Chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới: Lưu ý với đề tham khảo tiếng Anh

GD&TĐ - Ngoài việc giáo viên thay đổi cách dạy, học sinh cũng phải chủ động để thích ứng với sự đổi mới này.

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường THPT Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TPHCM). Ảnh: MA
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường THPT Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TPHCM). Ảnh: MA

Đề tham khảo tiếng Anh từ năm 2025 được đánh giá hay nhưng thách thức với thí sinh, trong đó điểm mới nổi bật là chuyển từ chú trọng kiểm tra kiến thức ngôn ngữ sang đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ trong thực tế.

Đa dạng hình thức kiểm tra

Cô Huỳnh Anh Du - Trường THPT Võ Thị Sáu (Bình Thạnh, TPHCM) nhận định, qua đề tham khảo, có thể thấy đề thi tốt nghiệp THPT năm nay chú trọng vào việc vận dụng tiếng Anh, cũng như đánh giá được kỹ năng của học sinh một cách cụ thể hơn. Đề không còn các câu ngữ pháp, từ vựng đơn lẻ nữa mà được lồng ghép vào bài đọc, bản thông báo, quảng cáo thực tế.

Điều này gây khó khăn cho học sinh, nhưng đó là các em có lối học ngôn ngữ máy móc, còn nếu kiến thức nền tốt, học sinh sẽ liên hệ được những gợi ý có trong văn bản đề, vì nhìn lại đề vẫn là những câu hỏi ngữ pháp, từ vựng nhưng ở hình thức khác.

“Thay đổi trong cấu trúc đề thi sẽ tạo nhiều thử thách cho học sinh. Tuy nhiên, sự thay đổi này theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương phát triển phẩm chất năng lực cho các em. Từ đó, giáo viên cũng cần thay đổi cách dạy, nghiên cứu các phương pháp.

Chẳng hạn như ‘skimming’, ‘scanning’ phổ biến trong các bài đọc để truyền tải một cách dễ hiểu hơn, giúp các em vận dụng được vào bài làm. Từ kiến thức nền căn bản của bài học, giáo viên nên cho học sinh thực hành dưới dạng đề mới từng chút một để không bị bội thực kiến thức”, cô Anh Du cho hay.

Thầy Trần Ngọc Hữu Phước - Tổ trưởng Tổ Anh văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) cho rằng, thay vì dạy các chủ điểm ngữ pháp một cách riêng lẻ, giáo viên cần dạy ngữ pháp trong các tình huống thực tế như đoạn hội thoại, bảng thông báo, mẫu quảng cáo hay những email… Bên cạnh ngữ pháp, giáo viên cần chú trọng phát triển vốn từ vựng cho học sinh, mở rộng từ các từ vựng trong sách giáo khoa sang từ vựng gắn liền với thực tiễn cuộc sống.

“Giáo viên nên sử dụng đa dạng hình thức kiểm tra học sinh nhằm đánh giá toàn vẹn năng lực. Thầy cô có thể yêu cầu học sinh viết email, báo cáo ngắn, tạo ra các mẫu quảng cáo, thông báo hoặc thuyết trình về một chủ đề đời sống, qua đó giúp đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ thay vì chỉ kiểm tra kiến thức ngữ pháp riêng lẻ”, thầy Hữu Phước nhấn mạnh.

luu-y-voi-de-tham-khao-tieng-anh2-7420.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Học sinh cần thay đổi tư duy

Theo chia sẻ của các giáo viên tiếng Anh, sự thay đổi về cấu trúc và nội dung làm tăng độ khó của đề thi. Trong mỗi dạng bài đều có câu hỏi ở các cấp độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng. Tuy nhiên, học sinh phải đọc kỹ đoạn văn hơn vì nếu là câu hỏi riêng lẻ thì có thể chỉ mất vài giây để chọn được đáp án nhưng dưới dạng đoạn văn sẽ mất thời gian hơn vì câu dài và có logic ý tứ. Đây cũng là một thách thức với học sinh vì phải xử lý 40 câu hỏi dưới dạng đoạn văn bản chỉ trong vòng 50 phút.

Theo thầy Trần Ngọc Hữu Phước, so với năm ngoái, đề thi tham khảo năm nay không còn phần phát âm dấu nhấn và phần điền vào bảng thông báo - announcements. Thêm điểm mới nữa là số lượng câu hỏi sắp xếp đoạn văn tăng từ 2 lên 6 câu, số lượng câu hỏi mỗi bài đọc hiểu cũng tăng lên. Sự thay đổi trong cấu trúc đề thi tạo nhiều thử thách cho học sinh. Tuy nhiên, sự thay đổi này theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương phát triển phẩm chất - năng lực người học.

Do đó, theo thầy Phước, học sinh cần thay đổi tư duy học ngoại ngữ: Chủ động tiếp thu kiến thức mới thông qua tình huống thực tế, tránh học vẹt, học mẹo, sáo rỗng; tiếp cận với tài liệu thực tế và đa dạng như đọc báo, xem phim, nghe nhạc, hoặc đọc các bài viết trên mạng xã hội bằng tiếng Anh. Điều này giúp các em làm quen với cách diễn đạt tự nhiên, phong cách ngôn ngữ đa dạng và văn hóa bản xứ.

“Đặc biệt, học sinh cần tăng cường tự luyện tập sử dụng ngôn ngữ, dành nhiều thời gian thực hành tiếng Anh trong các ngữ cảnh thực tế hơn. Chẳng hạn, học sinh có thể tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, xem phim, nghe nhạc, đọc sách báo tiếng Anh để làm quen với cách sử dụng ngôn ngữ trong đời sống”, thầy Phước cho hay.

Tương tự, cô Huỳnh Anh Du cho rằng: “Các em nên ưu tiên học từ vựng của các bài trên lớp thật vững trước để có dữ liệu làm bài đọc. Trong những bài đọc, bài báo các bạn lướt qua, hãy dùng nó để ôn kiến thức ngữ pháp, tìm và phân tích có điểm ngữ pháp nào mà mình đã học qua. Đây là cách kết hợp tốt nhất để thích nghi với cấu trúc để mới, cũng là cách ôn tập kiến thức tối ưu nhất”.

Với đề thi tham khảo tốt nghiệp 2025, cả giáo viên và học sinh cần thay đổi cách dạy và học. Trong đó giáo viên chú trọng vào việc dạy kỹ năng đọc - hiểu, mở rộng vốn từ cho học sinh. Bên cạnh đó, học sinh không thể học tủ, học vẹt như trước mà cần học tập chủ động, đọc nhiều loại văn bản khác nhau để mở rộng kiến thức, vốn từ... - Thầy Trần Ngọc Hữu Phước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.