Chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới: Luôn bên học trò

GD&TĐ - Năm học đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018, dù chuẩn bị sớm nhưng phụ huynh, học sinh lớp 12 không tránh khỏi lo lắng trước những thay đổi...

Học sinh Hà Tĩnh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: TL
Học sinh Hà Tĩnh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: TL

Còn những lo lắng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đó. Trước hết, kỳ thi chuyển đổi từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực tổng quát. Điều này đòi hỏi các em phải nắm vững kiến thức và có khả năng tư duy, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Trước thay đổi này, nhiều thí sinh không khỏi lo âu. Lê Khánh Chi - học sinh lớp 12 Sử, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh chia sẻ: “Điều em quan tâm nhất liệu có đỗ vào trường ĐH theo đúng nguyện vọng? Vì dạng đề thi mới đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn chứ không chỉ là nhớ kiến thức. Một trong các môn em lo lắng là Ngữ văn. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, môn này sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa - đây là một thử thách với em”.

Ngoài ra, số lượng câu hỏi trong ngân hàng đề thi còn khan hiếm. Mặt khác, học sinh cuối cấp có thêm lo lắng đó là kiến thức thi không những bao phủ 3 năm cấp THPT mà còn đòi hỏi học sinh lớp 12 phải biết ứng dụng thực tế khi làm bài.

Bùi Thị Linh Chi - học sinh lớp 12, Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhận xét đề thi minh họa theo Chương trình GDPT 2018 có nhiều câu đòi hỏi vận dụng tư duy, hiểu biết để trả lời. Vì vậy, bên cạnh việc học theo sách giáo khoa, Chi và các bạn còn tìm thêm nhiều tài liệu để ôn tập.

“Qua tìm hiểu, em thấy đề thi tham khảo có sự phân hóa lớn giữa học sinh giỏi và trung bình. Chính vì vậy, em nghĩ, những học sinh khá - nằm ở tốp giữa khó để hoàn thành bài thi lấy điểm cao như những năm trước”, Linh Chi bày tỏ. Tuy nhiên, nữ sinh cũng cho rằng việc thay đổi này mang lại nhiều giá trị tích cực, giúp học sinh có thể phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, tránh tình trạng học vẹt, học tủ.

Về phía phụ huynh cũng không tránh lo lắng. Những ngày qua, chị Nguyễn Thị Thu Hà (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) thường xuyên theo dõi báo, đài, trao đổi với giáo viên để nắm bắt thông tin mới về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. “Tuy nhiên, trước những thay đổi, tôi cũng lúng túng trong việc hỗ trợ con”, chị Hà bày tỏ.

luon-ben-hoc-tro3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Giảm “sốc” cho học trò

Ông Đậu Quang Hồng - Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) cho biết, ngay sau khi có đề tham khảo và hướng dẫn của Bộ, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có văn bản chỉ đạo các trường giới thiệu đề thi tham khảo đến tất cả giáo viên, học sinh; tổ chức sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, phân tích ma trận, cấu trúc đề thi, xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phù hợp thực tiễn nhà trường để đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Trên tinh thần chỉ đạo của ngành, các trường học đã thực hiện nghiêm túc.

Chia sẻ của cô Phan Thị Mai Ưng - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Hồng Lĩnh (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), đề thi tham khảo môn Ngữ văn không nằm ngoài dạng cấu trúc mà Bộ đã công bố tháng 12/2023 nên học sinh có thể yên tâm, vì đã tiếp cận đề thi. Đây là một kiểu dạng đề có cấu trúc phù hợp xu thế thời đại, giảm bớt tâm lý áp lực cho học sinh, đảm bảo đúng mục tiêu đề ra của Chương trình GDPT 2018.

“Với yêu cầu ra đề văn bản ngoài sách giáo khoa triệt tiêu được việc đoán đề, tác phẩm, hạn chế học tủ và các bài văn mẫu có sẵn. Đề thi cũng kiểm tra được kỹ năng đọc hiểu, viết của học sinh trong quá trình phân tích. Đề thi đã thay đổi cơ cấu, quỹ điểm cho phần đọc hiểu nhiều hơn, điều này rất quan trọng thực tế với đọc hiểu, nghe hiểu, đòi hỏi tư duy sâu sắc cho thế hệ trẻ”, cô Mai Ưng nhận xét.

Trước tâm lý lo lắng của học sinh, cô Ưng cho rằng thay đổi này là cơ hội để các em phát huy tiềm năng, rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện và tiếp cận với cách học tập hiệu quả hơn. Do đó, học sinh cần nắm chắc phương pháp làm bài, học kỹ đặc trưng thể loại văn học, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu tốt. “Tôi tin với cấu trúc mới sẽ tạo ra môi trường thi cử công bằng hơn vì kết quả của kỳ thi không phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng ghi nhớ mà cả tư duy, năng lực thực sự của mỗi học sinh”, cô Ưng phân tích.

Thầy Võ Trí Dũng, Tổ phó Tổ Lý-Tin-TKCN trường THPT Hồng Lĩnh chia sẻ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, môn Tin học sẽ lần đầu tiên xuất hiện, sẽ là một trong số các môn thi tự chọn.

Để có thể hướng dẫn học sinh ôn tập và làm bài tốt trước hết giáo viên phải nghiên cứu kỹ yêu cầu cần đạt của bộ môn để xây dựng kế hoạch ôn thi cũng như định hướng ôn tập đúng trọng tâm. Trên cơ sở ma trận đề tham khảo tiến hành xây dựng ngân hàng bài tập, câu hỏi để hướng dẫn học sinh ôn tập.

Với môn Tin học hiện nay gắn với ứng dụng thực tiễn vì thế đây là môn học có tính định hướng nghề nghiệp cho học sinh, là nền tảng quan trọng cho nhiều ngành nghề.

Để ôn tập và làm bài tốt, các em cần chủ động nắm bắt nội dung kiến thức, ôn tập bám sát kiến thức cơ bản, luyện làm đề theo cấu trúc định dạng đề thi. Nhất là các dạng đề trắc nghiệm theo từng chủ đề và những dạng tổng hợp.

Ngoài ra, đây là môn học có tính ứng dụng cao nên các em học sinh cần tăng cường thực hành trên máy tính để có cơ hội thao tác thực tế và ghi nhớ kiến thức tốt hơn.

Tại Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), giáo viên các bộ môn đang trong quá trình tìm hiểu, thích nghi cấu trúc mới nhằm đưa ra phương án tối ưu trong giảng dạy, ôn tập phù hợp. Thầy Nguyễn Cao Thiện - giáo viên môn Toán cho rằng, sự khác biệt về cấu trúc trong đề thi môn Toán tạo nên nhiều bỡ ngỡ cho người học và dạy. Theo cấu trúc mới, việc tìm kiếm điểm số sẽ khó khăn hơn đối với học sinh, nhất là những em có sức học trung bình, yếu.

Cũng theo thầy Thiện, với nhiều thay đổi nên để làm tốt bài thi, học sinh cần bám sát sách giáo khoa, chương trình giảng dạy của thầy cô ở trường. Thực tế, thầy cô ít nhiều sẽ là lực lượng tiên phong tìm hiểu về sách giáo khoa, phương thức thi mới để đưa ra phương pháp giảng dạy hợp lý, hiệu quả cho học sinh.

“Vì là năm đầu thi theo Chương trình GDPT mới, nên các kiến thức, kinh nghiệm thi cử trước đó chỉ mang tính tham khảo. Các em nên tích cực luyện tập, rèn luyện các dạng đề, bài tập được ra theo phương thức mới để tạo thói quen. Cố gắng học kỹ những kiến thức mình được truyền đạt, tiếp cận chắc chắn bài tập đã biết để hạn chế sai sót. Có định lượng, lựa chọn bài tập phù hợp với năng lực”, thầy Thiện lưu ý.

Năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018, việc nghiên cứu kỹ đề tham khảo, phân tích ma trận, cấu trúc đề thi để thấy được những điểm mới, sự thay đổi so với đề thi theo chương trình cũ cũng như những điều chỉnh, thay đổi so với đề thi của Bộ GD&ĐT công bố ngày 29/12/2023 có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp cận đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Từ đó, các đơn vị sẽ chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. - Ông Đậu Quang Hồng (Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ