Chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới: Vững kiến thức, chắc kỹ năng

GD&TĐ - Từ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT cho thấy có nhiều đổi mới tích cực trong đề thi tốt nghiệp THPT các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) với hoạt động ngoại khóa trao đổi về phương pháp học tập. Ảnh: NTCC
Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) với hoạt động ngoại khóa trao đổi về phương pháp học tập. Ảnh: NTCC

Trong đó giảm các câu nặng về tính toán, nhưng tăng câu hỏi mang yếu tố ứng dụng thực tiễn và thực hành… Ngoài ra, các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật có điểm mới trong dạng hỏi; đặc biệt môn Địa lý không còn câu hỏi có thể sử dụng Atlat.

Thay đổi cách học bộ môn

Cô Vũ Thị Hương - Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) nhận xét, so với đề thi Chương trình 2006, đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT cho Chương trình GDPT 2018 môn Địa lý có nhiều điểm khác biệt. Từ đây, thí sinh cần lưu ý có những điều chỉnh trong cách học.

Trước hết, theo cô Hương, học sinh cần nắm bản chất vấn đề, không học tủ học, vẹt. Đề minh họa môn Địa lý có tính phân loại cao, đòi hỏi thí sinh không những có kiến thức nền tảng vững mà còn phải biết suy luận, liên hệ với kiến thức đã học ở lớp dưới, thực tế cuộc sống để trả lời câu hỏi. Ví dụ câu 2 phần trắc nghiệm nhiều lựa chọn của đề tham khảo, các em phải có kiến thức thực tế để trả lời câu đặc điểm của bão ở nước ta.

Hay câu 3 phần trắc nghiệm đúng - sai, các em phải nắm vững kiến thức về tác nhân gây ra biến đổi khí hậu, giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những nội dung kiến thức này có trong các chuyên đề học tập đã học hoặc phải dựa vào kiến thức thực tiễn. Ngoài ra, thí sinh phải vận dụng tốt mối liên hệ giữa yếu tố địa lý, như mối liên hệ giữa các yếu tố tự nhiên với tự nhiên, tự nhiên với kinh tế xã hội, tức là phải tư duy để hiểu bản chất cốt lõi vấn đề.

Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý không được mang Atlat vào phòng thi, vì vậy sẽ không còn những câu hỏi rèn luyện kỹ năng dựa vào khai thác Atlat.

Tuy vậy, những kiến thức liên quan đến xác định không gian của đối tượng địa lý vẫn được đưa vào đề thi, ví dụ câu 1 và câu 10 phần trắc nghiệm nhiều lựa chọn trong đề tham khảo, thí sinh phải biết Việt Nam tiếp giáp với những quốc gia nào, các huyện đảo của nước ta thuộc vùng hoặc tỉnh nào. Như vậy, dù không được đem Atlat vào phòng thi nhưng trong quá trình học tập, các em phải luôn rèn luyện kỹ năng khai thác Atlat, nếu không thường xuyên khai thác Atlat thì những câu nhận biết thế này sẽ trở thành câu hỏi khó.

Các kỹ năng thực hành phổ biến trong đề thi là những câu rèn luyện kỹ năng khai thác bảng số liệu và biểu đồ, câu tính toán trả lời ngắn. “Để không bị sai các câu này, học sinh cần đọc kỹ chú giải đối với biểu đồ rồi nhận xét, xem đối tượng tăng hay giảm, có sự biến động hay ổn định, tăng ít hay nhiều, nhanh hay chậm.

Môn Địa lý khác các môn xã hội khác, có thêm phần trắc nghiệm trả lời ngắn, đây là những câu tính toán. Thường các câu trả lời ngắn có ít nhất từ hai bước tính toán trở lên, đặc biệt phải biết cách làm tròn số và tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm đối với câu trả lời ngắn, các em không chú ý sẽ dễ sai khi tô phần trắc nghiệm này”, cô Hương lưu ý.

Với môn Lịch sử, theo cô Trương Thị Thu Trang - Trường THPT Sơn Trà (Đà Nẵng), giáo viên cần hướng dẫn thêm cho học sinh kỹ năng quản lý thời gian, chọn lọc ý để tối ưu điểm số; kỹ năng làm trắc nghiệm lựa chọn đáp án đúng nhất và đúng - sai.

Trong quá trình ôn tập, học sinh có thể dùng bảng tóm tắt, sơ đồ tư duy để học. Phân loại trục thời gian hoặc sơ đồ cho chiều dọc; so sánh đối chiếu theo chiều ngang. Ngoài tự học, có thể tổ chức học theo nhóm và tìm kiếm “đồng minh”, “đồng đội”, mỗi người đặt ra một câu hỏi để người khác trả lời.

vung-kien-thuc-chac-ky-nang2.jpg
Ảnh minh họa.

Hình thành năng lực tổng hợp

Thầy Hoàng Trọng Nghĩa - Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết, với môn Sinh học, đề thi tham khảo có nhiều câu sử dụng hình ảnh ở cả 3 dạng câu hỏi. Vì vậy, ngoài kiến thức cơ bản, kỹ thuật làm bài với từng dạng câu hỏi, học sinh cần có kỹ năng khai thác kênh hình.

Vì vậy, trong quá trình dạy học và xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập, giáo viên cần tích cực khai thác các câu hỏi có kèm theo hình ảnh. Điều này giúp học sinh rèn luyện thêm kỹ năng quan sát, phân tích để làm tốt hơn bài thi.

Sau mỗi tiết học, giáo viên cần đưa ra nhiều dạng câu hỏi để luyện tập củng cố kiến thức như câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn, câu hỏi đúng/sai, câu hỏi trắc nghiệm ngắn, câu hỏi điền khuyết… Với hoạt động vận dụng, thầy cô cần tích cực đưa ra bài tập, câu hỏi liên hệ thực tế để học sinh phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng; chú trọng lồng ghép kiến thức thực tế qua bài thực hành.

Cô Lê Thị Kim Bông - Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) thì cho rằng, đề minh họa môn Hóa học đã “trả môn Hóa về đúng với môn Hóa”, tức là đề đã giảm yếu tố tính toán, nhiều câu liên quan đến ứng dụng thực tiễn; nếu học sinh không nắm chắc bản chất hóa học, thiếu kỹ năng vận dụng, tổng hợp thì khó đạt điểm cao.

Phân tích cấu trúc của đề minh họa môn Hóa học, theo cô Bông, nội dung câu hỏi thiên về lý thuyết và bản chất hóa học, ít câu hỏi tính toán hơn. Có nhiều câu liên quan đến ứng dụng thực tiễn yêu cầu học sinh phải hiểu sâu về bản chất hóa học để đạt điểm cao. Vì vậy, trong quá trình dạy học, ngoài cung cấp kiến thức, giáo viên cần đầu tư dạy cho học sinh biết phân tích sâu về lý thuyết, giảm các bài toán tính phức tạp, không đúng thực tế vận dụng.

Với môn Vật lý, cô Trần Thị Hà Thu - giáo viên Trường THPT Hướng Phùng (Quảng Trị) cho rằng, dù các câu hỏi chủ yếu nằm ở phần kiến thức lớp 12 nhưng để có thể đạt điểm cao nhằm hướng tới mục tiêu xét tuyển sinh đại học, học sinh cần nắm chắc kiến thức, kỹ năng đã học ở các lớp dưới.

Ngoài ra có một số câu hỏi liên quan đến kỹ năng thực hành và thí nghiệm. Vì vậy, giáo viên cần rèn thêm cho học sinh; bổ sung thêm câu hỏi liên quan đến thực tiễn, ứng dụng của vật lý trong đời sống, khoa học và công nghệ. Học sinh cần tập trung ôn tập theo hướng hiểu bản chất, gắn vật lý với các yếu tố thực tiễn, ứng dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.