Chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới: Bắt nhịp với đề thi Ngữ văn

GD&TĐ - Trước yêu cầu mới của đề thi, các GV đã đưa ra một số lưu ý về phương pháp dạy và học môn Ngữ văn để HS lớp 12 đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Nam Định. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Nam Định. Ảnh: TG

Rèn luyện kỹ năng cần thiết

Theo cô Hoàng Thị Nghiệp - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang), Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, lần đầu tiên đề thi thoát ly hoàn toàn ngữ liệu trong sách giáo khoa để đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới của Chương trình GDPT 2018. Chương trình Ngữ văn mới và đề thi môn Ngữ văn có sự thay đổi nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh, không chỉ ở kiến thức mà còn là kỹ năng viết.

Từ việc phân tích đề minh họa môn Ngữ văn, nhóm chuyên môn của nhà trường đã xây dựng đề thi giữa và cuối kỳ theo đúng cấu trúc đề minh họa môn Ngữ văn mà Bộ GD&ĐT công bố. Điều này nhằm giúp học sinh làm quen với dạng bài, yêu cầu và mức độ của đề thi chính thức.

Trong các tiết học tăng cường, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu cấu trúc của đề thi thông qua đề minh họa, giúp các em hiểu rõ yêu cầu từng phần trong đề thi, từ các cấp độ câu hỏi như nhận biết, thông hiểu đến vận dụng, đồng thời nắm được cách phân bổ điểm số và các kỹ năng cần thiết cho từng câu hỏi.

Cô Nghiệp phân tích, vì ngữ liệu nằm hoàn toàn ngoài chương trình sách giáo khoa nên giáo viên cần chú trọng giúp học sinh cách phát hiện đặc điểm riêng của từng thể loại văn học: Đối với thơ, các em cần nắm được chủ thể, nhân vật trữ tình, hình ảnh, từ ngữ và biện pháp tu từ; cấu tứ và biểu tượng trong thơ, tự sự trong thơ; siêu thực, tượng trưng, phong cách cổ điển - lãng mạn trong thơ.

Còn với truyện, học sinh cần nắm được nhân vật, câu chuyện, người kể chuyện ngôi thứ 3; điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật, sự thay đổi điểm nhìn, nối kết giữa lời người kể chuyện, lời nhân vật; sự phù hợp của người kể chuyện, điểm nhìn… trong việc thể hiện chủ đề của văn bản.

Thông qua đó, giáo viên có thể đưa ra những hướng dẫn và tài liệu ôn tập phù hợp với khả năng từng học sinh, giúp người học tập trung vào các dạng bài cần cải thiện, từ đó nâng cao kỹ năng làm bài Ngữ văn. “Các giải pháp trên không chỉ tạo cơ hội cho học sinh tập dượt, rèn luyện kỹ năng làm bài mà còn giúp các em phát hiện kịp thời những điểm yếu để có kế hoạch ôn tập hiệu quả hơn. Từ đó, học sinh thêm tự tin và nâng cao kết quả trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, cô Nghiệp trao đổi.

bat-nhip-voi-de-thi-ngu-van-2.jpg
Cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội). Ảnh: TG

Nắm vững đặc trưng thể loại

Hơn 30 năm gắn bó với ngành Giáo dục, cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cho rằng, thông qua các bài học trong sách giáo khoa sẽ giúp học sinh nắm chắc kiến thức về thể loại tác phẩm văn học; các yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm; kỹ năng phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học nói chung.

Giáo viên cần tìm những ngữ liệu văn học nằm ngoài sách giáo khoa một cách phù hợp để ra các đề bài theo đề mẫu của Bộ GD&ĐT giúp học sinh luyện tập. Tổ chức nhiều giờ thuyết trình về các vấn đề xã hội để học sinh có cơ hội tự tìm hiểu và trình bày trước lớp. Qua đó, người học từng bước rèn luyện khả năng trình bày trước đám đông cho học sinh.

Thầy cô cũng nên yêu cầu học sinh tăng cường đọc sách để tự tìm ra những ngữ liệu văn học cũng như các vấn đề xã hội đáng quan tâm. Từ đó có hướng tự nghiên cứu hoặc thảo luận nhóm rồi cử đại diện nhóm trình bày với cô giáo và các bạn.

Lưu ý với học sinh, cô Hằng Nga yêu cầu không học vẹt, tránh lối tư duy văn mẫu. Thay vào đó, các em cần hiểu sâu các bài giảng trên lớp về thể loại tác phẩm cùng các yếu tố liên quan. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể làm được bài thi với các ngữ liệu mới không có trong sách giáo khoa.

“Học sinh phải rèn luyện tư duy trước những vấn đề mới; rèn khả năng sáng tạo, diễn đạt sáng rõ, lưu loát; chữ viết cũng cần luyện để rõ ràng, sạch sẽ và nếu đẹp thì càng tốt. Ngay từ bây giờ, các em hãy thực hành kế hoạch học tập cụ thể, hiệu quả để sẵn sàng trước thềm kỳ thi quan trọng này”, cô Nga nói.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Anh - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) nhìn nhận, với định dạng đề thi mới, giáo viên cần đặc biệt quan tâm đến việc dạy kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là các phương pháp và kỹ thuật làm bài theo đặc trưng loại thể. Nâng cao kỹ năng phân tích, đánh giá, cảm nhận văn bản, đoạn văn bản.

Với phần làm văn, định dạng đề mới có sự thay đổi linh hoạt giữa phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Cụ thể, trước đây, nghị luận xã hội mặc định là viết đoạn còn nghị luận văn học là viết bài. Cấu trúc đề thi ngữ văn theo Chương trình GDPT mới linh hoạt lệnh hỏi. Nếu phần nghị luận xã hội là viết bài thì phần nghị luận văn học sẽ viết đoạn và ngược lại.

Do vậy, giáo viên nên trang bị cho thí sinh những kỹ thuật phân tích, đánh giá văn bản và đoạn văn bản một cách kỹ càng. Cùng đó, thầy cô cần đặc biệt quan tâm giúp các em nắm vững kỹ thuật viết đoạn cũng như bài nghị luận xã hội để học sinh không bị nhầm lẫn, dẫn đến mất điểm về hình thức.

“Các thầy cô cũng cần tổ chức ôn tập bám sát định dạng đề, chú trọng việc rèn luyện thực hành hằng ngày, nâng cao khả năng phản ứng với đề, tăng cường tư duy sáng tạo và văn hóa đọc cho học sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá qua nhiều hình thức khác nhau nhằm khuyến khích các em tích cực học tập và dần thành thạo trong kỹ năng làm bài”, cô Nguyễn Thị Anh chia sẻ thêm.

Có nhiều năm giảng dạy Ngữ văn tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), cô Phạm Thị Hồng Hạnh lưu ý: Điều quan trọng nhất là học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản, có sự chuẩn bị kỹ từ sớm để bổ sung cho mình những kỹ năng cần thiết. Với đề thi mới, các em được thoải mái thể hiện sự sáng tạo chứ không chỉ học thuộc lòng kiến thức. Đây cũng là điểm tích cực để thí sinh hiểu vấn đề và có thể áp dụng ngoài cuộc sống nên việc rèn luyện tư duy nhạy bén, tìm hiểu kiến thức xã hội đóng vai trò rất quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.