Theo nhận định của các giáo viên, để đạt điểm cao, học sinh cần học chắc kiến thức nền tảng, hiểu bản chất vấn đề.
Nắm chắc kiến thức cơ bản
Thầy Lâm Vũ Công Chính - giáo viên môn Toán, Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) cho rằng, đề minh họa môn Toán của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tương đối khó với học sinh. Trong đó, nội dung kiến thức khá nhiều, dàn trải của chương trình lớp 10, 11, 12. Đặc biệt, những câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 nhiều hơn so với đề thi toán những năm gần đây.
Thầy Chính phân tích, đề minh họa được thiết kế theo 3 phần (3 dạng thức) với các mức độ, yêu cầu khác nhau. Phần 1 gồm 12 câu hỏi trắc nghiệm một lựa chọn ở mức độ nhận thức. Đây là phần kiểm tra kiến thức tổng quát được trải rộng ở nhiều mảng. Phần 2 gồm 4 câu hỏi dạng đúng, sai và phần 3 gồm 6 câu hỏi dạng điền kết quả có nhiều sự phân hóa, tập trung vào các câu hỏi liên hệ thực tế. Các câu hỏi liên quan kiến thức lớp 11 và lớp 12, tập trung vào nội dung nguyên hàm, tích phân, xác suất, phương pháp tọa độ trong không gian, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của hàm số...
“Để đạt kết quả tốt với dạng đề thi này, học sinh cần nắm vững các kiến thức của chương trình Toán 12, đồng thời củng cố kiến thức của lớp 10 và 11 trong quá trình học tập. Muốn giải quyết được các tình huống của bài toán liên hệ thực tế, các em cần vận dụng kiến thức, có những lập luận logic để đưa ra thuật toán, lời giải. Bên cạnh đó, học sinh còn biết cách chuyển dữ kiện đề bài thành các biểu thức, hàm số, công thức... Một số bài toán có liên hệ kiến thức môn Vật lý, Thiên văn,... các em cũng nên tìm hiểu thêm”, thầy Chính khuyên.
Tương tự, thầy Đồng Văn Đạt - Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Marie Curie (Quận 3, TPHCM) chia sẻ, mới đọc qua đề minh họa thấy khá khó và dài, nhưng nếu học kỹ và nắm vững kiến thức cơ bản thì dễ hơn đề thi tốt nghiệp THPT của những năm trước. Ở phần trắc nghiệm nhiều lựa chọn xoay quanh công thức, kiến thức cơ bản. Trắc nghiệm đúng - sai là phần mới, tăng cường mức độ khó khi yêu cầu thí sinh phải nhận diện được nội dung câu trả lời mà đề thi nêu ra là đúng hay sai.
Phần trắc nghiệm trả lời ngắn cũng là phần mới, nâng cao, dùng để phân loại thí sinh, kiến thức gồm các loại toán tư duy logic và có thể rơi vào chương trình lớp 10, 11. Do đó, đề thi không chỉ phân loại thí sinh tốt, yêu cầu khả năng vận dụng cao mà còn tránh được tình trạng đoán đáp án, đánh bừa của thí sinh.
“Đề thi dùng để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học cho nên có sự phân hóa. Do đó, để đạt được điểm cao đòi hỏi từ giai đoạn ban đầu, trong quá trình giảng dạy, thầy cô phải dành ra những tiết riêng để giúp các em làm quen, biết cách phân tích toán thực tế. Với học sinh, để đạt điểm cao cần học chắc kiến thức nền tảng, hiểu bản chất vấn đề. Tăng cường liên hệ với các môn học khác, liên hệ thực tế. Bên cạnh đó cần rèn kỹ năng đọc, phân tích đề và lên phương án giải quyết vấn đề. Rèn kỹ năng tính toán nhanh và chính xác. Tăng cường luyện tập, giải toán và làm đề với đa dạng các nội dung”, thầy Đạt chia sẻ.
Có kế hoạch học tập phù hợp
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các trường đã chỉ đạo tổ chuyên môn lên kế hoạch tổ chức họp bàn để nghiên cứu, thảo luận những điểm mới, cũng như nội dung học sinh có thể gặp khó khăn. Dựa trên đó, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học, phương thức kiểm tra đánh giá phù hợp, nhằm hỗ trợ học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.
Theo chia sẻ của nhiều thầy cô, việc học tập và ôn luyện phải có kế hoạch cụ thể theo từng tuần, ngày để mang lại hiệu quả, nếu đến sát ngày thi học sinh sẽ càng cuống, dẫn đến ôn luyện không hiệu quả, hay bị mất tinh thần và lo lắng.
Theo thầy Đồng Văn Đạt, cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. “Với đề thi minh họa này, học sinh cần điều chỉnh việc học tập, ôn luyện, bám sát tinh thần của Chương trình GDPT mới nhằm có sự chuẩn bị sớm và tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025”, thầy Đạt cho hay.
Tương tự, cô Trần Yến Phương - giáo viên môn Toán, Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức, TPHCM) cho rằng, học sinh lớp 12 cần lên kế hoạch ôn tập hợp lý từ sớm, không để lại những phần kiến thức nào chưa hiểu rõ và cần giải quyết những vấn đề mình gặp phải kịp thời. Hơn nữa, lưu ý giữ sức khỏe tốt, duy trì tinh thần lạc quan và tự tin vào khả năng của bản thân.
Cũng theo cô Phương, môn Toán được nhiều thí sinh lựa chọn để xét tuyển vào các ngành bậc đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, đây cũng là môn học không “dễ thở”, thậm chí nhiều học sinh e dè vì lượng kiến thức lớn, bài học nhiều và nội dung rộng mở.
Để ôn tập và làm bài thi môn Toán trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh phải có kế hoạch học tập và ôn luyện hợp lý từ sớm. “Khi đã lập kế hoạch rồi, các em cần nghiêm túc thực hiện, thậm chí có thể phải hy sinh một vài sở thích. Một ngày của giai đoạn này có thể có giá trị hơn so với một ngày trước đây, bởi thế, các em cần nâng niu, trân trọng từng giây, phút”, nữ giáo viên khuyên.
Cô Yến Phương nhấn mạnh: Với bất kỳ môn học nào, nếu học sinh chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu năm học, các em sẽ đủ kiến thức và kỹ năng để làm bài thi tốt. Đề minh họa được công bố sớm là cơ hội tốt để các em làm quen, cọ xát với dạng bài mới và chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi chính thức sắp tới.