Chương trình Giáo dục phổ thông mới: “Xóa sổ” dạy chay

GD&TĐ - Đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực của học sinh là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, trong đó, giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu. Phương pháp giảng dạy đúng với đặc điểm môn học và tiết học cũng như đúng với đối tượng học sinh luôn là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng giảng dạy.

Trong giờ học tại Trường THCS Gia Sàng (Thái Nguyên).	Ảnh: Thế Đại
Trong giờ học tại Trường THCS Gia Sàng (Thái Nguyên). Ảnh: Thế Đại

Ứng dụng các kỹ thuật dạy học mới

Để đổi mới phương pháp dạy học phát huy năng lực HS, cô Lê Thị Kiều Yến, GV Trường Tiểu học Trần Thị Gấm, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) đã phát huy những mặt mạnh của việc sử dụng thiết bị dạy học. Cô không ngừng tìm hiểu thông tin về các cuộc thi làm đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học trên các trang thông tin điện tử,

Internet, kênh YouTube… để học hỏi thêm nhằm làm phong phú hơn cho đồ dùng – thiết bị dạy học của mình.

Sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy là mục tiêu hướng tới của giáo dục hiện đại. Trong từng bài học, GV không chỉ dừng lại ở đổi mới phương pháp giảng dạy, mà còn phải sáng tạo ra những đồ dùng dạy học, giúp HS tiếp thu nội dung bài học trực quan, sinh động, hiệu quả.

Trong các giờ học Tiếng Anh, cô Yến thay đổi với nhiều chủ đề khác nhau bằng cách làm tranh hình theo từng chủ đề bài học. Các tranh hình trên tán cây có thể dễ dàng gỡ xuống nên có thể sử dụng cây để làm trò chơi như: Hái hoa dân chủ, ong tìm mật, ô số may mắn... mô hình này giáo viên và học sinh có thể cùng làm. Điều này tạo thêm sự thân thiện giữa thầy và trò.

Nhằm lan tỏa tinh thần tự học và sáng tạo, thúc đẩy việc học và tự học của mỗi GV về kiến thức, về phương pháp, hình thức tổ chức giờ học, cô Đào Tuấn Anh, GV Trường THCS Thị trấn Vũ Thư (Thái Bình) đã đổi mới phương pháp dạy học phát huy năng lực của học sinh bằng việc ứng dụng các kĩ thuật dạy học mới trong tiết học Tiếng Anh.

Bằng những âm thanh vui nhộn kích thích hứng khởi cho học sinh và các kỹ thuật “Khăn trải bàn”, dạy học theo trạm… cô đã huy động tất cả học sinh trong nhóm cùng tham gia bài học. Giờ học đã phát huy tốt năng lực hợp tác, năng lực sử dụng CNTT, năng lực thuyết trình của các em HS, đồng thời cũng rèn luyện tư duy phản biện rõ ràng, khả năng tổng hợp kiến thức của mỗi HS.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Một trong những nội dung giúp học sinh hăng hái và nhiệt tình tham gia học tập chính là việc cô giáo sử dụng Kahoot để tương tác trực tiếp trên màn hình máy chiếu bằng cách trả lời các câu hỏi củng cố bài học, thống kê chất lượng tiết học và trao thưởng cho HS có thành tích học tập cao nhất trong giờ học.

Qua giờ học, học sinh rất hứng thú với cách học này. Đây là dịp để các em bổ sung những thiếu hụt của cá nhân giúp các em linh hoạt, chủ động học tập, có ý thức với môn học hơn.

Học sinh “không bị bỏ quên”

Theo thầy Nguyễn Duy Đức, GV Trường Tiểu học Phù Đổng, TPHCM, nếu phương pháp dạy học cũ có một ưu điểm lớn là phát huy trí nhớ, tậpcho học sinh làm theo một điều nào đó, thì phương pháp mới vẫn cần những ưuđiểm trên. Song cái khác căn bản ở đây là phương pháp giảng dạy cũ đã phần nhiều “bỏ quên học sinh”. Nên bình thường, học sinh bị động trong tiếp nhận. Còn phương pháp giảng dạy mới phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Trong Chương trình GDPT mới, GV không còn là người truyền thụ kiến thức mà là người hỗ trợ học sinh hướng dẫn tìm chọn và xử lý thông tin. Vị trí của nhà giáo không phải được xác định bằng sự độc quyền về thông tin và trí thức có tính đẳng cấp, mà bằng trí tuệ và sự từng trải của mình trong quá trình dẫn dắt học sinh tự học.

Một tiết dạy sinh động, thu hút HS không chỉ dừng lại ở những phương pháp thông thường, mà cần kết hợp nhiều phương tiện giảng dạy, trong đó sử dụng đồ dùng dạy học là ưu việt và hiệu quả nhất.

Cô Nguyễn Thị Thủy, GV Trường Tiểu học Quảng Cư (Thanh Hóa) cho rằng, trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, thiết bị đồ dùng dạy học là một trong những điều kiện cơ bản không thể thiếu để giáo viên, học sinh thực hiện mục tiêu dạy học. Hơn nữa thiết bị đồ dùng dạy học tạo điều kiện trực tiếp cho học sinh huy động mọi năng lực hoạt động nhận thức, tiếp cận thực tiễn, nâng cao khả năng tự học, rèn luyện kỹ năng học tập và thực hành.

“Dù trường có thiết bị dạy học, nhưng giáo viên cũng cần làm thêm các mô hình hỗ trợ cho việc dạy, nhằm giúp HS nắm bài và khắc sâu kiến thức hơn. GV phải tốn rất nhiều thời gian để làm ra một đồ dùng dạy học từ ý tưởng của mình. Phương pháp này cũng là cách xóa bỏ tình trạng dạy chay trong giáo dục”, cô Thủy chia sẻ.

Chính giáo viên phải khơi gợi, khuyến khích học sinh tự khẳng định năng lực và nguyện vọng của bản thân, đồng thời rèn cho các em thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và vận dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng đã tích luỹ. Từ đây tạo tiền đề để phát triển con người toàn diện trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới một nền giáo dục Việt Nam hiện đại và hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ