Chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện đổi mới Chương trình GD phổ thông

GD&TĐ - Để áp dụng Chương trình, sách giáo khoa (SGK) GD phổ thông mới, nhằm thực hiện đổi mới Chương trình GD phổ thông, ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum đang tích cực triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện. 

Chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện đổi mới Chương trình GD phổ thông

Trong đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức rà soát đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu giáo viên; rà soát, xây dựng kế hoạch sắp xếp, đầu tư cơ sở vật chất… với mục tiêu chuẩn bị tốt các điều kiện để áp dụng thực hiện đổi mới Chương trình GD phổ thông.

Rà soát đội ngũ, CSVC trường học

Theo ông Nguyễn Phúc Phận – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, để chuẩn bị tốt các điều kiện áp dụng thực hiện đổi mới Chương trình, SGK GD phổ thông mới, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo, yêu cầu các phòng chức năng thuộc Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT huyện/thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT chủ động thực hiện những nội dung hết sức trọng tâm và cụ thể.

Hiện nay, các phòng chức năng thuộc Sở GD&ĐT đang tích cực tổ chức rà soát đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình thực hiện Chương trình, SGK GD phổ thông mới và đề ra các biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc ngành GD-ĐT. Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cũng đã có chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng GD&ĐT huyện/thành phố, các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp và có biện pháp giải quyết đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn; thực hiện bổ nhiệm, thi, xét thăng hạng và xếp lương theo hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đúng quy định.

Ông Nguyễn Phúc Phận cho hay: Ngay từ đầu năm 2018, ngành GD-ĐT Kon Tum đã đề ra nhiều giải pháp trong chỉ đạo, đánh giá hoạt động dạy học nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt khi bước vào áp dụng thực hiện đổi mới Chương trình GD phổ thông.

Để thực hiện mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, theo lộ trình cụ thể là từ năm học 2019 - 2020 dạy học 2 buổi/ngày cho lớp 1, đến năm học 2023 - 2024 dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả các lớp tiểu học; ngành GD-ĐT Kon Tum và các địa phương đang tích cực thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch sắp xếp, đầu tư cơ sở vật chất và chuẩn bị một số điều kiện đảm bảo cho dạy học 2 buổi/ngày, cũng như thực hiện áp dụng Chương trình GD phổ thông mới.

Nâng cao nhận thức về đổi mới

Nói về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên, ông Nguyễn Phúc Phận chia sẻ: Chương trình phổ thông mới đặt ra yêu cầu về dạy học tự chọn bắt buộc từ lớp 3, năm 2018, giao Trường CĐSP Kon Tum xây dựng phương án đào tạo giáo viên cho các môn học Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật nhằm đáp ứng đội ngũ triển khai, thực hiện Chương trình GD phổ thông mới.

Triển khai đổi mới phương pháp dạy học cho sinh viên; Đào tạo sinh viên đáp ứng nhiệm vụ dạy học Chương trình GD phổ thông mới ngay khi ra trường. Đồng thời, phối hợp cùng các phòng chức năng thuộc Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho giáo viên về Chương trình, SGK GD phổ thông mới.

Tổ chức quán triệt trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các cơ sở GD về thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT về việc tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng Chương trình, SGK GD phổ thông mới.

“Một trong những giải pháp trọng tâm của ngành GD-ĐT Kon Tum đang tập trung thực hiện đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tạo sự tin tưởng, thống nhất, lạc quan, đồng thuận trong công cuộc đổi mới GD phổ thông” - Giám đốc Nguyễn Phúc Phận nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ