Chuyện chưa kể về cha con Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài danh nhưng lận đận chuyện khoa cử

Cụ Nguyễn Công Hoàn là danh sĩ đứng thứ ba trong “Tứ hổ Tràng An” (nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn). Tài liệu của dòng họ ghi lại rằng cụ vốn nổi tiếng tài năng nhưng lại lận đận đường khoa cử, sau cụ chỉ làm thầy giáo.

Chuyện chưa kể về cha con Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài danh nhưng lận đận chuyện khoa cử

Tài danh lưu truyền

Tài liệu xưa có ghi chép lại rằng, sinh thời, cụ Nguyễn Công Hoàn tính tình cứng cỏi, chất phác và hiền lành, có khí tiết, kiên định. Cụ chuộng văn chương đạo học, mà không mơ tưởng sự nghiệp Công - Hầu.

Lúc nhỏ, cụ không kiên trì học tập, từ năm 17 tuổi mới phẫn chí đọc sách, đọc 3 - 4 quyển sử và 1 bộ luận ngữ. Tài năng thật do trời tác cho thành. Khi cụ làm văn như sông trời tuôn nước, xuất khẩu thành chương, không cần chờ suy nghĩ. Đi đường thỉnh thoảng gặp học trò làm văn, cụ dừng lại chốc lát giúp cho làm xong ngay. Có người đứng giữa đường nói chuyện với cụ xin văn, cụ cũng đáp ứng nhanh chóng, lời văn hay ý đẹp hơn nhiều người khác.

Chuyện chưa kể về cha con Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài danh nhưng lận đận chuyện khoa cử ảnh 1

Các bậc cao niên trong Dòng họ Nguyễn thủy tổ hiệu Phúc tướng vẫn còn nhớ nhiều câu chuyện liên quan đến cụ Nguyễn Công Hoàn được lưu truyền lại.

Tài liệu của dòng họ có ghi lại rằng, niên hiệu Chính Hòa thứ 15, năm Giáp Tuất (1694), bề trên truyền cho kẻ sĩ trong thiên hạ làm văn theo đúng thể văn đời Hồng Đức. Bấy giờ các sĩ tử quen thói làm văn cũ, nhiều người không thể rứt bỏ được, thế mà cụ có thể một phen biến hóa tới chân lý, thoát bỏ theo lối văn quê mùa mà đến ngay lối văn mới mẻ qua các đề phú: “Hồng môn hội ẩm”, “Thiên hà kỳ hán tín”,“Thiên thu kim giám mục”.

Đầu đề văn sách “Giữ đạo giả sự vật đương nhiên” cụ đều đứng đầu các sĩ tử trong thiên hạ. Gấm vóc của cụ chứa sẵn trong lòng, xuất khẩu liền thành văn. Người đương thời tôn vinh cụ là một trong “Tứ hổ Tràng An” (nhất Quỳnh, nhì Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn).

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 7, khoa Tân Mùi năm (1711), cụ làm văn giúp cụ Ngô Duy Thù cả thơ và phú đều đỗ đầu bảng. Trải qua các khoa thi, cụ chưa khi nào nhờ vả tự làm quyển của mình. Đến khoa thi Hoành từ, cụ làm văn chọn hết một ngày nhưng trong đó cố ý viết sai hai ba chữ cốt để người ta đánh hỏng. Tài liệu xưa giải thích rằng “Có lẽ vì chí của cụ không thích sự thành công nhỏ”.

Niên hiệu Bảo Thái thứ 8, năm Đinh Mùi (1727), cụ thi Hội hai kỳ đều đỗ cao, đến kỳ thứ ba thì bị rớt với đề thơ “Kỳ lân phượng hoàng”. Với đề phú “Ngũ tự khuê”, thơ phú của cụ được sĩ tử trong thiên hạ truyền tụng, các nhà thơ có tiếng trong thiên hạ ai cũng khen ngợi là hay kỳ lạ.

Chuyện chưa kể về cha con Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài danh nhưng lận đận chuyện khoa cử ảnh 2

Tài danh nức tiếng nhưng lại lận đận chuyện khoa cử nên cụ Nguyễn Công Hoàn gắn bó nhiều với nghiệp dạy học. Ảnh minh họa.

Niên hiệu Bảo Thái thứ 9, năm Mậu Thân (1728), cụ đi xem con trai là Nguyễn Bá Lân dạy học ở xã Thái Bạt (tổng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, trấn Sơn Tây - nay là xã Thái Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội) nghe người ta ca ngợi bài thơ “Huyền quang cổ tích truyền”, cụ xem thấy lời văn quê mùa nên liền sửa thành bài văn mới hay hơn.

Cũng theo tài liệu của dòng họ, cụ Nguyễn Công Hoàn làm văn không biết mệt mỏi rất nhiều di khảo phú lục kể có hàng nghìn bài đều là bài hay. Văn sách có tới hàng trăm bài lời lẽ hùng tráng. Văn tế và các bài bài khắc vào chuông khánh. Văn phổ khuyến, văn hùng điển, văn bia chùa quán, văn mục lục ở đình thần, văn vãn khóc, văn quốc ngữ thì tùy theo hễ có người cầu xin lúc nào thì ông làm xong ngay lúc đấy, đến đâu là có ngay nhiều không kể xiết.

Lận đận chuyện khoa cử

Niên hiệu Chính Hòa thứ 6, năm Đinh Mão (1687), cụ Nguyễn Công Hoàn dự thi ở trường huyện đứng đầu Tứ trường, khoa thi khảo ngạch ở hai ty đứng đầu bảng ưu.

Niên hiệu Chính Hòa thứ 11, năm Canh Ngọ (1690), cụ ứng khảo cùng ông Lê Anh Tuấn (quê ở Thanh Mai). Thân phụ của cụ Lê Anh Tuấn lại đương chức Hiến phó quan huyện, tình ý có hơi khác nên việc thứ tự nhất nhì không hoàn toàn do văn. Từ đó, trong lòng cụ sinh ra bất bình, 4 lần thi hơn cụ Lê Anh Tuấn thì quan huyện cho bằng. Cụ Nguyễn Công Hoàn thi ngang bằng thì quan huyện cho cụ Lê Anh Tuấn hơn. Vì vậy, cụ Nguyễn Công Hoàn càng không chịu khuất phục, sự bực dọc lộ ra nét mặt cụ biến thành phấn khích, đến nỗi sinh ra nhiều chuyện về sau.

Niên hiệu Chính Hòa thứ 11, năm Canh Ngọ (1690), cụ Công Hoàn dự thi văn sách của trường thứ tự phê ban đầu còn thiếu sót vài chữ nên bị rớt.

Chuyện chưa kể về cha con Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài danh nhưng lận đận chuyện khoa cử ảnh 3

Sĩ tử thời phong kiến lều chõng đi thi. Ảnh minh họa.

Niên hiệu Chính Hòa thứ 14, năm Quý Dậu (1693), cụ Nguyễn Công Hoàn khi đó tròn 25 tuổi, quyển văn sơ phúc dám phê có thiếu sót nhưng vẫn trúng hạng ưu xuống thứ hai. Khoa thi này, cụ Tạ Đăng Huân (1672-1741, người xã Đại Phùng, huyện Đan Phượng - nay thuộc xã Đan Phượng huyện Đan Phượng, Hà Nội) trúng Giải nguyên (đỗ đầu).

Niên hiệu Chính Hòa, năm Giáp Tuất (1694), cụ thi Hương bị rớt kì thứ ba. Niên hiệu Chính Hòa, năm Đinh Sửu (1697), cụ thi Hương cũng bị rớt kỳ thứ ba. Niên hiệu Chính Hòa, năm Canh Thìn (1700), cụ thi Hương rớt ở kỳ thứ nhất. Niên hiệu Chính Hòa thứ 24, năm Quý Mùi (1703), cụ thi Hương với bài phú “Hải nội bình thăng” đứng đầu bảng nhất. Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 1, năm Ất Dậu (1705), cụ ứng thi khảo Bộ Lại đỗ đầu.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2, năm Bính Tuất (1706), cụ thi Hương lại trúng Tam trường. Nhận chức Huấn đạo phủ Quốc Oai (đứng đầu ngành giáo dục của một phủ). Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 3, năm Mậu Tý (1708), cụ thi Hương, trong khi nộp quyển sổ đăng ký tên những người khá về văn học, cụ mâu thuẫn với quan Hiến xứ là cụ Nguyễn Trù, cụ bèn từ chức.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6, năm Canh Dần (1710), cụ thi Hội trúng Tam trường liền 3 khoa. Bài văn sách của cụ sơ bộ duyệt được xếp hạng cao. Nhưng khi xét từng nét chữ thì cụ bị truất vì sai vài chữ

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8, năm(1712), cụ thi Hội trúng Tam trường. Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14, năm Mậu Tuất (1718), cụ đi thi Hội rớt ở kỳ thứ ba, trúng Tam trường. Khoa thi này, cụ thi cùng con trai là Nguyễn Bá Lân cũng rớt ở kỳ thứ tư. Niên hiệu Bảo Thái thứ 2, năm Tân Sửu (1721), cụ thi Hội bị rớt kỳ thứ nhất. Niên hiệu Bảo Thái thứ 5, năm Giáp Thìn (1724), cụ thi Hội ở kỳ thứ hai, đứng đầu các sĩ tử. Đến kỳ thứ ba, Sơ phó cũng hơi thiếu sót để xem lại nhưng đến khi phúc khảo, xét tìm tòi từng nét chữ sai sót nhỏ khiến cụ lại bị truất. Từ đó, cụ không vào thi nữa.

Chuyện chưa kể về cha con Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài danh nhưng lận đận chuyện khoa cử ảnh 4

Một bậc cao niên trong Dòng họ Nguyễn thủy tổ hiệu Phúc tướng chia sẻ câu chuyện về cụ Nguyễn Công Hoàn với PV.

Niên hiệu Bảo Thái thứ 8, năm Đinh Mùi (1727), cụ thi Hội tuy rớt ở kỳ thứ ba nhưng bài thơ phú của cụ vẫn được truyền tụng, các nhà nho có tiếng ai cũng khen ngợi là hay kỳ lạ. Niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 1 (1729) lúc này, cụ Nguyễn Công Hoàn đã 59 tuổi, bỗng mắc bệnh mê man bất tỉnh 5- 6 tháng cụ mới đỡ đau nhưng biến thành bệnh hay quên.Văn chương thơ phú tuy không giảm so với trước nhưng tinh thần khí lực không được như xưa. Từ đó, cụ không đi thi nữa.

Tài liệu của dòng họ ghi chép lại còn luyến tiếc tài năng của cụ Nguyễn Công Hoàn: “Tiếc thay con người tài danh quán thế, không hề nghĩ tới giàu sang, chỉ muốn nêu tên trên khoa bảng, tự thân trông thấy chí nguyện được đền đáp, trời đất quá khắt khe với người nỗ lực, gần 60 tuổi cụ vẫn chưa thành đạt. Cuối đời mang bệnh, giảm sút về tính văn chương, không thể đem tài tử mà giành phần thắng ở khoa trường được mà ôm hận nỗi bình sinh thật đáng than thở!”

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.