Chương trình GDPT mới, tinh gọn, khoa học

GD&TĐ - Tìm hiểu về chương trình sách giáo khoa mới dưới góc độ giáo viên – người trực tiếp đứng lớp, Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Lê Thị Bé Nhung - giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Phan Ngọc Tòng, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Chương trình GDPT mới, tinh gọn, khoa học

- Là những người trực tiếp đứng trên bục giảng, cô có thể cho biết nhận xét về chương trình sách giáo khoa mới?

Là giáo viên THPT tham gia giảng dạy môn Sinh học nhiều năm nay, tôi nhận thấy: Việc thay đổi chương trình sách giáo khoa phổ thông là hoàn toàn thiết thực và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và xã hội.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông có nhiều thay đổi so với chương trình giáo dục phổ thông cũ. Đặc biệt là sự xuất hiện của hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Chương trình giáo dục phổ thông mới nhìn chung tinh gọn, khoa học, logic mạch kiến thức theo các cấp học. Dự thảo nội dung các môn học đã khắc phục được tính hàn lâm, đồng thời các kiến thức thực tiễn mới đã được cập nhật vào chương trình học.

Tôi tin rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ đem lại cho học sinh kiến thức mà còn có thể rèn luyện cho học sinh kỹ năng để giải quyết được những vấn đề cơ bản của cuộc sống. Từ đó các em có được nhận thức, hành động đúng đắn để bảo vệ và xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

- Với phương pháp giáo dục tiếp cận phát triển năng lực chú trọng người học, cùng với đó là sự đổi mới trong cách dạy, học và thi cử… Cô có ý kiến gì về cách giáo dục này?

- Tôi nhiệt tình ủng hộ phương pháp giáo dục tiếp cận phát triển năng lực. Như trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá chiến lược của giáo dục là: Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI cũng đã chỉ ra: Việc xác định đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và phát triển nguồn nhân lực là một yêu cầu thiết yếu.

Những đóng góp tích cực của các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, các giáo viên phổ thông và các tầng lớp nhân dân trong xã hội cho việc hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, thời gian qua càng cho thấy: Việc đổi mới nền giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực là phù hợp với xu thế phát triển chung.

Vai trò của giáo viên lúc này là người định hướng, hỗ trợ cho học sinh thực hiện các hoạt động học tập của học sinh. Học sinh sẽ là trung tâm của hoạt động học tập. Việc này, sẽ giúp cho học sinh có thể tự do sáng tạo kiến thức theo năng lực và sở thích của mình. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu này.

- Với môn Sinh học mà cô đang trực tiếp giảng dạy, cô đánh giá thế nào? Có cần bổ sung thêm gì không?

- Riêng đối với chương trình môn Sinh học, tôi hoàn đồng ý với nội dung đổi mới. Đặc biệt, tôi tâm đắc với các chuyên đề được bổ sung vào chương trình học. Đó là các vấn đề cực kì quan trọng mà môn Sinh học cần cùng xã hội chung tay giải quyết.

Ví dụ như chuyên đề an toàn thực phẩm. Thực phẩm bẩn là một vấn nạn lớn mà nước ta đang phải đối mặt trong nhiều năm qua. Các hình thức răn đe, xử phạt của pháp luật chưa thể giải quyết được câu chuyện này.

Vì vậy, việc tác động đến ý thức con người thông qua giáo dục là một biện pháp mang tính bền vững và triệt để. Vì vậy, thông qua các chuyên đề như thế, chúng ta có thể đưa ra những cách thức giáo dục cho học sinh, cho cộng đồng để mọi người có nhận thức và hành động đúng đắn.

- Được biết cô là một giáo viên Sinh học khá gần gũi và nắm bắt tốt tâm lý học sinh. Hơn nữa, chúng tôi cũng được biết cô còn là một giáo viên năng động, sáng tạo, đã biết cách lồng ghép việc giáo dục kỹ năng sống vào các tiết học môn Sinh.

Những giờ học như thế đã, thu hút và cảm hóa đươc nhiều học sinh trong độ tuổi vị thành niên. Vậy theo cô với các môn học trong chương trình sách giáo khoa mới nói chung và môn Sinh học nói riêng cần có phương pháp dạy như thế nào để đạt kết quả tốt nhất?

- Để dạy và học tốt các môn học theo chương trình mới, tôi nghĩ: Việc triển khai các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh là là việc rất cấp thiết.

Ngoài ra, chúng ta nên tăng cường việc lồng ghép, tích hợp hoạt động trải nghiệm sáng tạo với các môn học. Hầu hết, các môn học đều có thể thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nhưng không phải là tất cả các bài học.

Riêng, giáo dục kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp là hai chủ đề cực kì quan trọng đối với học sinh trung học. Vì vậy, việc giáo viên bộ môn lựa chọn hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý học sinh, sâu sát với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương sẽ giúp cho học sinh lĩnh hội được giá trị của môn học và giá trị cuộc sống.

Hiện tại, môn Sinh học của tôi và các đồng nghiệp ở trường cũng đã bước đầu triển khai các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Ví dụ như: giáo dục sức khỏe sinh sản, trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ... Chính vì vậy, tôi cảm thấy hoàn toàn tự tin và phấn khởi với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Trân trọng cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.