Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị nguồn lực để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi sự tháo gỡ kịp thời. Trao đổi của ông Phạm Đăng Khoa (ảnh) - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk với Báo GD&TĐ xung quanh các vấn đề trên.
* Ông có thể cho biết nét cơ bản ngành GD-ĐT Đắk Lắk trước “thềm” triển khai CTGDPT mới.
- Qua 5 năm triển khai thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, ngành GD-ĐT Đắk Lắk đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Quy mô mạng lưới trường lớp phát triển khá nhanh nên đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhu cầu GDPT của các địa phương trong tỉnh; Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu giáo dục phổ cập giáo dục xóa mù chữ; xây dựng trường chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng… Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được chú trọng và đạt kết quả tốt. Chất lượng học sinh (HS) đạt thành tích tại các kỳ thi HSG khu vực và quốc gia ngày càng cao. Công tác quản lý giáo dục không ngừng đổi mới; công bằng xã hội trong giáo dục dần được cải thiện; nền nếp kỷ cương trong trường học được duy trì. Công tác xây dựng đội ngũ CB, GV, NV đã đẩy mạnh, đổi mới toàn diện trên các mặt đào tạo, bồi dưỡng, phân cấp quản lý, quy hoạch, bổ nhiệm…
Tuy nhiên cùng với kết quả đạt được, ngành GD-ĐT Đắk Lắk cũng gặp không ít khó khăn. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa đáp ứng yêu cầu: Tỷ lệ lớp học kiên cố đạt gần 62%; trường TH dạy học 2 buổi/ngày chỉ mới ở mức 65% do thiếu phòng học, thiếu các phòng học bộ môn Tin học, ngoại ngữ. Mặt khác, ngành GD-ĐT cũng đang thiếu biên chế GV, đặc biệt GV dạy tiếng Anh, Tin học ở bậc TH; thiếu GV dạy các bộ môn tích hợp bậc THCS; thiếu GV dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc bậc THPT.
Đắk Lắk có diện tích rộng lớn, nhiều xã, thôn, buôn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tỷ lệ HS DTTS cao và đa số đời sống khó khăn, lại hạn chế về khả năng sử dụng tiếng Việt, tỷ lệ bỏ học cao, chất lượng giáo dục của HS DTTS còn thấp so với chất lượng giáo dục chung của HS toàn tỉnh.
Trong những năm gần đây, dân số của Đắk Lắk có biến động do tăng cơ học, chủ yếu do việc di dân ngoài kế hoạch từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến Đắk Lắk, điều này đã phá vỡ quy hoạch phát triển của tỉnh, trong đó có quy hoạch phát triển giáo dục; gây sức ép lớn về giải quyết đất ở, đất sản xuất và các vấn đề đời sống xã hội, an ninh trật tự và môi trường sinh thái...
*Ngành GD-ĐT Đắk Lắk đã chuẩn bị ra sao với các nguồn lực để triển khai CTGDPT mới?
- Cũng như các tỉnh thành trong cả nước, ngành GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai CTGDPT mới. Cụ thể, Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh triển khai thực hiện CTGDPT mới và xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện CTGDPT mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2025. Cùng đó, Sở GD&ĐT tham mưu Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Nghị quyết chỉ đạo việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và triển khai thực hiện CTGDPT mới trên địa bàn tỉnh.
Một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản mà ngành GD-ĐT đang triển khai để chuẩn bị thực hiện CTGDPT mới là tăng cường công tác truyền thông. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, quan điểm, nội dung, lộ trình đổi mới chương trình, SGK GDPT đến toàn thể CBQL, GV, NV ngành Giáo dục, PHHS và nhân dân địa phương; biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong chuẩn bị và thực hiện đổi mới CT, SGK để tạo sự tin tưởng, đồng thuận, đồng thời phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội trong thực hiện đổi mới giáo dục.
Mặt khác, phát triển đội ngũ CBQL, GV đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK GDPT. Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ GV và CBQL; giải quyết vấn đề thừa, thiếu cục bộ GV trong các nhà trường; xác định nhu cầu GV theo lộ trình thực hiện CT, SGK GDPT mới, đề xuất các phương án tuyển dụng GV hợp lý; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ CBQL, GV đáp ứng yêu cầu giáo dục/dạy học theo CTGDPT mới.
Ngành GD-ĐT quan tâm đến việc sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện CTGDPT mới. Cùng đó, tiến hành rà soát, đánh giá về cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị dạy học (TBDH) tại các cơ sở GDPT; xác định nhu cầu đầu tư, mua sắm, sửa chữa; tham mưu với UBND các cấp về việc tăng cường CSVC, thiết bị dạy học cho các trường phổ thông phục vụ nhu cầu đổi mới CT, SGK GDPT, trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp TH, ưu tiên các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đông học sinh dân tộc thiểu số...
*Quá trình thực hiện CTGDPT mới, đội ngũ CB, GV được đánh giá như mắt xích quan trọng. Ngành GD-ĐT Đắk Lắk đã tiến hành ra sao công tác xây dựng và bồi dưỡng?
-Thực hiện CTGDPT mới, vai trò của GV và CBQL phải có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn. Phải coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, biết sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội, biết sử dụng CNTT, phương tiện kỹ thuật dạy học, tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Để bồi dưỡng đội ngũ GVvà CBQL chuẩn bị đổi mới chương trình, SGK PT mới từ năm học 2020 - 2021, ngành GD-ĐT Đắk Lắk tiến hành nhiều giải pháp trọng tâm. Nâng cao trách nhiệm của các cấp quản lý, của người đứng đầu trong việc thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQL để chuẩn bị đổimới chương trình, SGK PT từ năm học 2020 – 2021.
Trên cơ sở đánh giá chuẩn hiệu trưởng và chuẩn GV hàng năm, ngành GD-ĐT xây dựng chương trình bồi dưỡng CBQL lý phù hợp với tình hình thực tế địa phương, giúp mỗi CBQL giáo dục phải đạt theo các tiêu chuẩn quy định.
Triển khai thực hiện đầy đủ, có chất lượng những nội dung bồi dưỡng chuẩn bị đổi mới CT, SGK PT theo Kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Tiếp tục làm tốt công tác điều tra, thống kê nhu cầu, vị trí việc làm ở các cơ quan, đơn vị toàn tỉnh để đăng ký chỉ tiêu đào tạo sau ĐH, ĐH, CĐ, TC một cách hợp lý, bảo đảm chất lượng đầu ra.
Đối với giáo dục phổ thông: Quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL và GV chuẩn bị cho việc thực hiện CT, SGK mới từ năm học 2020 - 2021.
Đối với trường CĐ và TC: Xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng GV, giảng viên đạt các tiêu chuẩn, bảo đảm năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
*Xin cảm ơn ông!