Báo GD&TĐ đã có cuộc chia sẻ với anh Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc chương trình - người sáng lập Chương trình Lãnh đạo Trẻ ABG về ý tưởng và sức lan tỏa của chương trình này trong giới trẻ.
- Thưa anh, người ta thường biết đến Nguyễn Cảnh Bình như một nhà biên soạn sách có uy tín, đồng thời cũng là một doanh nhân thành đạt trong ngành xuất bản sách. Gần đây, anh còn “dấn thân” vào một lĩnh vực vô cùng mới mẻ: Đào tạo. Anh có thể cho biết chương trình ra đời bắt đầu từ đâu?
Trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy hệ thống giáo dục và các trường đại học ở Việt Nam dù đã được cải tiến và phát triển nhiều, vẫn còn những khoảng trống.
Sinh viên và người trẻ Việt Nam vẫn còn nhiều thiệt thòi khi không được tiếp cận những tri thức hiện đại, toàn diện và có chiều sâu. Các em cũng thiếu môi trường nuôi dưỡng thể lực, trí tuệ, ý chí và kiến thức để phát triển hết khả năng của mình.
Nhiều bạn trẻ có những nỗ lực cá nhân để vươn lên nhưng hẳn sẽ tốt hơn, thành công hơn nếu có được sự hỗ trợ từ những người đi trước. Hẳn là các em sẽ tự tin hơn khi được gặp và trò chuyện với những học giả, nhà khoa học, doanh nhân chứ không chỉ nhìn và nghe thấy những gì trên báo chí.
Và sẽ có nhiều em không hài lòng và thỏa mãn với những gì được học trong giảng đường. Các em khao khát được biết nhiều hơn, được trải nghiệm nhiều hơn, được thử thách nhiều hơn…
Chúng tôi nhìn thấy những khoảng trống đó, tự nghĩ về những thiệt thòi của chính mình trong những ngày trẻ, nên muốn tìm kiếm một mô hình, một chương trình nào đó có thể lấp vào khoảng trống này.
Vì thế, chúng tôi nỗ lực tìm kiếm và nhiều năm trước, tôi có dịp may mắn đến thăm Học viện Matsushita của Nhật Bản, một học viện do Konosuke Matsushita, Chủ tịch Tập đoàn Panasonic sáng lập, nơi đào tạo những nhà lãnh đạo tiềm năng của Nhật Bản; một môi trường đào tạo tuyệt vời khi xây dựng được tầm nhìn, khơi dậy được niềm đam mê học hỏi và sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao cũng như tạo điều kiện cho học viên rèn luyện khả năng và kỹ năng thích nghi với mọi khó khăn, thử thách.
Chính từ môi trường đào tạo này, hàng trăm doanh nhân, CEO và các nhà hoạt động, các chính khách Nhật được nuôi dưỡng và phát triển.
Được thôi thúc từ mô hình Trường Matshushita, từ Chương trình Đào tạo Lãnh đạo trẻ Iatss Forum cho các quốc gia Đông Nam Á do Mahathir Mohamed và Sochiro Honda sáng lập mà tôi đang là người điều hành; từ kinh nghiệm của một doanh nhân và giảng viên cho nhiều chương trình đào tạo giám đốc, nhà quản lý và từ chính những trải nghiệm của bản thân trong suốt những năm tháng sinh viên... chúng tôi đã xây dựng và hình thành Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ mang tên ABG này nhằm tạo ra một chương trình, một môi trường như vậy.
- Vậy chương trình này được thực hiện như thế nào?
Dù chưa thực sự như kỳ vọng nhưng chúng tôi nỗ lực làm tất cả những gì có thể để có một chương trình huấn luyện tốt nhất hiện nay.
Bắt đầu từ năm 2014, chúng tôi đã tổ chức thử nghiệm khóa đào tạo ABG đầu tiên với 18 bạn trẻ, khóa 2 với 25 học viên năm 2016 và năm nay đã là khóa 3, với hơn 30 em khai giảng ngày hôm nay.
Chương trình đang được ngày càng hoàn thiện, cải tiến và giảng viên của chương trình bao gồm các học giả, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động, doanh nhân, chính khách, và các chuyên gia trong từng lĩnh vực.
Bên cạnh đó, chương trình sẽ đưa các em tham dự những hội thảo, những buổi nói chuyện ngoài lề cùng với những chuyến đi thăm và tìm hiểu doanh nghiệp Việt Nam, các tổ chức quốc tế; thăm và tìm hiểu các di tích lịch sử, các địa phương và các buổi tranh luận, thảo luận, thuyết trình và rèn luyện cá nhân.
Chúng tôi mô phỏng phương pháp đào tạo của Học viện Matshusita khi chủ yếu đưa ra vấn đề rồi giúp các học viên tìm ra câu trả lời bằng việc giúp các em có môi trường tiếp xúc, gặp gỡ, thảo luận và cả tranh luận với những người thầy nhưng các giảng viên chỉ là những người nói chuyện, hướng dẫn và việc tổ chức lớp học chỉ diễn ra trong phòng học chưa đến 50% thời gian, còn lại các học viên sẽ học và trải nghiệm trên thực tế.
Chúng tôi nhận thấy kể cả trong cuộc sống và trong phát triển sự nghiệp, trong doanh nghiệp hay bất cứ tổ chức nào, bản thân nhà lãnh đạo thường xuyên phải đương đầu với những khó khăn và thách thức lớn, đương đầu với khủng hoảng, hay phải làm việc liên tục 12 hay 14, 16 tiếng một ngày, nên các em cũng sẽ được tập rèn luyện để có sức khỏe tốt và sức khỏe đó chỉ có thể có được bằng việc duy trì thói quen đúng đắn từ nhỏ.
Nhà lãnh đạo đích thực không chỉ có những tố chất bẩm sinh mà phải có sự chuẩn bị và biết những gì cần làm và kiên trì theo đuổi suốt nhiều chục năm… Tôi đều thấy họ giống nhau ở lòng quả cảm, ở sự kiên trì và nhẫn nại, ở trí thông minh và nghị lực, ở niềm lạc quan không mệt mỏi. Vì thế, chương trình đặc biệt chú trọng việc rèn luyện tính kỷ luật trong các hoạt động.
Nhưng các em cũng phải hiểu rằng, sự thành công của mỗi con người hầu hết phụ thuộc vào họ, vào những nỗ lực không mệt mỏi, vào ý thức và thái độ đúng đắn.
Chương trình ABG sẽ không chỉ có những lời động viên, khích lệ, khen ngợi; mà còn có những lời chỉ trích, phê phán, và khiển trách. Các em còn phải trưởng thành từ sự thất bại, sự phê bình, thậm chí cả từ sự thất vọng của chính mình.
- Vậy chúng ta có thể mong chờ gì từ các em?
Chúng tôi mong muốn các em như những mầm cây được trồng trong những bầu đất để rồi sau đó tự trưởng thành, vươn ra bầu trời, vươn ra cuộc sống. Các em có thể trở thành những nhà quản lý giỏi, trở thành những doanh nhân, những nhà lãnh đạo nhưng trước hết, chúng tôi muốn các em phải là những công dân tốt, những nhân viên giỏi, những người bạn/người con ngoan/tốt của gia đình.
Cùng với sự thành công của Ngô Bảo Châu trong toán học, Lê Quang Liêm trong cờ vua, Nguyễn Thị Ánh Viên trong bơi lội, chiến thắng của các cầu thủ U23 phần nào đó giúp chúng ta có niềm tin rằng, người Việt có thể làm được.
Người Việt có thể có những con người giỏi trong thể thao, trong khoa học, trong giáo dục; và cả những doanh nghiệp và doanh nhân thành đạt. Những thành công đó đã tiếp thêm cho những người sáng lập như chúng tôi cảm hứng và niềm tin vào sự thành công của công việc mình đang theo đuổi.
- Thưa anh, chương trình được truyền cảm hứng mạnh mẽ như thế nào cho giới trẻ?
hắc chắn chúng ta cũng được khích lệ khi biết những tấm gương thành đạt từng học ở đây: TBT Trường Chinh, sinh viên Trường Thương mại thuộc ĐH Đông Dương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - sinh viên Khoa Luật, ĐH Đông Dương và những nhân vật như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Đặng Thai Mai, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân…
Trong những ngày tháng 15 năm trước mày mò tìm hiểu về thế giới, về nước Mỹ, tôi có đọc được một câu chuyện, rằng những người sáng lập nước Mỹ, những nhà lãnh đạo của nước Mỹ có cam kết với nhau rằng, họ sẽ sống và lao động rồi để lại cho thế hệ sau một nước Mỹ tốt đẹp, giàu có, an toàn và thịnh vượng hơn nước Mỹ mà họ được nhận từ thế hệ trước.
Chúng tôi không dám nói to tát như vậy, nhưng cũng mạo muội mong muốn rằng, rồi đây, các em học viên sẽ sống và được sống hạnh phúc hơn, tự do và thành công hơn chúng tôi, các em sẽ đạt được những thành tựu lớn lao hơn chúng tôi, và sẽ cống hiến cho xã hội, cho gia đình những điều tốt đẹp hơn.
- Xin cảm ơn anh!