Xây dựng chuẩn để phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm

GD&TĐ - Đánh giá về quy định chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm (GVSP) mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng, xin ý kiến rộng rãi, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Trường ĐH Giáo dục – cho rằng: Các tiêu chuẩn đánh giá GVSP đã bao trùm được các yêu cầu về năng lực đối với GVSP đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay và được thể hiện cụ thể, rõ ràng.

Xây dựng chuẩn để phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm

Đồng thời, giữa dự thảo chuẩn nghề nghiệp GVSP với bộ chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên phổ thông có những năng lực được thiết kế đồng tâm, đồng trục.

Bối cảnh mới đòi hỏi năng lực mới

Theo GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông (GDPT) và đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT ở các trường đại học theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13, Quyết định số 404/QĐ-TTg đặt ra cho GVSP những cơ hội và thách thức mới về năng lực cần phát triển và đạt được để đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới.

Công cuộc đổi mới đặt ra cho giáo viên và cán bộ quản lý trường phổ thông những yêu cầu mới về nhiệm vụ bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT mới. Theo đó, GVSP – những “máy cái” sản sinh ra đội ngũ giáo viên cần phải đi trước một bước chuẩn bị những năng lực phẩm chất cần thiết trong bối cảnh mới, từ đó cũng cần phải có những năng lực để tác động đến giáo sinh trong quá trình đào tạo, tổ chức thực hiện các hoạt động bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Trong bối cảnh đó, toàn bộ hệ thống các trường có đào tạo giáo viên cũng như mỗi trường sư phạm cụ thể đang đứng trước những thách thức và yêu cầu sau đây: Yêu cầu về tái cấu trúc trong hệ thống các trường sư phạm cả nước; Tái cấu trúc trong mỗi trường sư phạm: Trong Chương trình GDPT mới xuất hiện nhiều môn học, lĩnh vực giáo dục mới. Để đào tạo ra đội ngũ giáo viên đáp ứng những thay đổi đó ở phổ thông thì mỗi trường sư phạm cần có sự điều chỉnh, tái cấu trúc để phù hợp cho công tác tổ chức đào tạo và đảm bảo quá trình đào tạo được thuận lợi phù hợp và hiệu quả;

Chủ động phát triển chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy: GDPT được đổi mới theo tiếp cận năng lực, tức là quá trình giáo dục tập trung vào khơi sáng tiềm năng sẵn có ở người học, đồng thời tập trung hình thành và phát triển những năng lực thiết yếu của con người hiện đại cho người học.

Để đào tạo ra những người giáo viên có đủ năng lực thực hiện thành công việc đổi mới GDPT thì chính những nhà trường sư phạm cũng phải đổi mới chương trình và phương thức đào tạo.

Thước đo năng lực giảng viên sư phạm

GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc chỉ rõ: Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu về năng lực đối với GVSP phải đáp ứng được về: Phẩm chất nghề nghiệp; Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; Năng lực nghiên cứu khoa học; Năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ; Năng lực phát triển các mối quan hệ xã hội.

Bộ chuẩn nghề nghiệp GVSP mà Bộ GD&ĐT đang dự thảo đã cụ thể hóa các yêu cầu về năng lực giảng viên bằng 5 tiêu chuẩn đánh giá giảng viên là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu cần có về năng lực của GVSP trong bối cảnh hiện nay.

Bộ chuẩn đã mô tả về khung năng lực giảng viên cần đạt được và cụ thể hóa với những tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ báo mô tả rõ về năng lực và mức độ năng lực của giảng viên trong các lĩnh vực cấu phần như phẩm chất nghề nghiệp; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nghiên cứu khoa học, xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, phát triển quan hệ xã hội.

Sự cần thiết phải ban hành chuẩn

Về vấn đề này, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc phân tích: Việc triển khai đánh giá và phát triển năng lực của giảng viên nói chung và GVSP nói riêng trong những năm qua đã và đang đặt ra một số thách thức sau:

Chưa có những quy định riêng/quy định đặc thù nên việc đánh giá chủ yếu dựa trên những văn bản hành chính về hạng bậc giảng viên;

Các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ báo, minh chứng chưa được phân định, thể hiện rõ khi triển khai đánh giá giảng viên, các mức năng lực chưa được xác định và phân hạng theo các mức cụ thể dẫn tới hiện tượng học hàm, học vị được coi là căn cứ chính xác định năng lực giảng viên;

Quy trình đánh giá, cách thu thập minh chứng, việc lưu trữ hồ sơ và kết quả phân loại năng lực giảng viên chưa thành hệ thống;

Đánh giá còn mang tính chủ quan, cảm tính, chưa căn cứ vào kết quả và minh chứng sản phẩm công việc; Xuất phát từ những luận cứ trên, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc khẳng định:

Việc nghiên cứu và ban hành văn bản pháp quy về chuẩn nghề nghiệp GVSP là việc làm cần thiết hiện nay nhằm giúp GVSP, cơ sở đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý nhận diện một cách khoa học, khách quan về thực trạng đội ngũ GVSP; Làm cơ sở để giảng viên tự phấn đấu, tự rèn luyện, phát triển nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo giáo viên; Là căn cứ để nhà quản lý xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp cho giảng viên và sắp xếp, bố trí nhân lực phù hợp với các vị trí công tác chuyên môn.

Đồng thời giúp cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở khoa học để ban hành các chính sách phù hợp với phát triển nguồn nhân lực giáo dục thuộc cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay.

“Các trường, khoa sư phạm cần có nhận thức đúng về sự cần thiết phải ban hành chuẩn nghề nghiệp GVSP, sẵn sàng đón nhận và sử dụng chuẩn một cách hiệu quả. GVSP cần coi đây là một công cụ để giảng viên tự phấn đấu, tự rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của người giảng viên đáp ứng yêu cầu về năng lực đào tạo giáo viên mới trong hội nhập quốc tế và khu vực”. GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ