Để cải cách GD trong thi cử, Chương trình, SGK đạt kết quả tốt nhất

GD&TĐ - Ý kiến của nhiều cử tri gửi tới Bộ GD&ĐT nêu đề nghị cần quan tâm hơn nữa, đưa ra thảo luận kỹ, đảm bảo sự phù hợp với xã hội và điều kiện thực tế của đất nước để áp dụng cải cách GD trong thi cử, Chương trình, SGK đạt kết quả tốt nhất.

Để cải cách GD trong thi cử, Chương trình, SGK đạt kết quả tốt nhất

Bộ GD&ĐT trả lời:

Trước hết, về công tác thi cử: Xuất phát từ yêu cầu thực tế, phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những điểm hạn chế của tổ chức thi và tuyển sinh năm 2015 và 2016, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và triển khai phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2017 và những năm tiếp theo trên cơ sở giữ ổn định như năm 2016 với một số điều chỉnh phù hợp: Tổ chức thi tại tỉnh, do Sở GD&ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp; áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn), mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã được tổ chức thành công. Việc đổi mới cách thức tổ chức đồng bộ với đổi mới phương thức thi vừa làm cho thời gian thi được rút ngắn còn 2,5 ngày vừa giúp thí sinh tăng cường tự học, tự hệ thống kiến thức, phát huy năng lực sở trường, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, học tủ, dạy tủ hay cắt xén chương trình và việc dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan đã từng gây bức xúc không nhỏ trong dư luận xã hội; kết quả thi đảm bảo khách quan, công bằng, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để các trường ĐH, CĐ thực hiện tuyển sinh.

Sau 3 năm thực hiện đổi mới, phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao. Do vậy, Bộ GD&ĐT giữ ổn định phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới như năm 2017 với những điều chỉnh hợp lý, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông. Để nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ thi và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện theo lộ trình một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới.

Đối với các bài thi, môn thi, trong các năm 2018, 2019 và 2020, việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017; Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

Đối với tuyển sinh ĐH, CĐ, tiến hành rà soát lại các nhóm đối tượng, khu vực và mức điểm ưu tiên để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.

Về Chương trình, SGK GDPT: Chương trình GDPT và SGK hiện hành được thực hiện ổn định, thống nhất trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002 - 2003 đến nay, đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn vừa qua. Trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thường xuyên việc tái bản SGK có chỉnh lý, bổ sung để cập nhật những thông tin mới, phù hợp thay cho những thông tin đã cũ, lạc hậu; rà soát lại chương trình, SGK để hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản.

Tuy nhiên, sau gần 15 năm thực hiện, chương trình và SGK hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước sự phát triển của xã hội trong thời kỳ mới. Nhằm tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập đó, đồng thời chuẩn bị tiếp cận Chương trình GDPT mới, ngày 3/10/2017, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018. Theo đó, tăng cường giao quyền chủ động của các địa phương, cơ sở GD trong việc thực hiện chương trình nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo; đổi mới hình thức và phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học cho HS; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Chương trình GDPT mới. Hiện nay, các chương trình môn học đang được đưa lên mạng xin ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Sau khi ban hành Chương trình mới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn một bộ SGK mới, thực hiện một chương trình nhiều SGK, Bộ GD&ĐT khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK khác, nhằm huy động được nhiều trí tuệ của các tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia biên soạn SGK; tạo cơ hội để có những cuốn SGK phù hợp với từng vùng miền, đặc điểm của từng địa phương. SGK do Bộ GD&ĐT hay các tổ chức, cá nhân biên soạn đều phải được Hội đồng thẩm định quốc gia tổ chức thẩm định theo đúng quy trình. Hội đồng này sẽ hoạt động theo một quy chế riêng, đảm bảo tính khách quan. Bộ GD&ĐT căn cứ kết luận của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK để ra quyết định phê duyệt cho phép lưu hành những bộ sách đạt tiêu chuẩn. Các cơ sở GDPT lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, HS và cha mẹ HS theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

(Còn nữa)

Như vậy, việc đổi mới chương trình, SGK GDPT được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học, đảm bảo sự phù hợp với xã hội và điều kiện thực tế của đất nước để áp dụng cải cách GD sao cho khi đi vào triển khai thực tế đạt kết quả tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.