Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT trả lời như sau:
Để triển khai chương trình giáo dục phù hợp với các đối tượng học sinh và điều kiện dạy học cụ thể, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện các biện pháp sau đây:
Tổ chức rà soát chương trình, SGK hiện hành để hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông (GDPT) theo hướng tinh giản; hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học GDPT (Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 1/9/2011); hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018 (Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017).
Tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động của các địa phương, cơ sở GD trong việc thực hiện chương trình, xây dựng và thực hiện kế hoạch GD. Trên cơ sở chương trình GDPT, các Sở/Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch GD theo định hướng phát triển năng lực HS, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đối tượng HS, thời gian thực tế và điều kiện dạy học của nhà trường trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh; xây dựng kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng HS yếu kém với các biện pháp phù hợp.
Đổi mới hình thức và phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đổi mới nội dung, phương thức đánh giá HS, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của HS, tránh chạy theo bệnh thành tích.
Khuyến khích các nhà trường dạy học 2 buổi/ngày tăng thời gian học tập cho HS, hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, tăng cường tổ chức cho HS tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động GD ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khoá…
Theo Bộ GD&ĐT, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT, Bộ đang triển khai xây dựng Chương trình GDPT mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên.
Bộ GD&ĐT nêu rõ, việc đổi mới chương trình, SGK GDPT sẽ mang lại động lực cho người học, tránh việc giảng dạy chạy theo bệnh thành tích, đảm bảo việc dạy học phù hợp với các đối tượng HS giỏi, khá, trung bình, yếu kém.
Theo ý kiến của một số cử tri, việc áp dụng dạy và học theo phương thức VNEN; HS cấp tiểu học, cấp THCS sử dụng bài tập trong SGK; sử dụng một lần sẽ làm tăng chi phí mua sách cho HS; nhiều HS thuộc gia đình hộ nghèo sẽ rất khó khăn. Trước thực trạng đó, cử tri kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu để giảm bớt khó khăn cho người dân.
Phản hồi của Bộ GD&ĐT cho biết:
Nội dung tài liệu hướng dẫn học các môn theo phương pháp VNEN dựa trên nội dung chương trình và SGK hiện hành, được thiết kế theo các hoạt động học tập. Giáo viên hướng dẫn HS thực hiện các hoạt động và làm các bài tập trong tài liệu vào phiếu học tập hoặc vào vở.
Tài liệu hướng dẫn học các môn theo VNEN do Dự án Mô hình Trường học mới tại Việt Nam cung cấp là tài liệu dùng chung, được lưu giữ trong thư viện nhà trường để sử dụng trong nhiều năm học. Trong bìa lót của mỗi tài liệu đều có phần hướng dẫn HS sử dụng, trong đó yêu cầu HS sử dụng, giữ gìn, bảo quản, không viết vào sách, hết năm học nộp lại thư viện nhà trường để cho các bạn học năm tiếp sau. HS nào sử dụng sách đều được ghi tên theo từng năm học để có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tài liệu tham khảo mà việc sử dụng chỉ được một lần như cử tri phản ánh. Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở GD&ĐT rà soát để bảo đảm việc sử dụng tài liệu trong các nhà trường theo đúng quy định, có hiệu quả, tránh gây lãnh phí cho cha mẹ HS cũng như cho xã hội.
(Còn nữa)