Chương trình môn Giáo dục công dân: Thay đổi căn bản về nội dung

GD&TĐ - Ở trường phổ thông, môn Giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn Đạo đức, ở trung học cơ sở là môn Giáo dục công dân, ở trung học phổ thông là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật) giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Chương trình môn Giáo dục công dân: Thay đổi căn bản về nội dung

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản: môn Đạo đức và Giáo dục công dân là môn học bắt buộc. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

PGS.TS Đào Đức Doãn – Chủ biên Chương trình môn Giáo dục công dân – chia sẻ những nội dung cơ bản liên quan đến môn học này trong chương trình phổ thông mới.

Thay đổi căn bản về nội dung giáo dục

Nội dung giáo dục trong môn Giáo dục công dân có thay đổi căn bản so với chương trình hiện hành ở chỗ: là những nội dung cơ bản, thiết thực, hiện đại, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thực tiễn của học sinh, gắn liền với các sự kiện có tính thời sự trong đời sống đạo đức, pháp luật, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của địa phương, đất nước và thế giới.

Nội dung chủ yếu của môn Giáo dục công dân là những nội dung cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc về giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật và kinh tế.

Ở tiểu học và trung học cơ sở, nội dung môn học định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

Ở trung học phổ thông, nội dung chủ yếu là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; gắn kết với nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, kỹ năng sống.

Ngoài ra, trong mỗi năm học, những học sinh có định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học được chọn học một số chuyên đề nhằm tăng cường kiến thức về kinh tế, pháp luật và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

4 điểm nhấn về phương pháp giáo dục

Để đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực, phương pháp dạy học được Chương trình môn Giáo dục công dân định hướng là:

Chú trọng tổ chức, hướng dẫn cho học sinh hoạt động khám phá, phân tích, khai thác các thông tin, xử lí các tình huống thực tiễn, các sự việc, vấn đề, hiện tượng, trường hợp điển hình của thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với đời sống học sinh;

Coi trọng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm của người học để học sinh tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới, phát triển kỹ năng và thái độ tích cực, trên cơ sơ đó tự hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai;

Đổi mới hình thức dạy học Giáo dục công dân theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả: dạy học theo lớp, theo nhóm và cá nhân, ở trong lớp, ngoài lớp và ngoài trường; tăng cường các sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, công tác đoàn, đội của học sinh; tăng cường thực hành, rèn luyện kỹ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; tích cực sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại nhằm đa dạng, cập nhật thông tin, tạo ra sự hứng thú cho học sinh;

Kết hợp giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và xã hội.

Đánh giá kết quả giáo dục

Đánh giá kết quả giáo dục là đánh giá mức độ đạt được của học sinh về phẩm chất và năng lực so với các yêu cầu cần đạt đặt ra cho mỗi lớp học. Việc đánh giá kết quả giáo dục được xác định trong Chương trình môn Giáo dục công dân là:

Kết hợp đánh giá thông qua các nhiệm vụ học tập (bài kiểm tra, bài tập thực hành, bài tập nghiên cứu,...) với đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi ứng xử của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động học tập được tổ chức trên lớp học, hoạt động nhóm, tập thể hay cộng đồng, cũng như trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày;

Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của phụ huynh học sinh và đánh giá của cộng đồng;

Kết quả đánh giá sau mỗi học kỳ và cả năm học đối với mỗi học sinh là kết quả tổng hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Điều kiện thực hiện chương trình

Nội dung chương trình là học vấn phổ thông, cơ bản, cốt lõi về giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kinh tế và pháp luật.

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ chương trình và tham dự các khóa tập huấn, bồi dưỡng, giáo viên môn học hoàn toàn có thể thực hiện được chương trình.

Đồng thời, chương trình chỉ quy định mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc nên các tác giả sách giáo khoa, các cơ sở giáo dục và giáo viên môn học cần căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mình để lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục, triển khai kế hoạch giáo dục và linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng kết hợp các phương pháp dạy học, đánh giá kết quả giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi học sinh, từng nội dung dạy học cụ thể trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở từng lớp, từng trường, từng địa phương.

Căn cứ vào thời lượng giáo dục của môn học được quy định trong chương trình tổng thể, tùy vào dung lượng nội dung cụ thể, giáo viên môn học chủ động, linh hoạt trong việc bố trí thời lượng dạy học phù hợp cho mỗi nội dung trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu cần đạt được quy định cho nội dung dạy học đó và bảo đảm tổng thời lượng số tiết dành cho môn học ở mỗi khối lớp trong một năm học đã quy định trong chương trình.

Ngoài các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đã nêu trong Chương trình tổng thể, môn Giáo dục công dân cần được trang bị các tư liệu và đồ dùng dạy học gồm: tranh; ảnh; băng, đĩa; sách, tài liệu tham khảo có nội dung giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống, kinh tế, pháp luật và đầu đĩa DVD; máy chiếu projector; màn hình tivi; giá để thiết bị; giá và nẹp treo tranh, ảnh; các văn phòng phẩm khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ.

Biết gì về UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ?

GD&TĐ -RQ-4B Global Hawk là loại máy bay không người lái tiên tiến của Mỹ, được phát triển cho nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.