ đầu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ .

Lội ao vào tư dinh của quan chủ khảo

Niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3, khoa thi năm Tân Hợi (1731) con cụ Nguyễn Công Hoàn là Nguyễn Bá Lân dự thi Hội. Triều đình khi đó cử cụ Lê AnhTuấn (1671- 1734) làm chủ khảo. Trước khoa thi, cụ Lê Anh Tuấn về nhà làm giỗ thân phụ.

Trong tư dinh của cụ Lê Anh Tuấn tiếp các quan Trấn phủ, Tổng lý các xã và họ hàng thân thích đến ăn giỗ đông như hội. Việc cúng tế đang tiến hành thì lính bảo vệ báo cáo với cụ Lê Anh Tuấn, có một người già, một người trẻ đội đầu một vật gì đó, đang lội qua ao để vào tư dinh của cụ mà không đi qua cổng, hành động rất đáng khả nghi.

Nhìn qua cửa, cụ Lê Anh Tuấn nhận ra đó là cụ Nguyễn Công Hoàn và con trai là Nguyễn Bá Lân, liền bảo lính tráng để yên cho hai người vào tư dinh của mình.

Khi hai cha con vào đến từ đường họ Lê, cụ Nguyễn Công Hoàn đem mâm lễ phủ khăn nhiễu điều. Trong đó có một quả bí dâng lên ban thờ, làm lễ xong hai cha con lặng lẽ lội qua ao ra đường cái mà không đi ra đằng cổng. Bấy giờ cụ Lê Anh Tuấn mới kể cho mọi người về lời thề trước đây của cụ Nguyễn Công Hoàn là: “Không thèm đi qua cổng nhà cụ Lê Anh Tuấn nữa”.

Sắc phong của triều đình cho cha dạy con học thi đỗ Tiến sĩ, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786).

Sắc phong của triều đình cho cha dạy con học thi đỗ Tiến sĩ, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786).

Trước cái sự ấy, cụ Lê Anh Tuấn bảo với gia nhân, cụ Nguyễn Công Hoàn vốn là người tính tình rất khảng khái chỉ vì thương con về dự thi mới tới đây. Cụ Lê Anh Tuấn nói với gia nhân rằng: “Ông ấy ngại ta khoa này đánh trượt con trai là Nguyễn Bá Lân đây mà”.

Cụ Lê Anh Tuấn nhận thấy con trai cụ Nguyễn Công Hoàn là Nguyễn Bá Lân tài cao học rộng đáng đỗ khoa này lắm, kỳ thi này các quan chủ khảo phải xem xét kỹ không để trượt một nhân tài như Nguyễn Bá Lân được.

Khoa thi năm Tân Hợi (1731) qua bốn kỳ thi Hội, Nguyễn Bá Lân đều đỗ đầu bảng. Kỳ thi Đình đỗ Tiến sĩ được xếp thứ nhất trong Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. “Những người quan cao, họ lớn cho cụ Nguyễn Công Hoàn là có khí tiết cao đều cho việc cụ tới nhà chơi là việc vinh dự. Phàm những người tuổi kém cụ đều coi cụ là thầy chứ không dám coi là ngang hàng bạn bè”, tài liệu của dòng họ Nguyễn ghi lại.

(Còn nữa...)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ