Chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới: Tự tin vượt qua môn mới

GD&TĐ - Năm 2025, Công nghệ và Tin học là 2 môn lần đầu tiên có mặt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) trong giờ Tin học. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) trong giờ Tin học. Ảnh: NTCC

Đề tham khảo 2 môn này không chỉ mới với học sinh mà cả giáo viên. Do đó, các địa phương, nhà trường tích cực chuẩn bị để tạo hành trang tốt nhất cho học sinh lựa chọn hai môn học này.

Chuẩn bị từ sớm, từ xa

Trên địa bàn tỉnh An Giang, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh cho biết, theo khảo sát sơ bộ có 290 học sinh chọn thi môn Tin học, chiếm tỷ lệ 1,98%; 296 học sinh chọn môn Công nghiệp - Nông nghiệp, tỷ lệ 2,02%; 156 em chọn môn Công nghệ - Công nghiệp, tỷ lệ 1,06%.

Cũng theo ông Trần Tuấn Khanh, ngay từ năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT An Giang triển khai công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, như tập huấn cho giáo viên Tin học tiếp cận với nội dung lập trình Python, trí tuệ nhân tạo, các phần mềm ứng dụng, ngôn ngữ lập trình… Từ đó giúp giáo viên nâng cao trình độ tay nghề, phương pháp giảng dạy đáp ứng theo chương trình mới.

Cùng với các môn học khác, hai môn Tin học và Công nghệ được Hội đồng cốt cán cấp tỉnh quan tâm bàn bạc, thảo luận giải quyết những vấn đề khó trong tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá như xây dựng đề kiểm tra định kỳ, cuối kỳ. Năm học 2024 - 2025, Hội đồng cốt cán cấp tỉnh cùng xây dựng một số câu hỏi dựa theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT; phân tích dạng câu hỏi theo chủ đề, tổ chức dạy học, cung cấp đầy đủ kiến thức theo yêu cầu cần đạt của chương trình, giúp trang bị tốt cho học sinh đáp ứng yêu cầu Kỳ thi tốt nghiệp THPT với hai môn mới này.

Là Tổ trưởng chuyên môn Tổ Công nghệ - Tin học, thầy Trang Minh Thiên - Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) bắt đầu định hướng các thành viên trong tổ từ khi Bộ GD&ĐT ban hành đề minh họa cho cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (cuối năm 2023). Khi có đề tham khảo chính thức tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Theo đó, thầy tổ chức các buổi họp chuyên môn để phân tích kỹ đề tham khảo. Hướng dẫn giáo viên tập trung làm rõ các dạng câu hỏi, mức độ khó và cách thức đánh giá năng lực học sinh trong từng câu hỏi của đề tham khảo. Sau khi phân tích, xác định các nội dung trọng tâm, phương pháp giảng dạy phù hợp và những kỹ năng cần thiết mà học sinh cần có.

Bước tiếp theo là xây dựng kế hoạch giảng dạy và ôn tập đồng bộ, có sự thống nhất về nội dung, hình thức ở các lớp. Cụ thể, lập kế hoạch giảng dạy chi tiết, phân bổ thời gian cho từng chủ đề trọng yếu cả hai môn Công nghệ và Tin học, đảm bảo nội dung sát với các tiêu chí của đề tham khảo. Phân công giáo viên trong tổ xây dựng tài liệu ôn tập, đề kiểm tra phù hợp với từng cấp độ nhận thức: Biết, hiểu, vận dụng và đảm bảo đúng các năng lực thành phần từng bộ môn.

Tổ chức các buổi chuyên đề để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình giảng dạy, biên soạn tài liệu, đặc biệt các câu hỏi ở dạng 2 (câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai) cũng được thầy Thiên chú trọng.

“Tôi đã lồng ghép các câu hỏi từ đề tham khảo vào nội dung bài học hằng ngày để học sinh làm quen dần. Tiến hành biên soạn câu hỏi theo ‘lớp nội dung’ cụ thể giúp học sinh ôn tập và củng cổ kiến thức sau mỗi bài học. Đồng thời, phân tích các lỗi thường gặp khi học sinh đọc câu hỏi và trả lời nội dung thực tiễn để điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu. Quan tâm hướng dẫn các em kỹ năng làm bài thi, như cách phân bổ thời gian, đọc hiểu đề và trình bày bài rõ ràng, logic.

Môn Công nghệ yêu cầu học sinh không chỉ hiểu lý thuyết mà còn vận dụng được kiến thức vào thực tế nên việc tiếp cận câu hỏi dưới dạng tình huống thực tế sẽ giúp các em ứng dụng kiến thức một cách linh hoạt và phát triển kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề. Với môn học này, giáo viên có thể áp dụng các phần mềm và công cụ hỗ trợ học tập để tạo ra các bài giảng sinh động, hấp dẫn, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức”, thầy Trang Minh Thiên chia sẻ.

tu-tin-vuot-qua-mon-moi2-8814.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Khơi dậy đam mê, yêu thích môn học

Theo cô Đỗ Thị Thu Thủy - Trường THPT Ban Mai (Hà Nội), học sinh học tốt môn Tin chủ yếu là các em yêu thích, có đam mê và định hướng theo ngành học từ sớm. Chính vì thế, nhà trường luôn chú trọng việc khơi dậy niềm đam mê, yêu thích môn học và tăng cường tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. Để làm được điều đó, đổi mới phương pháp dạy học môn Tin luôn là quan tâm hàng đầu của tổ nhóm chuyên môn Toán - Tin, cũng như nhà trường trong nhiều năm qua.

Chia sẻ kinh nghiệm của Trường THPT Ban Mai, cô Đỗ Thị Thu Thủy cho biết, giáo viên Tin học đã áp dụng một số phương pháp dạy học định hướng phát triển năng lực như dạy học theo chủ đề, tích hợp liên môn; dạy học theo phương pháp dự án; dạy học thông qua thực hành và bài tập ứng dụng.

Với phương pháp dạy học theo chủ đề, tích hợp liên môn, giáo viên phân chia kiến thức theo chủ đề, học sinh liên kết các chủ đề đã học và tích hợp liên môn để giải quyết các vấn đề thực tế.

Dạy học theo phương pháp dự án, giáo viên xây dựng các dự án thực tế. Học sinh được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả và chủ động trong việc trao đổi với giáo viên để tìm hiểu thêm kiến thức, hoàn thiện dự án được giao; từ đó nắm rõ từng bước thực hiện và xây dựng được nền tảng kiến thức vững chắc sau mỗi dự án.

Để triển khai dạy học thông qua thực hành, bài tập ứng dụng, nhà trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất. Trường có 2 phòng với những máy tính có cấu hình cao, đảm bảo tăng cường thời gian thực hành cho người học. Học sinh được thực hành nhiều hơn trên máy tính, đặc biệt các chủ đề lập trình, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, mạng máy tính…

Giáo viên sẽ tạo ra các bài tập nhỏ mang tính ứng dụng thực tế, như tạo các bảng dữ liệu học sinh, dữ liệu bán hàng, tạo website đơn giản, làm thiệp tặng thầy cô các ngày lễ, làm video về lớp, trường… Các bài tập ứng dụng thực tế này giúp các em hào hứng thực hành; từ đó không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn thấy rõ giá trị ứng dụng của môn học.

“Ngoài các phương pháp dạy học trên, giáo viên Tin Trường THPT Ban Mai còn áp dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, giúp học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phát triển kỹ năng ứng dụng thực tiễn. Học sinh được trang bị cả kiến thức lý thuyết và thực hành, cùng với kỹ năng xử lý tính huống thực tiễn, nhờ vậy tự tin hơn khi đối diện với các dạng câu hỏi trong đề thi cũng như thực tế”, cô Đỗ Thị Thu Thủy cho hay.

Đưa môn Công nghệ, Tin học vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thách thức lớn đối với giáo viên và học sinh, nhưng cũng là cơ hội để xây dựng nền tảng kiến thức mới mẻ và thực tiễn, cơ hội nghề nghiệp mở ra rộng hơn cho các khối ngành kỹ thuật công nghệ. Việc Bộ GD&ĐT sớm công bố đề tham khảo giúp thầy trò sớm có định hướng dạy - học phù hợp với tinh thần đổi mới của chương trình và Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. - Thầy Trang Minh Thiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.